Nội bộ Pháp rối loạn vì siêu tàu chiến Mistral

Các cơ quan chính phủ Pháp hiện đang mâu thuẫn, đấu đá nhau quyết liệt về tương lai của hợp đồng Mistral với Nga. Đây là thông tin vừa được nhà phân tích chính trị của Pháp – ông Xavier Moreau tiết lộ với hãng tin Radio Sputnik.
Nội bộ Pháp rối loạn vì siêu tàu chiến Mistral

Đề cập đến hợp đồng Mistral giữa Nga và Pháp, ông Moreau cho hay, hiện tại đang có sự bất đồng sâu sắc ở cấp quốc gia giữa Bộ Quốc phòng Pháp và Bộ Ngoại giao Pháp trong vấn đề này.
 
"Có một thực tế rất rõ ràng là đang có cuộc đấu đá, tranh cãi nội bộ gay gắt trong chính phủ Pháp, đặc biệt là giữa Bộ Quốc phòng Pháp và Bộ Quốc phòng Ngoại giao Pháp. Bộ Quốc phòng Pháp hiểu rất rõ việc nếu Pháp không bàn giao hai siêu tàu chiến Mistral cho Nga thì chính họ phải mất hai trong số những chiếc tàu khu trục của mình. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ đơn thuần có tư tưởng hợp tác Tây Âu và Mỹ", ông Moreau cho biết.
 
Theo nhà phân tích chính trị Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp đã đánh lừa chính phủ ở Paris bằng cách nói rằng, đầu tiên là rất dễ để “thỏa thuận” với Nga; thứ hai là Pháp sẽ dễ dàng tìm được đối tác khác để mua lại tàu chiến Mistral, và cuối cùng thỏa thuận này sẽ sớm được giải quyết.
 
Và hiện tại, những gì đang diễn ra là điều mà chính phủ Pháp đang phải xử lý. Toàn bộ mọi việc đến nước này là do lỗi của Bộ Ngoại giao Pháp, ông Moreau khẳng định.
 
"Chính Bộ Ngoại giao cũng phải thừa nhận rằng, họ sẽ không thể bán lại siêu tàu chiến Mistral cho cacsnuowcs khác bởi Trung Quốc là khách hàng tiềm năng duy nhất cho những chiếc tàu chiến loại này. Nhưng tôi cho rằng, người Mỹ thà muốn bán tàu Mistral cho Nga còn hơn là bán cho Trung Quốc”, ông Moreau nói thêm.
 
Sự thật rồi cũng sớm được phơi bày, vị chuyên gia chính trị người Pháp nhấn mạnh. "Hoặc là Pháp sẽ phải trả tiền cho hợp đồng mà họ tự ý hủy bỏ với Nga bằng việc rút ngân sách của Bộ Quốc phòng hoặc là chính chính phủ Pháp sẽ phải bàn giao những chiếc tàu chiến Mistral cho Nga”, ông Moreau nhận định.
 
Việc trì hoãn hợp đồng tàu chiến Mistral không đem lại bất kỳ kết quả chính trị nào cho Pháp và hiện đất nước này đang rơi vào một “tình huống bi hài”, bà Caroline Galacteros – một giáo sư về khoa học chính trị Pháp, nhận xét.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự.
 
Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. 
 
Nga lúc đầu còn tỏ ra kiên nhẫn chờ đợi Pháp. Tuy nhiên, gần đây, giới chức Nga liên tục đòi Pháp phải giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng liên quan đến hợp đồng tàu chiến Mistral. Theo đó, Moscow đòi Paris phải nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng, hoặc là trả lại tiền cho Nga hoặc là bàn giao tàu chiến cho Nga đúng như hợp đồng đã ký kết.
 
Đối lập hoàn toàn với lập trường của một số lãnh đạo dân sự của Pháp, quân đội Pháp nói chung và Hải quân Pháp nói riêng không hề muốn hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu Mistral cho Nga. Nói đúng hơn, giới lãnh đạo quân sự Pháp tin rằng, việc không bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga là ác mộng đối với họ.
 
Quân đội Pháp sợ rằng, nếu không giao tàu Mistral cho Nga, họ sẽ phải đón nhận hai chiếc tàu loại này khi mà Hải quân Pháp hoàn toàn không muốn có thêm bất kỳ chiếc tàu chiến lớp Mistral nào nữa. Hải quân Pháp vốn đã sở hữu trong tay 3 chiếc tàu chiến lớp Mistral, được đưa vào sử dụng từ năm 2006 đến 2012. Việc bàn giao thêm hai chiếc tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Pháp trong khi ngân sách vẫn giữ nguyên sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi nguồn đầu tư cho các lĩnh vực khác trong lực lượng. Điều này sẽ dẫn đến sự bất cân bằng về sức mạnh trong Hải quân Pháp khi lực lượng này chỉ phụ thuộc vào những chiếc tàu chiến.
 
Trong khi đó, cơ hội để Pháp bán lại siêu tàu chiến lớp Mistral cho các đối tác khác là rất khó. Thứ nhất, Nga không đồng ý với lựa chọn này bởi tàu chiến lớp Mistral được đóng riêng cho Nga và Moscow sợ sẽ lộ bí mật quân sự của Nga. Thứ hai, vì tàu chiến lớp Mistral được đóng riêng cho Nga, theo những tiêu chuẩn kỹ thuật và đòi hỏi phù hợp riêng với lực lượng của Nga, nên các nước khác cũng không mấy mặn mà với việc tiếp nhận lại hai con tàu nói trên.
 
Pháp đang hoàn toàn bế tắc trong việc xử lý hợp đồng tàu chiến Mistral với Nga.

Theo: VnMedia