Những tên trộm dễ dàng đánh cắp các mẫu xe có cơ chế mở khóa không cần chìa nhờ thủ thuật “nối dài” tín hiệu định vị khoảng cách mà chìa khóa phát ra.
Tại Anh, số vụ đánh cắp xe đã tăng gần gấp rưỡi trong vòng 5 năm qua, tương ứng với việc công nghệ nói trên được phổ biến rộng rãi. Đây là kết quả mà nghiên cứu của Auto Express (Anh) chỉ ra. Cụ thể, trong năm tài khóa 2017-2018 (từ ngày 6-4-2017 đến 5-4-2018), có 111.999 xe bị báo mất, tăng đáng kể so với mức chỉ 75.308 trong giai đoạn 2013-2014.
Nói cách khác, cứ 5 phút lại có một chiếc xe bị đánh cắp trong suốt năm qua tại Anh, với tỉ lệ lớn là các xe có sử dụng cơ chế mở khóa không cần chìa. Thực tế, công nghệ này rất dễ bị khuất phục thông qua thủ thuật “đánh cắp tiếp sức” và cho phép những tên trộm thậm chí lái đi nơi khác mà không cần phá hỏng bất cứ thành phần nào của xe. Những chiếc xe này sau đó thường bị rã bán linh kiện đi khắp châu Âu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Thủ thuật “đánh cắp tiếp sức” nói trên thường gồm 2 tên trộm. Trong đó, một kẻ sẽ đứng trước cửa gara với thiết bị có khả năng bắt tín hiệu định vị khoảng cách từ chìa khóa của xe. Tín hiệu này sau đó có thể được chuyển tiếp đi xa hơn.
Kẻ thứ hai sẽ đứng cạnh xe, với thiết bị bắt tín hiệu chuyển tiếp nói trên, sau đó phát lại ở cự ly gần chiếc xe "nạn nhân". Điều này sẽ đánh lừa xe nghĩ rằng chìa khóa đang nằm bên cạnh (như khi chủ nhân đi lại gần xe) và kích hoạt cơ chế tự động mở khóa.
Quy trình nói trên cũng cho phép những tên trộm dễ dàng nổ máy và lái chiếc xe tới các địa điểm khác, hay thường là chui vào một chiếc xe tải để chở đi xa, tránh sự giám sát của các máy quay công cộng. Một số kẻ có thể chỉ đơn giản là khoắng sạch đồ đạc bên trong xe, điều mà trước đây chúng sẽ phải đập vỡ kính một cách ồn ào hoặc thực hiện phá khóa vật lý vốn khó khăn hơn nhiều.
Cũng theo các chuyên gia, ở các khu vực chứng kiến những tên trộm sử dụng kĩ thuật tiếp sức nói trên hoành hành, chủ nhân ô tô nên giữ chìa khóa ở trung tâm nhà, cách xa các bức tường và hệ thống điện. Thậm chí, việc cất chúng trong các hộp cách ly tín hiệu cũng là điều nên xem xét ứng dụng.
Theo Hà Nội mới
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/925396/o-to-doi-moi-de-bi-danh-cap-vi-co-che-mo-khoa-khong-can-chia