4 năm - chi liên tục
Theo tài liệu VietTimes có được, trong năm 2017, Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định (thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) đã có Tờ trình về việc triển khai biên soạn SGK mới (bộ miền Nam) gửi đến ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và ông Hoàng Lê Bách – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (hiện ông Bách là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Theo tinh thần cuộc họp của Ban chỉ đạo biên soạn sách giáo dục Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vào ngày 8/8/2017, trong khi chờ Nhà xuất bản ban hành cơ chế và quy trình mới cho việc làm SGK, Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định đã đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam duyệt một số nội dung để kịp thời triển khai biên soạn bộ SGK lớp 1.
Tờ trình về việc triển khai biên soạn SGK mới (bộ miền Nam)
|
Cụ thể, Công ty này đã đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mời và kí hợp đồng với PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng – Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt – Ngữ văn làm Tổng chủ biên bộ SGK của các tác giả khu vực phía Nam, để đảm bảo sự kết nối, liên thông giữa các môn học, cấp học theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Đáng chú ý, Công ty đề nghị tiếp tục chi trả thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền nam của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã chi thù lao cho Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đến tháng 3/2017.
Tờ trình về việc triển khai biên soạn SGK mới (bộ miền Nam) do bà Trần Thị Kim Nhung – Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định ký.
Sách giáo khoa có thể bị đội giá?
Theo văn bản về việc triển khai biên soạn SGK mới (bộ miền Nam), ở mục 2, Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định đề nghị đưa thù lao cho Ban chỉ đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vào kinh phí làm bộ SGK miền Nam. Điều này đã được chấp thuận với bút phê và chữ ký của ông Nguyễn Đức Thái là "đồng ý mục 2,3".
Được biết, ông Thái sau khi phê duyệt tờ trình đã chuyển cho ông Hoàng Lê Bách (thời điểm đó là Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) để giao cho ông Thạch - Kế toán trưởng của Nhà xuất bản thực hiện việc chi trả thù lao cho Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh và đưa khoản tiền này vào kinh phí làm bộ SGK miền Nam.
Chữ ký của ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
|
Điều này có nghĩa khoản thù lao mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi cho lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã được xem xét để tính vào kinh phí làm bộ SGK miền Nam.
Cùng với đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các cuộc họp làm bộ SGK lớp 1 (bộ miền Nam) thông qua Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh.
Trao đổi với PV VietTimes, GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - cho biết: “Nếu khoản thù lao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh được tính vào kinh phí để làm bộ SGK thì SGK có thể sẽ làm cho sách bị đội giá.”
GS. Nguyễn Minh Thuyết
|
“Điều này sẽ trút một gánh nặng không nhỏ lên vai các bậc phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh. Nếu các lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT nhận tiền rồi dùng tiền ấy đưa vào kinh phí để làm SGK thì đây chính là một biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm” – GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Như VietTimes đã đưa tin, trước đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho cán bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều Trưởng, Phó phòng trong Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 và Quyết định số 04/QĐ-NXBGDVN ngày 5/1/2018. Tổng 2 lần chi từ ngày 1/5/2015 đến hết năm 2018 là gần 3 tỷ đồng. Cả 2 văn bản chi tiền trên đều do Chủ tịch Hội đồng thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ký.
Thông tin Nhà xuất bản chi tiền cho lãnh đạo Sở GD&ĐT đã khiến dư luận dậy sóng. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Đại biểu Quốc hội cho hay: “Khi Nhà xuất bản chi tiền, chúng ta có quyền nghi ngờ về tính minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Nếu UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có vai trò tham mưu. Còn các cơ sở giáo dục có thể sẽ chịu tác động của cơ quan quản lý nhà nước (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh), không dám làm trái ý”.
Trước những luồng ý kiến gay gắt của dư luận, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xác nhận việc chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, như thông tin VietTimes đã phản ánh trong bài "Nóng: Nhà xuất bản chi thù lao gần 3 tỷ cho lãnh đạo Sở GD&ĐT, trưởng, phó phòng chuyên môn: Việc lựa chọn sách giáo khoa liệu còn khách quan?".
Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NV
|
Theo ông Tùng, từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiến hành chuẩn bị nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.Nhà xuất bản Việt Nam đã phối hợp với Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền nam (bộ SGK được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía Nam – bộ SGK mang tên Chân trời sáng tạo) với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,... cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo.
Các thành viên Ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất, mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
VietTimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này...