Đối phó với những động thái mới của Bắc Kinh, ưu tiên hàng đầu của Tokyo trong quốc phòng là xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa có hiệu quả, đủ sức đối phó với các nguy cơ tấn công tên lửa của Trung Quốc. Tiến trình phát triển quân sự của Nhật sẽ tiến xa tới mức nào?
Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị đệ trình khoản ngân sách dành cho quốc phòng lớn nhất trong lịch sử quốc gia này cho năm tài khóa sắp tới. Theo kênh truyền hình NHK và thông tin từ một số báo chí Nhật Bản, ngân sách quốc phòng năm 2017 dự kiến những chi phí cụ thể nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo Triều Tiên và phát triển tàu ngầm để đối phó với hải quân Trung Quốc trên vùng nước quần đảo Senkaku.
Theo thông tin truyền thông Nhật Bản, chi tiêu ngân sách quốc phòng lớn hơn năm tài chính 2016 khoảng 2,3% và đạt tới con số 5,17 nghìn tỷ yên (51,7 tỷ USD). Năm tài khóa tại Nhật Bản sẽ bắt đầu từ tháng 4.
Tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo
Hãng tin Swissinfo.ch cho biết: Theo bản kế hoạch chi tiêu ngân sách này, Nhật Bản sẽ tái trang bị cho 28 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot (PAC-3) hiện có, ngân sách dành cho kế hoạch hiện đại hóa các tổ hợp tên lửa này khoảng 105 tỷ yên (1,05 tỷ USD). Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ chi 94,6 tỷ yên (gần 946 triệu USD) mua 6 máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35 và 39,3 tỷ yên (gần 393 triệu USD) để mua 4 máy bay trực thăng Osprey của Mỹ,.
Theo những thông tin không chính thức đăng tải trên các báo Nhật, Bộ Quốc phòng muốn đặt mua các tên lửa phòng không đánh chặn trang bị cho chiến hạm nổi SM-3 do Mỹ và Nhật hợp tác sản xuất, có tầm bay cao tối đa tới 1.000 km, được biên chế cho các khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, với dự chi ngân sách khoảng 14,7 tỷ yên (147 triệu USD).
Bộ quốc phòng Nhật Bản yêu cầu một khoản ngân sách khoảng 74,6 tỷ yên (746 triệu USD) cho sứ mệnh tăng cường cho những đơn vị đồn trú tại các đảo xa như Myakyo và Osima thuộc quận Okinawa, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trong kế hoach tăng cường sức mạnh Hải quân, Nhật Bản dự kiến phát triển các thiết kế tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa hành trình với tầm bắn 300 km. Các tàu ngầm này sẽ được đưa vào biên chế trước năm 2023 và triển khai gần đảo Myakyo nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku.
“Nhật Bản tập trung sự quan tâm vào việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa – đây là đối tượng được giải ngân chính, – trưởng nhóm nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Vasily Kashin phân tích trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Nga “Vzglyiad”.
Theo ông Kashin, hiện nay Nhật Bản đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa gồm 2 thê đội. Thê đội phòng thủ tên lửa tầm xa – là đội hình các khu trục hạm trên biển Aegis được trang bị các tên lửa đánh chặn SM-3, thê đội phòng thủ tên lửa tầm gần, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực, bảo vệ các mục tiêu cụ thể hoặc các khu dân cư, thê đội này hình thành từ hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3. Các nhà quân sự Nhật cũng đang thảo luận vấn đề mua sắm các tổ hợp phòng thủ tên lửa chiến trường THAAD tầm trung. Nhưng hiện Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa quyết định về vấn đề này.
Ngăn chặn ý đồ tấn công chuỗi đảo phòng thủ đầu tiên
Các chuyên gia quân sự nhận định: Tên lửa của Trung Quốc tại thời điểm này khó lòng có thể đe dọa được lãnh thổ Mỹ, yếu điểm trong hệ thống phong tỏa Trung Quốc là Nhật Bản, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận tình huống để cho Nhật Bản có năng lực phòng thủ giảm thiểu tổn thất trước các đòn tấn công tên lửa của Trung Quốc, đây chính là công cụ răn đe, ngăn chặn Mỹ”.
Điểm mấu chốt trong hệ thống phòng ngự chuỗi đảo thứ nhất của Liên minh Mỹ - Nhật và các đồng minh khu vực chính là quần đảo Senkaku, Trung Quốc muốn đột phá tuyến phòng thủ thứ nhất hoặc tấn công lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản, không thể bỏ qua quần đảo này, đây chính là mục tiêu cần phải đánh chiếm đầu tiên trước khi phát triển tấn công theo chuỗi đảo đến Okinawa. Phòng thủ Senkaku trở thành mục tiêu sống còn của Nhật Bản.
Các nhà bình luận quân sự Nhật Bản nhận định: Các máy bay trực thăng cánh quạt xoay V-22 Osprey, sẽ thực sự cần thiết đối với Hải quân Nhật nhằm có được năng lực phản ứng khẩn cấp trước những thay đổi xung quanh Senkaku.
“Các máy bay này cho phép nhanh chóng tung lực lượng lính thủy đánh bộ tới một khu vực ở cự ly xa. Có nghĩa là nhanh chóng dịch chuyển tiềm lực chiến đấu của quân đội Nhật xuống phía Nam, tới khu vực quần đảo Ryukyu, trong hệ thống phòng thủ năng động. Các quan chức Nhật Bản cũng đặt hy vọng vào những máy bay tàng hình thế hệ 5 F-35.
Trung Quốc hiện đã đưa các máy bay ném bom tầm xa H-6K mang tên lửa hành trình tầm xa vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Nhật Bản buộc phải nỗ lực phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa năng động, các tiêm kích tàng hình F-35 có thể đánh chặn các máy bay ném bom mang tên lửa hành trình khi lực lượng không – hải Trung Quốc tiến hành các hoạt động tiến công chuỗi đảo đầu tiên”.
Chuyên gia Vasily Kashin nhấn mạnh rằng, những nỗ lực tăng cường sức mạnh quốc phòng liên quan trước hết tới những động thái quyết đoán của Trung Quốc, vấn đề tên lửa Triều Tiên hoàn toàn chỉ có ý nghĩa ngụy trang.
Ông Kashin phân tích “Đây là một phần của cuộc chạy đua vũ trang Đông Á, động cơ đằng sau cuộc chạy đua này là những phản ứng từ phía Bắc Kinh nhằm ngăn chặn Nhật Bản. Hành động ngăn chặn này được thực hiện bằng biện pháp tăng cường tiềm lực tiến công, khẳng định chắc chắn với người Nhật rằng PLA không thể chọc thủng được tuyến phòng thủ tên lửa và phòng không này để giáng đòn tiến công. Với Trung Quốc, khả năng gây cho Nhật Bản những tổn thất không thể chấp nhận được – đó là một trong những thành tố cấu thành chiến lược kiềm chế Mỹ.
Bắc Kinh hiểu rất rõ PLA không có nhiều những vũ khí bay được tới lục địa nước Mỹ và dễ dàng bị ngăn chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Thay vì theo đuổi mục tiêu tốn kém này, Trung Quốc có thể làm cho Nhật Bản nằm trong vòng khủng hoảng, đây là một trong số những con át chủ bài. Chính vì vậy Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển vũ khí tấn công, đủ sức đặt Nhật Bản đối mặt với những tổn thất không thể chấp nhận được”.
Trước đó kế hoạch trung hạn tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản tới năm 2018 đưa ra dự toán gia tăng ngân sách mỗi năm chỉ có 0,8%.
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng đều từ năm 2013, sau khi thủ tướng Sinzo Abe quay trở lại nắm quyền. Sự gia tăng chi phí quân sự được giải thích bởi nguy cơ đe dọa từ các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên, trong đó có vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây với tầm bắn lên tới 1.000 km, có thể bay được tới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, mặc dù chắc chắn rằng, tên lửa Bắc Triều Tiên không thể vượt qua được hệ thống cảnh báo sớm và đánh chặn tên lửa mà Tokyo và Washington hiện đang sở hữu.
Ngày 18.08.2016 tờ Thời báo tài chính (Financial Times) Anh đưa tin, Nhật Bản nghiên cứu kế hoạch nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo chiến thuật để có thể triển khai trên quần đảo Sakysyma (thuộc quận Okinawa). Bằng cách này, Tokyo cố gắng tăng cường sức mạnh trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Senkaku.
Các chuyên gia nghiên cứu quân sự hiểu biết sâu về kế hoạch này của chính phủ Nhật cho rằng: tên lửa đạn đạo mới phải “gây khó khăn cho đối phương trong việc xây dựng kế hoạch” xâm nhập vùng biển tranh chấp. Bán kính hoạt động của các bệ phóng tên lửa di động khoảng 300 km, nếu các tên lửa được triển khai trên chuỗi đảo Yonaguni đến Miakojima thì Senkaku cũng nằm trong bán kính tấn công của tên lửa. Khi đã có các bệ phóng tên lửa đạn đạo, Nhật Bản sẽ quyết định bố trí tại Senkaku các đài radar mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – người đàn bà thép
Phát triển tên lửa đạn đạo một trong những quyết định đầu tiên mà Bộ trưởng Quốc phòng mới, bà Tomomy Inada khi tiếp quản chức vụ này đưa ra ngày 03.08 đưa ra. Bà Tomomy Inada không phải là người đầu tiên, mà là người phụ nữ thứ hai giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong lịch sử nước Nhật. Trước đây bà Inada đã từng phát biểu với quan điểm cứng rắn về những tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Dù trước khi được bầu vào Quốc hội năm 2005 bà là luật sư.
Theo RIA “Novosti”, năm nay bà Tomomy Inada phá lệ không viếng đền Iasukuny tại Tokyo vào ngày Nhật đầu hàng trong Đại chiến Thế giới thứ II. Bà Inady có chuyến thăm Djibouty – thanh sát lực lượng hải quân Nhật đang săn lùng hải tặc trên vùng nước bờ biển Sừng châu Phi. Một đồng nghiệp của bà là Bộ trưởng Cải cách Masahiro Imamura vẫn đến viếng đền Iasukuny. Thủ tướng Abe cũng đã hạn chế viếng đền thờ này sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12.2012. Ông đã đại diện cho đảng cầm quyền gửi lễ vật tới viếng.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga Valery Kistanov nhận xét: “Bà Bộ trưởng Quốc phòng có quan điểm dân tộc bảo thủ. Bỏ lễ dâng hương tại đền Iasukuny theo thông lệ và chuyến đi Djibouty không phải tình cờ – mà không muốn Bắc Kinh và Seoul có lý do để nổi giận. Nhưng nữ Bộ trưởng sẽ buộc thế giới nói về mình nhiều nữa. Bà Inada đã nổi tiếng với tuyên bố gần đây: Nước Nhật hiện nay chưa mua sắm vũ khí hạt nhân, nhưng trong tương lai tình hình có thể sẽ thay đổi. Việc này ngay lập tức đã một lần nữa gây lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hàn Quốc”.
Theo ông Kistanov, bà Inada đang hiện thực hóa định hướng biến Nhật Bản trở thành một nước “bình thường”, có quân đội đúng nghĩa, như ông Abe thường nói. “Ông Abe đã thành công trong việc đổi Cục lực lượng phòng vệ thành Bộ quốc phòng. Nhưng Lực lượng vũ trang vẫn đang duy trì tên gọi cũ. Vì thế tại Nhật Bản có Bộ Quốc phòng, còn quân đội về mặt hình thức chưa có”, ông giải thích.
Chuyên gia Kistanov nhận xét: Tokyo và Bắc Kinh đang hành động theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”, “Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc trong vòng 10 năm qua đã tăng ngân sách quân sự của mình lên 2 con số. Tokyo nhận xét những gì người ta thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trên thực tế quy mô quân sự của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều do Bắc Kinh không minh bạch. Từ nguyên nhân này, ông Abe đã thành công ba năm liên tiếp tăng ngân sách quân sự”.
Đầu tháng 8 Trung Quốc đã đưa tới Senkaku một hải đoàn lớn gồm 230 tàu đánh cá, hộ tống bởi 6 tàu tuần tiễu. Và Nhật Bản đáp trả bằng việc triển khai tại khu vực này các tên lửa chống tàu, có tầm bắn tới Senkaku.
Bà Tomomy Inada là người công khai phản bác những nội dung duy trì chủ nghĩa hòa bình của hiến pháp, cũng giống như ông Sinzo Abe sau khi trở lại nắm quyền đã đề xuất tổ chức các cuộc thảo luận về việc bãi bỏ điều 9 Hiến pháp. Điều đó có thể được hiểu, nếu tình hình biển Hoa Đông tiếp tục căng thẳng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ có những biện pháp cứng rắn đáp trả, mà trước hết đó là tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2017.