“Nếu phát hành trái phiếu chính phủ, chúng ta mới làm được dự án lớn, còn trông vào đồng ngân sách còm cõi thì không thể làm được... Chúng ta phải xem xét khả năng trả nợ. Nếu có thể tăng thu ngân sách, đáp ứng khả năng trả nợ, thì chúng ta vẫn có thể thuyết phục Quốc hội nới trần nợ công”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2016-2020 vào ngày 2-2 tại Hà Nội.
Là tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, ông Vinh có lý do để lo lắng, khi vốn cho đầu tư ngày càng bé lại. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước đã trở nên vô cùng lệch lạc: tới 72% để chi thường xuyên, tức chi ăn cho bộ máy; 28% còn lại là chi cho đầu tư phát triển, và chi trả nợ, theo tính toán của các đại biểu Quốc hội. Trong bối cảnh chi trả nợ ngày càng tăng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bố trí từ ngân sách nhà nước bằng 14,2% so với tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2014, và sẽ đạt đỉnh năm 2016, như Bộ Tài chính báo cáo, thì chi đầu tư phát triển - nguồn nuôi dưỡng tài chính quan trọng nhất để trả lại nợ - chỉ còn lại vỏn vẹn vài phần trăm chi ngân sách. Chi đầu tư phát triển năm nay chỉ có 180.000 tỉ đồng, tức chưa được 8 tỉ đô la Mỹ, cũng chỉ bằng vài con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Trong khi, lẽ ra, ngân sách phải bố trí 242.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển trong năm 2015 để hoàn thành chỉ tiêu chi đầu tư phát triển của cả nhiệm kỳ 2011-2016.
Trên thực tế, những biểu hiện của việc thiếu tiền cho đầu tư công đã trở nên rõ ràng. Tại Hà Nội, cảnh đường sá kẹt cứng đã xảy ra như cơm bữa, nhất là những ngày cận Tết. Ngay trên đường vành đai 3 trên cao, hàng đoàn xe nhích từng mét. Trên quốc lộ 1 đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 40 ki lô mét, các đoàn ô tô dàn năm hàng ngang. Thiếu hụt cơ sở hạ tầng đã được xác định là một trong ba nút thắt chính cản trở sự phát triển của đất nước.
Nhưng, bản thân các dự án đầu tư công đã và đang thực hiện cũng có nhiều vấn đề.
Dự án Giao thông đô thị thành phố Hà Nội do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng vốn gần 305 triệu đô la Mỹ đã bị tổ chức này xếp vào danh sách đen do quá chậm trễ về thời gian thực hiện và tốc độ giải ngân (bảy năm thực hiện mà mới giải ngân được vỏn vẹn 30% vốn). Một số dự án ODA do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ cũng đội vốn lớn. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong một cuộc họp gần đây, số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỉ đô la Mỹ. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu đô la Mỹ chi phí cơ hội, ông Hải nói.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư ở các địa phương, bộ ngành vẫn vô cùng lớn. “Vừa rồi tôi tiếp nhận sơ bộ mà cảm thấy choáng váng!”, ông Vinh nói. Có những bộ trình dự án với nhu cầu vốn gấp 20-30 lần so với khả năng; có địa phương trình dự án xin vốn gấp 10 lần. Thực tế này cho thấy, Luật Đầu tư công và Chỉ thị 1792 đã không được quan tâm.
Đây là điều không hề lạ. Báo cáo kiểm toán năm công bố tháng 7-2014, tức hai năm sau khi có Chỉ thị 1792 cho biết, tổng số vốn kế hoạch 2012 chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu (tổng hợp nhu cầu vốn cần thiết của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khoảng trên 300.000 tỉ đồng).
Cũng tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Vinh cảnh báo: “Lần này các địa phương cần phải báo cáo số đúng, số nợ thật lên Chính phủ và Quốc hội, không được giấu! Nếu đến thời hạn trả nợ mới mà vẫn còn đưa nợ cũ vào, báo lên Quốc hội là vi phạm pháp luật, công an có quyền gọi các đồng chí”. Số nợ xây dựng cơ bản là bao nhiêu đến nay vẫn là câu hỏi treo. Song, căn cứ vào kết quả kiểm toán được công bố vào tháng 7-2014 thì tình hình có vẻ nghiêm trọng. Chẳng hạn, tỉnh Daklak bố trí trả nợ hơn 425 tỉ đồng/2.640,6 tỉ đồng; Thái Bình hơn 102 tỉ đồng/1.695 tỉ đồng; Ninh Bình gần 41 tỉ đồng/172 tỉ đồng; Ninh Thuận 163 tỉ đồng/456 tỉ đồng; Hà Tĩnh 460 tỉ đồng/834 tỉ đồng; Phú Thọ 501 tỉ đồng/967 tỉ đồng...
Ở một góc độ khác, Bộ Tài chính đang lo nỗi lo về nợ công.
Theo bộ này, nợ công đã ở mức hơn 2.395 ngàn tỉ đồng, bằng 60,3% GDP đến cuối năm 2014, và sẽ ở mức 2.869 ngàn tỉ đồng, bằng 64% GDP đến cuối năm 2015.
Huy động vốn vay của Chính phủ qua vốn ODA, vay ưu đãi và phát hành trái phiếu chính phủ tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013 đạt ở mức cao, khoảng 404.000 tỉ đồng, tăng trên 40% so với năm 2012; năm 2014 ước đạt 470.000 tỉ đồng.
Năm 2012, phát hành trái phiếu chính phủ 144.000 tỉ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013, phát hành gần 182.000 tỉ đồng, trong đó dành khoảng 40.000 tỉ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm. Năm 2014, phát hành khoảng 262.000 tỉ đồng; kỳ hạn bình quân là 4,85 năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm.
“Nhu cầu huy động vốn vay cho đầu tư phát triển hàng năm rất lớn làm cho nợ công tăng nhanh, đến cuối năm 2015 đã sát giới hạn trần được Quốc hội phê duyệt; cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ đến hạn; việc huy động vốn vay mới tập trung vào tăng quy mô, mở rộng diện, chưa đề cao hiệu quả, chỉ căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mà chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, đồng bộ, cân đối với các nguồn vốn đầu tư khác và gắn với các hạn mức về vay nợ và khả năng trả nợ”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận trong báo cáo tổng kết năm 2014.
Trong báo cáo “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: quá khứ, hiện tại và tương lai” năm 2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng nhìn nhận, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo ghi nhận trong đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP. Nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, thì nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như WB hay IMF.
Những con số này đã thay đổi mạnh trong hai năm qua, khi nợ trái phiếu chính phủ và nợ của DNNN đều đã phình to.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2014, ngân sách nhà nước đã thu vượt dự toán tới 75.353 tỉ đồng, (gần 10%). Song, hầu như tất cả số tiền này đã chi tiêu hết, chỉ còn 10.000 tỉ đồng chuyển nguồn sang năm 2015 để chi lương. Một lần nữa, kỷ luật ngân sách không được tuân thủ.
Trong báo cáo tổng kết năm 2014, Bộ Tài chính khẳng định sẽ giữ mức trần nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và khống chế nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25%.
Như vậy, những nỗi niềm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chắc chỉ được nói ra ở góc độ cá nhân, khi ông lo lắng cho số vốn đầu tư phát triển đang ngày càng èo uột, và khó đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Theo TBKTSG