Nông thôn mới nợ nần vì 'vung tay quá trán': Mập mờ dồn điền, đổi thửa

Dồn điền đổi thửa được coi là giải pháp đột phá để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên sau khi triển khai thì ở không ít địa phương xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài do chính sách này bị trục lợi.
Công trình mọc trên đất ruộng sau DĐĐT ở xã Kim Lũ - Ảnh: Nam Anh

Ruộng tốt về tay... cán bộ

Đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng tới nay, quá trình thực hiện việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tại một số xã nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, một huyện ngoại thành ở thủ đô Hà Nội, vẫn còn dang dở, kéo theo đó là những hệ lụy không mong đợi. Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lành, Trưởng thôn Thanh Trí (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn), cho biết: “Khi chính quyền thôn công bố kết quả, rất nhiều bà con không khỏi bất bình vì có những hộ không nằm trong danh sách DĐĐT cũng được chia lại đất ruộng. Hoặc có nằm trong danh sách thì sau khi DĐĐT, diện tích ruộng nhận về lại dư ra hàng nghìn mét...”. Ông Lành cho biết, những trường hợp này đều là người nhà lãnh đạo thôn, xã hoặc thuộc Tiểu ban DĐĐT. 

Chưa hết, vẫn theo người dân thôn Thanh Trí, quá trình DĐĐT tại thôn Thanh Trí diễn ra thiếu minh bạch, sai chủ trương. Cụ thể là lãnh đạo Tiểu ban DĐĐT tự ý chia ruộng vào buổi trưa và tự nhận ruộng tại khu đất quy hoạch nhằm hưởng đền bù, hay những khu đất gần đường lộ lớn… Bên cạnh đó, Tiểu ban DĐĐT còn đem đất ruộng vốn được quy hoạch làm nghĩa trang, chia cho một loạt những khẩu là người nhà, là những người trong họ hàng... Và với những gì đã diễn ra ở Thanh Trí, thì cho tới nay, quá trình DĐĐT ở thôn vẫn chưa được hoàn thành. Rất đông người dân thôn Thanh Trí đã nhiều lần làm đơn khiếu kiện, gửi các cấp, nhưng cho tới nay, sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú khẳng định chương trình DĐĐT đã thành công tốt đẹp!

Tương tự, tại xã Kim Lũ (H.Sóc Sơn), theo người dân địa phương, quá trình DĐĐT nhiều thửa ruộng được chia không đều, hoặc bị đổi bất thường từ thửa này sang thửa khác. Ông N.C.N, một người dân thôn Xuân Dương cho hay, DĐĐT ở xã được chia làm 3 vòng nhưng giờ mới chia được 2 vòng. Bây giờ đất bỏ hoang, ai cướp được thì có đất canh tác. “Cán bộ chia đất tốt cho gia đình, anh em nhà họ hoặc ai chi tiền. Hơn nữa, cán bộ lợi dụng vào việc mua đi bán lại khẩu, có nhà cán bộ thừa đến 2 - 3 sào. Ngoài ra, ai chi nhiều tiền cho cán bộ thì có thể chuyển từ thửa đất xấu đến thửa đất tốt. Khi dân chúng tôi thắc mắc thì cán bộ xã biện minh rằng, việc chuyển thửa như vậy mới khớp diện tích ruộng để chia...”, ông N. nói. 

Chia lại ruộng để... xây nhà 

Cũng tại xã Kim Lũ, một nghịch lý là bên cạnh đất xấu mà người dân bỏ hoang, lại xuất hiện rất nhiều các công trình xây dựng kiên cố như nhà cửa, hàng quán… trên những thửa ruộng màu mỡ vừa được chính quyền xã giao cho các hộ gia đình, cá nhân sau đợt DĐĐT. Điều đáng nói là những thửa ruộng này đều nằm sát mặt đường nhựa chạy xuyên qua xã. Trong vai một người đi tìm mua đất xây nhà, tôi được không ít những người dân xã Kim Lũ chào bán đất ruộng vừa tôn nền với giá gần chục triệu/m2. Nhiều người dân ở Kim Lũ cho hay, không lâu sau khi có ruộng đẹp, các hộ dân lập tức quay ra thuê xe ô tô, công nông... chở đất về tôn nền, xây dựng công trình kiên cố, thay vì cấy hái.

Tại xã Minh Trí (H.Sóc Sơn), thì lại diễn ra tình trạng bán đất xấu vì không canh tác. Khảo sát tại đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước thực trạng một loạt những thửa đất ruộng được người dân dùng lưới quây lại. Thậm chí, người dân còn dùng gạch chỉ để xây tường bao quanh bốn bề phần đất ruộng… để bán. Một người dân cho biết nguyên nhân là do cán bộ chia đất không đều hoặc chia đất xấu, người dân không cấy hái được đành quây lại, găm đất đợi khách để bán.

Khiếu kiện chủ yếu về đất đai

Thống kê của UBND tỉnh Thái Bình cho biết, số lượng công dân đi khiếu kiện và đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh trong 6 tháng đầu năm, tăng 76,5% so với cùng kỳ năm 2014. Nội dung đơn vẫn chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường, tái định cư, DĐĐT... Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Nam Định có 1.629 lượt công dân khiếu kiện và 796 đơn thư về đến khiếu nại, tố cáo. Phần lớn khiếu nại, tố cáo vẫn là về vấn đề đất đai.

Theo Thanh Niên