Năm 1998, trong một lần tháp tùng Thứ trưởng NSND Nguyễn Trung Kiên xuống Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh dự lễ bế giảng khóa đào tạo đạo diễn điện ảnh, tôi đã biết đến sinh viên Nguyễn Danh Dũng khi em lên nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi. Sau đó Nguyễn Danh Dũng ra trường nên tôi chưa được gặp lại.
Cuối năm 1998, Nguyễn Danh Dũng là một trong lớp đạo diễn đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đầu quân về Hãng phim Truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam. Đấy là những năm tháng vô cùng khó khăn của người đạo diễn trẻ. Mới học ra trường kinh nghiệm thực tiễn chưa có, tiền lương không đủ sống, nhiều khi Dũng còn phải về quê để xin tiền bố mẹ và anh chị. Thù lao làm phim hồi đó cũng thấp nên Dũng cũng rất bi quan, chán nản, thậm chí có lúc muốn bỏ việc.
Nhưng với niềm đam mê cái nghề mà Dũng đã yêu thích ngay từ tấm bé, nên cậu đã quyết tâm vượt qua những thử thách đầu đời ấy. Đặc biệt, khi các chương trình "Điện ảnh chiều thứ Bảy” và “Văn nghệ Chủ nhật” của Đài Truyền hình Việt Nam có chỗ đứng trong lòng khán giả, đã trở thành động lực thúc đẩy người đạo diễn trẻ.
Bộ phim đầu tay mà đạo diễn Nguyễn Danh Dũng trình làng trên sóng truyền hình là "Rời nhà ra phố” được phát trong chương trình “Văn nghệ chủ nhật” và sau đó là liên tiếp các phim: “Chuyện bên sông”, “Quà năm mới”, “Hai bến một dòng sông”, “Người bên sông” lần lượt ra đời, đã có sức lan tỏa và thu hút khán giả của kênh VTV3 trong thập niên chín mươi của thế kỷ trước.
Ban đầu, các tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng thường gắn với những dòng sông và điều này đã gợi lên trong tôi sự tò mò về người đạo diễn trẻ. Phải chăng, Danh Dũng có tuổi thơ gắn với những dòng sông?
Tìm hiểu qua anh trai của Dũng là anh Nguyễn Danh Dương - nguyên Chủ nhiệm khoa Điện ảnh của Trường Sân khấu - Điện ảnh và sau này là Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia - tôi biết quê gốc của Nguyễn Danh Dũng ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - nơi có biển Thiên Cầm hiền hòa ngày đêm sóng vỗ, đẹp đến nao lòng. Có lẽ nơi đây chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của anh, để trong cảm xúc làm phim của anh đã luôn gắn với những dòng sông dặt dìu sóng vỗ?
Cha Dũng là một “thầy đồ xứ Nghệ” ra Thanh Hóa lập nghiệp với nghề dạy học. Ở vùng quê mới, thầy giáo trẻ đã bén duyên với cô gái xinh đẹp, dịu dàng, nết na ở xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Rồi, chính mảnh đất "chiếu Nga Sơn” nổi danh này, cậu bé Nguyễn Danh Dũng đã cất tiếng khóc chào đời…
Vùng trồng cói, vùng sông nước của tỉnh Thanh với những điệu hò dô tả, dô ta hòa quyện với mạch nguồn của dân ca xứ Nghệ, đã góp phần tạo nên một cốt cách tâm hồn của người đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Nguyễn Danh Dũng…
Những năm đầu của thế kỷ 21, Nguyễn Danh Dũng tiếp tục được khán giả truyền hình trong cả nước biết đến qua sóng truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh với các tác phẩm mà anh làm đạo diễn: “Ảo ảnh”, “Nhịp đập trái tim”, “Thiên đường tình yêu”, “Một ngày không có em”, “Nghe trà”…
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21 và cho đến nay, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã cho ra đời hàng loạt phim về đề tài hình sự mà hàng đêm, khán giả truyền hình cả nước nóng lòng, chực chờ đón xem: “Khi đàn chim trở về”, “Cảnh sát đặc nhiệm”, “Người phán xử”, “Đấu trí”….
Đặc biệt, bộ phim phim cảnh sát hình sự “Người phán xử” đã tạo nên "cơn sốt" với khán giả và đạt kỷ lục về lượng người xem, giúp Đài Truyền hình Việt Nam thu được 192 tỉ đồng từ quảng cáo.
Không chịu thua kém phim “Người phán xử”, tiền thu được từ quảng cáo của phim “Về nhà đi con” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng lên đến 200 tỉ đồng.
Trong những ngày đại dịch Covid-19, bộ phim “Những ngày không quên” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã gây chú ý với khán giả bởi phản ánh chân thực xã hội cũng như con người trong đại dịch.
Bộ phim như sự động viên an ủi, nhắc nhở mọi người tin tưởng vào sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài yếu tố văn học, phim “Những ngày không quên” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng còn thấm đẫm tính thời sự và mang thông điệp sống động, kịp thời cho người dân vào những ngày chống dịch…
Đặc biệt, bộ phim còn mang đến tiếng cười, niềm lạc quan cho khán giả trong những ngày phải sống cách ly khi dịch đang diễn biến phức tạp.
Mùa xuân năm 2023, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã cho ra mắt trên sóng truyền hình những tập phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” - một tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh cuộc sống của những người dân lao động ở xóm chợ Long Biên, Hà Nội mà hiện nay khán giả truyền hình đang háo hức xem.
Mặc dù tình tiết phim không gay cấn, hồi hộp đến nghẹt thở như các phim“Cảnh sát đặc nhiệm”, “Người phán xử” hay “Đấu trí”… nhưng đạo diễn đã tạo những tình tiết của phim, sự cảm thông, sẻ chia với từng số phận nhân vật trong phim khá lôi cuốn bởi tính nhân văn sâu sắc.
Đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã trình chiếu đến tập thứ 15, nhưng đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và ekip làm phim vẫn đang bận rộn, miệt mài với các cảnh quay của các tập phim tiếp theo để khán giả truyền hình không bị gián đoạn.
Để có một cuộc hẹn gặp đạo diễn Nguyễn Danh Dũng quả thật khó khăn, vì anh rất bận. Mặt khác, Danh Dũng cũng là người kín tiếng. Anh ít khi "mở lòng" với báo chí, đặc biệt, anh không muốn nói về mình và hầu như chưa bao giờ chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo lịch hẹn, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho người đón tôi ở cổng chính chợ Long Biên - nơi đoàn làm phim đang quay các cảnh của những tập phim cuối. Len lỏi qua nhiều ngóc ngách của xóm chợ ẩm ướt, ruồi, muỗi… cuối cùng tôi đã đến được “cứ điểm” của đoàn làm phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”….
Không khí tất bật của đoàn làm cho tôi thêm hiểu về lao động nghệ thuật vất vả của các nghệ sĩ, để mang đến cho khán giả những cảnh phim sống động, phản ánh chân thực cuộc sống vất vả của người dân lao động.
Lau những giọt mồ hôi trên trán giữa cái nóng bức của những ngày đầu hè, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tâm sự: “Gần 2 tháng qua, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở đây từ sáng sớm, có hôm một, hai giờ sáng mới về nhà. Đến bữa thì mỗi người một hộp cơm ăn qua quýt rồi lại lao vào công việc. Anh thấy đấy, một phần ba bối cảnh nơi đây là đoàn làm phim phải dựng lại, rất vất vả… Được cái anh em trong đoàn ai cũng hăng hái nhiệt tình, quên cả mệt nhọc.
"Mà cũng không phải chỉ có phim này, các phim khác cũng vậy. "Sinh nghệ, tử nghệ" mà anh. Hồi làm phim "Khi đàn chim trở về" còn vất vả hơn nhiều lần. Cả tháng trời ăn ở trong rừng, bị vắt, muỗi đốt khắp người. Xa vợ con có khi sáu, bảy tháng trời chẳng giúp gì cho họ. Hoặc thời kỳ covid, vừa phải tuân thủ "5K", vừa phải hoàn thành việc làm phim. Nhiều khi vừa tập trung đoàn xong lại phải giải tán vì dịch căng quá... Cái nghiệp đã vậy phải theo thôi anh!"
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết thêm: "Chúng tôi đang quay những tập cuối của bộ phim, chắc cũng mất 10 ngày nữa. Tôi tin bộ phim sẽ không phụ lòng khán giả truyền hình, bởi cái kết nhân văn, hướng thiện như thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải".
Với tài năng bẩm sinh, cùng với sự nhiệt huyết, đam mê và tận tâm lao động sáng tạo, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã mang đến cho khán giả nhiều tác phẩm phim truyện truyền hình ở các thể loại đặc sắc và ăn khách. Hai lần đoạt giải thưởng Cánh diều ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất là một sự ghi nhận xứng đáng với người đạo diễn tài danh. Tháng 8/2018, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất là anh luôn được công chúng biết đến, yêu quý và mến mộ. Sự trông ngóng của khán giả trước màn ảnh nhỏ mỗi tối về những bộ phim của anh, mới là những giá trị đích thực của người đạo diễn mà Nguyễn Danh Dũng có được.