Trong buổi phỏng vấn mới đây với kênh CBS, mặc dù đối diện với quan ngại rằng thông tin sai lệch mà các chiến dịch tranh cử đưa ra có thể bóp méo các kỳ bầu cử, Zuckerberg vẫn khẳng định không thay đổi chính sách của Facebook.
“Điều mà tôi tin tưởng là, trong một nền dân chủ, điều thực sự quan trọng là người dân có thể tự họ nhìn nhận điều mà các chính trị gia đang nói, nhờ đó mà họ có thể đưa ra đánh giá của riêng mình” – Zuckerberg nói – “Và tôi không nghĩ rằng một công ty tư nhân nên kiểm duyệt các chính trị gia hay thông tin”.
Gayle King, người dẫn chương trình “This Morning” của CBS, chỉ ra rằng 200 nhân viên của Facebook đã viết một bức đề nghị Zuckerberg xem xét lại chính sách của công ty, bởi “tự do ngôn luận và ngôn luận được trả tiền không giống nhau”. Nhưng ngay cả luận điểm này cũng không khiến ông chủ Facebook dao động.
“Đây là rõ ràng là một vấn đề rất phức tạp, và rất nhiều người có nhiều ý kiến khác nhau” Zuckerberg nói – “Cuối cùng thì tôi chỉ nghĩ rằng trong một nền dân chủ, người ta nên được phép tự mình nghe những điều mà giới chính trị gia nói. Tôi nghĩ rằng người ta nên được phép tự đánh giá về phẩm chất của các chính trị gia”.
Zuckerberg hiện đang vấp phải rất nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp, trong đó có cả nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez, người đã cảnh báo rằng kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch được người ta chi tiền để phát tán trên mạng xã hội.
Nỗi quan ngại tương tự cũng xuất hiện ở Anh, trong lúc nước này đang hướng tới kỳ tổng tuyển cử trong tháng này. Facebook từng gỡ bỏ một đoạn quảng cáo của đảng Bảo thủ mà trong đó có một số phóng viên của BBC phàn nàn về “việc trì hoãn Brexit một cách vô nghĩa” – trong khi thực tế là các phóng viên nọ đã dẫn lại lời của nhiều chính trị gia bao gồm cả Thủ tướng Boris Johnson.
BBC đã yêu cầu đảng Bảo thủ gỡ bỏ đoạn quảng cáo trên, nhưng bị từ chối thẳng thừng. Tuy nhiên, Facebook lại chấp nhận yêu cầu của BBC với lý do quan ngại về vấn đề “tài sản trí tuệ”.
Vai trò to lớn của Facebook trong việc phát tán các thông tin sai lệch và thông tin giả mạo tới cộng đồng cử tri vốn đã được nêu bật kể từ sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mà ông Trump đắc cử.
Facebook bị cáo buộc trao cho các tổ chức cực đoan một nền tảng chính thống, mà theo như hãng tin Guardian chi nhánh Mỹ nêu ra mới đây thì có 2 tổ chức chủ nghĩa dân tộc da trắng vẫn được phép vận hành một số trang Facebook, dù cho Facebook đã hứa sẽ cấm cửa các trang này từ vài tháng trước.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh CBS, người dẫn chương trình King còn hỏi Zuckerberg về một cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 10 vừa qua. Ông Trump trước đây từng nói rằng Facebook không nên cấm các đoạn quảng cáo chính trị.
Zuckerberg trả lời: “Chúng tôi đã nói chuyện về một số thứ mà ông ấy lưu tâm. Và một số trong các chủ đề liên quan tới công việc của chúng tôi mà các bạn đã đọc trên báo chí rồi”.
Khi được hỏi rằng liệu có phải ông Trump đã vận động anh hay không, Zuckerberg trả lời: “Không, tôi tin rằng không phải…Tôi muốn tôn trọng thực tế rằng đó là một bữa tối riêng tư và…một cuộc thảo luận riêng tư”.