|
Ông Lê Phước Hoài Bảo (thứ 2 từ phải sang trái) vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Sở Kế hoạch - đầu tư |
Chỉ 5 tháng sau khi tiếp nhận chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Hoài Bảo- con trai của ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - lại vừa được bổ nhiệm giữ chức giám đốc sở này khi vừa tròn 30 tuổi.
Sáng 23/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở KH&ĐT. Đây được xem là trường hợp đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở KH&ĐT trẻ nhất ở Quảng Nam và của cả nước từ trước đến nay.
Dư luận khá bất ngờ, bởi cách đây chỉ hơn 5 tháng, ngày 9/4/2015, khi đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ông Bảo được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở KH&ĐT. Còn hơn 1 năm trước đó, ngày 26/2/2014, ông Bảo đang là Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư thuộc BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, thì được chính ông Lê Phước Thanh, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, ký quyết định điều động làm Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình. Ngày 14/3/2014, HĐND huyện Thăng Bình khóa X tổ chức họp bất thường để bầu ông Bảo vào chức vụ trên, nhiệm kỳ 2011-2016…
Một ngày sau khi Quảng Nam có tân giám đốc sở trẻ nhất nước, dư luận địa phương và ngay trong chính quyền bắt đầu xì xào bàn tán. Tại thành phố Tam Kỳ, ở cà phê quán nước, từ sáng sớm câu chuyện bổ nhiệm ông Bảo trở nên nóng hổi. Nhiều người dân khi được hỏi tỏ ra bất ngờ trước tốc độ thăng tiến của một giám đốc sở trẻ như vậy.
Ông L.V.V (40 tuổi) một cán bộ đang làm việc tại cơ quan nhà nước của Quảng Nam cho rằng: Việc bổ nhiệm là quyết định của lãnh đạo. Điều quan trọng phải đúng thẩm quyền, thủ tục, trình tự, đúng quy định của luật thì người dân mới nể, mới phục. Điều quan trọng là ông Bảo có năng lực và trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, kinh nghiệm để đảm đương hay không? Hiện, dấu ấn, cống hiến, thành tích của ông Bảo người dân và nhiều cán bộ công chức chưa hề biết. Người dân chỉ biết, ông Bảo là con trai của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mà thôi.
Trong khi đó, một cán bộ (xin được giấu tên) đang công tác HĐND tỉnh Quảng Nam cho phóng viên Tiền Phong biết, việc này trong nội bộ chính quyền tỉnh cũng có nhiều luồng ý kiến, bàn tán. Tuy nhiên, có vẻ như ai nấy đều … “biết trước” hết, nên không có gì bất ngờ! “Việc này anh em nói om trời lên. Nhưng nói chỉ là nói mà thôi, quan trọng mấy vị lãnh đạo không ai nói gì cả” - cán bộ này cho biết.
Trước những luồng dư luận kể trên, chiều 24/9, phóng viên Tiền Phong trực tiếp gặp ông Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam để tìm hiểu về quy trình bộ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo. Tuy nhiên, ông Sáng đã từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên vì lý do: bận đi họp. Ông Sáng yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi qua email và sẽ trả lời sau.
“Công tác cán bộ là việc thường xuyên, không thể trả lời trực tiếp, cứ email đi, tôi sẽ trả lời rõ ràng. Câu nào trả lời được sẽ trả lời, câu nào không đủ thẩm quyền sẽ gửi Chủ tịch tỉnh. Chủ tịch tỉnh không trả lời được sẽ chuyển cho Bí thư”, ông Sáng nói.
Trao đổi với với PV Tiền Phong về vấn đề trên, một chuyên gia ngành Nội vụ cho hay, ông Bảo sau khi học xong đại học mới 22 tuổi, cộng thêm 2 năm đi học ở nước ngoài thì 24 tuổi. Lúc đó mới bắt đầu vào cơ quan nhà nước làm việc. Theo Luật Công chức, viên chức thì ông Bảo sẽ phải mất 1 năm tập sự.
Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư 11/2014 của Bộ Nội vụ, Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc ngạch tương đương từ 5 năm (60 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 3 năm (36 tháng). “5 năm đi làm, tôi nghĩ mới chỉ biết việc, chứ chưa thể thạo việc. Vì thạo việc thì cần thêm kinh nghiệm, thực tiễn. Do đó, việc dư luận băn khoăn về việc bổ nhiệm trên cũng là điều dễ hiểu”, vị chuyên gia trên nói.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại ủng hộ việc trẻ hoá đội ngũ cán bộ. “Cán bộ càng trẻ, càng tốt. Người ta học hành đầy đủ, học cả nước ngoài thì 30 tuổi được bổ nhiệm làm giám đốc sở là tốt, phải ủng hộ”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, có thể khi đối chiếu với các quy định về tiêu chuẩn cán bộ thì có thể những vấn đề này, vấn đề kia và dư luận lo ngại “con ông cháu cha”. “Nếu chúng ta cứ mãi soi vào các quy định cũ thì bao giờ Việt Nam mới có cán bộ trẻ được. Ở các nước trên thế giới 35- 40 tuổi người ta đã làm tổng thống, làm thủ tướng rồi. Thế mà ở ta 35- 40 vẫn coi là trẻ thì đâu có được, biết bao giờ mới có cán bộ trẻ đây”, ông Phúc nói.
Theo Tiền phong