Đại diện IDS Equity Holdings làm Chủ tịch HĐQT OGC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tân Chủ tịch HĐQT OGC là bà Lê Thị Việt Nga - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH IDS Argo Servicer, thành viên của IDS Equity Holdings.

Tân Chủ tịch HĐQT Lê Thị Việt Nga làm chủ tọa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC)
Tân Chủ tịch HĐQT Lê Thị Việt Nga làm chủ tọa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC)

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) với sự tham dự của 22 cổ đông, đại diện cho 78,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời bầu bổ sung các bà Phạm Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thanh Hường, Lê Thị Việt Nga và Trần Thị Ngọc Bích.

Trong đó, bà Lê Thị Việt Nga đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT OGC. Bà Nga được biết đến là Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH IDS Argo Servicer, thành viên của IDS Equity Holdings.

Chia sẻ tại đại hội, tân Chủ tịch HĐQT OGC Lê Thị Việt Nga cho biết, với sự tham gia của nhóm cổ đông lớn hiện tại (bao gồm IDS Equity Holdings và những cổ đông lớn khác), “con thuyền” OGC đã có người chèo lái.

“Trong thời gian tới, OGC sẽ có những nguồn lực mới như đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, năng lực tài chính vững mạnh được hỗ trợ từ các tập đoàn bất động sản và định chế tài chính trên thị trường. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp OGC phát triển trong dài hạn”, bà Nga nhấn mạnh.

AGM 2022 của OGC còn bầu bổ sung 3 thành viên vào BKS nhiệm kỳ 2019 - 2024, bao gồm các ông bà Trịnh Thị Trang, Trần Thị Trang và Phạm Trung Hiếu.

Đồng thời, OGC cũng báo cáo về việc bổ nhiệm bà Phạm Thị Hồng Nhung làm Tổng giám đốc kiêm người địa diện theo pháp luật công ty, thay thế cho ông Lò Hồng Hiệp đã có đơn từ nhiệm trước đó.

Tân Tổng giám đốc OGC cho biết, với quỹ tài sản lớn và hoạt động đầu tư trải dài ở nhiều mảng nên OGC có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển nhanh. Tuy nhiên, để làm được điều này, OGC cũng cần phải có nguồn lực rất lớn để đầu tư và tái khởi động các dự án đang bị "đóng băng" nhằm tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn cũng như cho cổ đông.

Đối với định hướng tại công ty con là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (Mã CK: OCH), bà Phạm Thị Hồng Nhung đánh giá OCH là một trong những thành viên cốt lõi của OGC với các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như dịch vụ, khách sạn và thực phẩm.

Trong thời gian tới, HĐQT của OGC sẽ thực hiện việc tái cấu trúc tập đoàn, trong đó không loại trừ phương án chuyển một số dự án bất động sản từ OCH về OGC để trực tiếp phát triển và quản lý đầu tư.

“Việc tái cấu trúc này nhằm tối ưu hóa nguồn lực giữa OGC và OCH, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn hợp tác, nâng cao khả năng sinh lời của các dự án trong lĩnh vực dịch vụ và khách sạn. Nguồn vốn mới cũng được tập trung cho các dự án đang dở dang để đưa vào động”, bà Nhung nói.

Năm 2022, OGC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 937 tỉ đồng, tăng 80,5% so với thực hiện năm 2021. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 81,8% so với cùng kỳ, xuống mức 18 tỉ đồng./.