|
OGC muốn chuyển 2.500 tỉ đồng nợ khó đòi ra khỏi báo cáo tài chính |
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc xử lý đối với các khoản nợ khó đòi của công ty. Thời gian lấy ý kiến cổ đông kéo dài từ ngày 10/6 – 14/6/2022, qua hình thức biểu quyết điện tử.
Theo đó, ban lãnh đạo OGC đề xuất điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% với tổng số tiền là 2.553 tỉ đồng.
Đây là những khoản ‘nợ xấu’ đang được OGC hạch toán trên các khoản mục: Phải thu về cho vay ngắn hạn (1.154,2 tỉ đồng); Phải thu ngắn hạn của khách hàng (81,7 tỉ đồng); Phải thu ngắn hạn khác (868,7 tỉ đồng); Trả trước cho người bán ngắn hạn (168,1 tỉ đồng); Tài sản thiếu chờ xử lý (3,5 tỉ đồng); và Trả trước cho người bán dài hạn (276,8 tỉ đồng).
OGC cho biết, các khoản nợ phải thu khó đòi nêu trên đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ, có tính pháp lý phức tạp.
“Hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi. Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi nhưng không hiệu quả”, OGC nhấn mạnh.
Công ty cho biết cần thực hiện việc phân loại và trình bày lại các khoản nợ phải thu khó đòi để thông tin được phản ánh một cách phù hợp, cụ thể là việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng.
Ban lãnh đạo OGC cũng lưu ý, các khoản phải thu đã trích lập dự phòng 100% nên các chỉ tiêu về tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty.
Như VietTimes từng đề cập, OGC đã thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi đối với tổng giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỉ đồng. Dù rao bán 7 khoản nợ xấu này với giá khởi điểm chỉ bằng 1/10 dư nợ gốc, song theo ban lãnh đạo công ty, không có đối tác nào quan tâm mua nợ.
Động thái rao bán các khoản nợ xấu, ‘xoá’ các khoản phải thu khó đòi ở OGC diễn ra sau khi đại diện của nhóm cổ đông chi phối IDS Equity Holdings tiếp quản các vị trí lãnh đạo cấp cao tại đây. Cùng với đó, hoạt động này cũng sẽ giúp công ty giảm, xoá bỏ các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán./.