Nông, lâm trường mỗi năm nộp ngân sách chỉ 90.000đ/ha

Các nông, lâm trường đang quản lý khoảng 8 triệu ha đất, nhưng trong 10 năm (2004-2014) chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỉ đồng, tính bình quân chỉ đạt 90.000 đồng mỗi ha/năm, tương đương khoảng 5kg gạo, theo thông tin từ một số đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu quốc hội lo ngại về tình trạng đất nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả - Ảnh: TTXVN

Rất nhiều thiếu sót trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên họp hôm nay, 10-11.

“Hầu hết các nông, lâm trường, trạm, trại đều không có bản đồ, hồ sơ địa chính, việc thống kê, kiểm kê và rà soát hiện trạng sử dụng đất hàng năm thực hiện không đầy đủ,” đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói.

Ông cho biết, tại nhiều đơn vị, chênh lệch giữa diện tích đất hiện đang quản lý với diện tích được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất lớn, lên đến hàng trăm héc ta.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đồng tình, cho rằng phần lớn các đơn vị sử dụng đất nông, lâm nghiệp có ranh giới không được xác định rõ ràng và chưa được cắm mốc giới cụ thể tại thực địa.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) nêu rõ, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều bất cập khác trong công tác quản lý, sử dụng đất cũng được các đại biểu quốc hội phản ánh.

Ông Hoàng Hương dẫn báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội cho biết mới chỉ có 116 nông lâm trường thực hiện việc chuyển sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích chưa đến nửa triệu hecta. Còn lại 242 nông, lâm trường đang quản lý sử dụng gần 2 triệu hecta đất chưa được thực hiện theo quy định của luật.

“Điều này thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý và sự không nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật của đối tượng thực thi dẫn tới thất thoát không nhỏ cho ngân sách,” ông nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều công ty nông, lâm nghiệp chưa cao. Bà dẫn chứng, hiện có hơn 428.000 héc ta đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác, để hoang hóa. Hiện các công ty còn nợ 51% tiền sử dụng đất, 20% tiền thuế phải nộp.

“Các nông, lâm trường quản lý đất đai là khá lớn, khoảng 8 triệu ha, riêng các công ty nông, lâm nghiệp là hơn 2.800 nghìn héc ta, nhưng nộp ngân sách Nhà nước chỉ được 1.722 tỉ đồng trong vòng 10 năm là quá thấp,” bà Khá nói. Đại biểu Cao Thị Xuân quy đổi, tổng nộp ngân sách như vậy thì tính bình quân mỗi ha/năm chỉ đạt 90.000 đồng, tương đương với khoảng 5kg gạo.

Các đại biểu cũng lo ngại về tình trạng giao khoán đất giữa nông, lâm trường với người nhận theo hướng khoán trắng, và cho rằng đó là một dạng của phát canh thu tô.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho biết, nhiều nơi khoán trắng đất cho người lao động nhưng buông lỏng không quản lý được hợp đồng giao khoán, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất để tình trạng người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật sang làm nhà ở, công trình dịch vụ...

Đại biểu Hoàng Hương băn khoăn: “Nông, lâm trường được hưởng lợi từ các hợp đồng giao nhận khoán đất, trong khi lại không phải chịu nộp nghĩa vụ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó người nhận khoán phải chịu sự ràng buộc khá khắt khe từ hợp đồng giao nhận khoán.”

Đại biểu Khá đặt câu hỏi: "Nếu quản lý, khai thác, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, để bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng, khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô, khoán trái pháp luật, nghĩa vụ ngân sách nhà nước thì không thực hiện, nhiều đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhưng vẫn tồn tại, nhiều đơn vị không tách bạch được chức năng sản xuất kinh doanh và sự nghiệp thì người đứng đầu có chịu trách nhiệm gì không? Bộ phụ trách lĩnh vực có liên đới có trách nhiệm gì không?"

Các đại biểu chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại về quản lý đối với các nông trường, lâm trường thời gian qua là do nhận thức của các cấp từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ và đúng mức, cơ chế chính sách không đồng bộ, chưa sát với thực tiễn; tổ chức chỉ đạo thiếu kiên quyết, còn né tránh, kỷ cương hành chính và pháp chế không nghiêm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra không thường xuyên và khi thanh tra, kiểm tra không xử lý kịp thời, nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần mổ xẻ, phân tích đầy đủ để làm rõ thêm trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc để xảy ra những thiếu sót trên.

Theo TBKTSG