|
Quả trứng mới đây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị giải thoát khỏi phí và lệ phí |
Như vậy, bên cạnh phí thử nghiệm khí thải đã được quy định trước của Bộ Tài chính, các loại ôtô chở người từ 7 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu thêm phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Theo nội dung dự thảo, sẽ có hai mức phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu đối với ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Trong đó, xe sử dụng nhiên liệu xăng chịu mức phí 16 triệu đồng/phép thử/lần; xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel chịu mức phí 16,5 triệu đồng/phép thử/lần.
Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với ôtô từ 7 chỗ trở xuống, Bộ Tài chính dự kiến thu ở mức 100.000 đồng/giấy.
Theo Autodaily, hiện ôtô đang phải chịu thuế nhập khẩu cho linh kiện (10-30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50 đến 70%) tùy loại, và tùy theo nguồn gốc nhập khẩu. Thuế tiêu thụ đặc biệt 40-60%, tùy theo dung tích xe. Thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%.
Ôtô ra đường còn phải chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo thành phố. Phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật... Phí bảo trì đường bộ đóng hai lần, thu qua đầu phương tiện và thu qua trạm BOT.
Chưa hết, còn một loạt phí khác như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn.
Như vậy với việc thu thêm loại phí mới là phí thử nghiệm khí thải nói trên, một chiếc ôtô muốn lăn bánh được tại Việt Nam phải chịu 3 khoản thuế chính và hàng chục khoản phí các loại.
Không chỉ với ô tô, ngay cả hạt thóc cũng đang phải chịu gánh nặng thuế, phí. Theo điều tra mới đây của Viện Thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), một hạt thóc nông dân sản xuất ra phải cõng hơn 100 khoản đóng góp.
Các khoản này thường chia là 3 phần: Phần thuế nộp cho nhà nước theo quy định; phần dịch vụ của các hợp tác xã (chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) - các khoản phí dịch vụ này chiếm khoảng 38% đến 40%;
Các khoản phí mang tính xã hội (phí môi trường, điện, đường, đê điều, hỗ trợ người bị thiên tai…) - thường chiếm từ 25% đến 30% .
Không chỉ trồng trọt mà chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phải gánh tới 14 loại phí và 17 loại lệ phí liên quan đến vệ sinh thú y, đang “đánh” vào trứng và thịt động vật.
Trong số này có phí kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, phí dán tem kiểm tra vệ sinh thú y, phí đánh dấu gia súc, phí bấm thẻ tai động vật nuôi, phí vệ sinh khả trùng tiêu độc, phí xử lý chất thải, phí kiểm tra đăng ký chó nuôi, lệ phí cấp chứng nhận sản phẩm động vật, sản phẩm động vật vận chuyển...
Các loại phí, lệ phí này đã áp dụng được 4 năm qua, gây nhiều bức xúc cho người chăn nuôi do các thủ tục hành chính và phí phiền hà, gần đây nhất là bức xúc của người dân về việc mỗi con gà phải cõng 14 loại phí, lệ phí.
Việc người dân phải chịu quá nhiều phí và lệ phí cũng được đưa tới diễn đàn Quốc hội. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông thôn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 diễn ra ngày 11/6 vừa qua, ông Cao Đức Phát đã hứa sẽ đề nghị Bộ Tài chính cho dừng quy định thu này.
Ngay sau đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bỏ 31 loại phí và lệ phí đang đánh vào trứng và thịt động vật.
Như vậy đến thời điểm này hạt lúa vẫn đang dẫn đầu về khả năng cõng thuế, phí.
Mới đây trong một báo cáo của mình, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết người Việt “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực.
Trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ thuế và phí của Việt Nam là 21,6% GDP, Trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.
"Thực tế là những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP rất cao. Giai đoạn sau này còn nhiều loại thuế như thuế môi trường của xăng dầu, phí đường bộ…thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa", TS Trần Đình Thiên nói.
Theo Báo Đất Việt