Ngày 12-4-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định số 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, quy định tất cả đối tượng từ hộ gia đình đến HTX, trang trại, cơ sở hoặc doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều được vay vốn, kể cả vay tiêu dùng để nâng cao đời sống. Tuy nhiên thực tế thì các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này không thể vay được.
Đỏ mắt tìm vốn
Ông Nguyễn Văn Trãi, giám đốc HTX Tân Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết HTX được Ngân hàng Thế giới thông qua Bộ NN&PTNT tài trợ dự án trị giá 12 tỉ đồng xây dựng hai kho chứa lương thực và một lò sấy lúa.
HTX lập thêm dự án xây dựng thêm bốn kho chứa và nhà máy xay xát trị giá 16 tỉ đồng để phát huy hiệu quả dự án được tài trợ. HTX huy động trong xã viên được 3 tỉ đồng và nộp hồ sơ tại Ngân hàng NN&PTNT xin vay vốn thực hiện dự án này.
Tuy nhiên ngân hàng đã từ chối cho vay với lý do dự án không khả thi. “Ngân hàng không cho vay vì số vốn đối ứng của HTX ít và do chúng tôi không có tài sản giá trị cao để thế chấp. Tài sản được tài trợ thì không thể thế chấp được” - ông Trãi thở dài.
Nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Thành Nhơn - chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), mỗi năm HTX mua và cung ứng cho thị trường gần 500 tấn xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, trong đó xuất khẩu khoảng 100 tấn.
Với mỗi hợp đồng xuất khẩu, HTX cần hơn 600 triệu đồng để thanh toán cho nông dân. Theo quy định của nghị định 41, HTX được vay tối đa 500 triệu đồng trong trường hợp không có tài sản đảm bảo.
Thế nhưng HTX xoài cát Hòa Lộc liên hệ với nhiều ngân hàng nhưng vẫn không vay được đồng nào vì không có tài sản thế chấp.
Ông Nhơn bức xúc: “HTX làm gì có tài sản để thế chấp. Để có kinh phí hoạt động, chúng tôi phải đi năn nỉ xã viên cho vay với lãi suất bằng với gửi ngân hàng. Cũng may là họ đồng ý. Nhưng việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ tới đây phải xây dựng kho lạnh, đầu tư hệ thống xử lý... thì phải có số vốn lớn. Ngân hàng cho vay khó khăn như vậy thì HTX chỉ hoạt động cầm chừng chứ không phát triển được”.
Trong khi các HTX gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động thì quyết định số 2261 ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ HTX giai đoạn 2015 - 2020 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện.
Theo quyết định này, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động HTX.
Ngoài ra, HTX hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp còn được hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đến 80% kinh phí dự án; hỗ trợ vốn, con giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm. Các địa phương và nhất là HTX rất hi vọng chính sách này sẽ có hiệu quả, nhưng đến nay họ lại tiếp tục... chờ.
Đề nghị xem xét lại 16 nhóm chính sách
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp vừa đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét 16 nhóm chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đi vào cuộc sống.
Mỗi nhóm chính sách có rất nhiều nghị định, quyết định, thông tư, văn bản hướng dẫn của trung ương và địa phương, như: chính sách hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đối với các loại gia súc, gia cầm...
Không dễ được hỗ trợ
Từ đầu năm 2015 đến nay vùng nuôi nghêu biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) điêu đứng bởi tình trạng nghêu chết đột ngột với số lượng lớn.
Bà Huỳnh Thị Tỏ, phó chủ tịch UBND huyện, cho biết địa phương đã thống kê được khoảng 190 hộ dân với 1.500ha nghêu bị thiệt hại. Số tiền mất trắng ước tính khoảng 400 tỉ đồng.
Huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ nông dân bị thiệt hại số tiền khoảng 50 tỉ đồng để giúp nông dân mua con giống khôi phục sản xuất.
Đề nghị này căn cứ vào quyết định số 142/2009 và quyết định số 49/2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất ở những vùng có thiên tai, có dịch. Thế nhưng cho đến nay các ngành trung ương chưa trả lời có hỗ trợ hay không.
Bà Tỏ lo lắng: “Tình trạng nghêu chết được xác định là do thiên tai. UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã công bố thiên tai nhưng không rõ như vậy có thuộc diện được hỗ trợ hay không nữa”.
Không chỉ Tiền Giang, tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Công - giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết vừa qua địa phương cũng xảy ra nhiều đợt dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản... nhưng tỉnh không công bố dịch vì phải cân nhắc thiệt hại khi hỗ trợ, thiệt hại về du lịch, tác động sức khỏe nhân dân, hình ảnh địa phương...
Và cũng vì vậy, nhiều nông dân không được hỗ trợ, phải tự lo vay mượn tiền để khôi phục sản xuất.
Cùng với chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu nông sản chất lượng, an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 01 ngày 9-1-2012 quy định chính sách hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất VietGAP và Global GAP.
Tuy nhiên chính sách này bị coi là kém hiệu quả do Nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí thẩm định, công nhận lần đầu chỉ có giá trị 1-2 năm. Các lần sau thì nông dân tự bỏ tiền túi.
Ông Huỳnh Văn Quang, tổ trưởng tổ hợp tác thanh long VietGAP huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), cho biết tổ hợp tác của ông có 21 hộ nông dân tham gia sản xuất gần 20ha thanh long và được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2012.
Kinh phí công nhận do Nhà nước hỗ trợ. Từ đó đến nay vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn này nhưng chưa tái thẩm định, công nhận lần nào nữa.
Một trong những lý do là giá thanh long VietGAP không cao hơn thanh long sản xuất bình thường. Nông dân không thấy được lợi ích rõ ràng khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên khó vận động họ bỏ tiền để tái công nhận.
TS Nguyễn Văn Hòa, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cũng thừa nhận chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP và Global GAP đang áp dụng chưa có hiệu quả. Các mô hình được hỗ trợ chi phí có diện tích quá nhỏ, sản lượng không bao nhiêu nên không thể tác động đến thị trường.
Nông dân không thấy hiệu quả trong khi sản xuất theo các tiêu chuẩn này rất cực nên họ dễ nản và bỏ cuộc. Thực tế đã có rất nhiều mô hình VietGAP, Global GAP “chết” sau khi hết hạn một năm.
* Ông LÊ MINH HOAN (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp):
Có lỗi của địa phương
Tôi cho rằng để xảy ra tình trạng chính sách không đi vào cuộc sống cũng có trách nhiệm rất lớn của địa phương chứ không thể đổ thừa hết cho các cơ quan ban hành chính sách ở trung ương.
Trước khi ban hành chính sách, các cơ quan trung ương có đưa dự thảo về cho các địa phương để đóng góp, tham vấn. Nhưng phải nói thật là địa phương nhiều khi còn nể nang, hoặc thường nghĩ cơ quan cấp trên ban hành chắc là đúng rồi nên không tham gia ý kiến. Giờ phát hiện một số chính sách không khả thi thì có trách nhiệm của địa phương ở trong đó.
Tỉnh Đồng Tháp đứng đầu cả nước về thủy sản, đứng thứ ba về lúa gạo, đứng trong top 5 về trái cây. Nếu các cơ quan chức năng của tỉnh không đóng góp ý kiến hoặc đóng góp hời hợt cho các dự thảo chính sách thì làm sao trung ương ban hành sát với thực tiễn được.
Theo Tuổi trẻ