Thống kê của VietTimes từ báo cáo tài chính quý 3/2023 của 27 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cho thấy, tại ngày 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) đạt 9,23 triệu tỉ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm ngoái.
Trong đó, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của các ngân hàng đạt 196.754,7 tỉ đồng, tăng 61% so với đầu năm và tăng 14,5% so với thời điểm cuối quý 2/2023. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 2,13%.
So với quý 2/2023, chất lượng tín dụng của các nhà băng tiếp tục xấu đi khi có tới 22/27 trường hợp ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng. Ở hướng ngược lại, 5 ngân hàng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu giảm trong quý vừa rồi gồm: ABBank, Eximbank, PG Bank, Saigon Bank và VietABank. Đây chủ yếu là các nhà băng có quy mô nhỏ trong hệ thống.
Đáng chú ý, tại ngày 30/9/2023, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - Mã CK: BAB) là nhà băng niêm yết duy nhất có tỉ lệ nợ xấu dưới 1%. So với đầu năm 2023, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Bac A Bank tăng nhẹ lên mức 0,77%.
Xét về giá trị tuyệt đối, tổng nợ nhóm 3-5 của BIDV ở mức 26.393,7 tỉ đồng, tăng 49,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 của BIDV tăng 40,9% so với đầu năm lên 4.446 tỉ đồng, nợ nhóm 5 năm 8,7% lên 12.809,3 tỉ đồng.
Tuy vậy, xét trên tổng dư nợ cho vay (1,65 triệu tỉ đồng), tỉ lệ nợ xấu của BIDV vẫn duy trì ở mức khá thấp, đạt mức 1,6% vào cuối quý 3/2023.
Vietcombank - một trong những nhà băng có chất lượng tài sản hàng đầu thị trường - cũng ghi nhận tổng nợ xấu tăng thêm 4.600 tỉ đồng trong quý 3/2023, lên mức 14.392,5 tỉ đồng.
Trong đó, nợ nhóm 3 của Vietcombank giảm 7,3% so với cuối quý 2/2023 xuống 2.952,7 tỉ đồng, nợ nhóm 4 tăng gấp 2,6 lần lên 5.724,4 tỉ đồng và nợ nhóm 5 tăng 28,9% lên 5.715,3 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 1,21%.
Tại VietinBank, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2023 cũng tăng 9,4% so với cuối quý 2/2023, lên mức 18.940,7 tỉ đồng. Nợ nhóm 4 và 5 của nhà băng này cũng tăng so với cuối quý trước, trong khi nợ nhóm 3 giảm tới 46,2%. Tỉ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,27% lên 1,37%.
Tăng trích lập dự phòng
Trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh, các ngân hàng cũng mạnh tay trích lập dự phòng.
Đơn cử, Techcombank ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 đạt 2.286,7 tỉ đồng, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm trước. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại cuối quý 3/2023 đạt 6.017 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 93%.
Tương tự, trong quý 3/2023, MB cũng dành tới 1.447,4 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MB đạt 4.499,8 tỉ đồng.
Trong khi đó, một số ngân hàng quốc doanh có tỉ lệ nợ xấu thấp có xu hướng giảm trích lập dự phòng, như BIDV với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 là 15.409,5 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 6.051,5 tỉ đồng, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2022./.