Nợ xấu nhiều công ty tài chính tăng mạnh, có trường hợp lên tới 20%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết như vậy tại hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng – Đẩy lùi tín dụng đen", diễn ra vào sáng nay (31/10).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết tính đến 31/8/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỉ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế; nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.

Trong đó, dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính là 135.945,3 tỉ đồng, chiếm hơn 5% dư nợ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%.

Ông Hùng nhấn mạnh, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ, thành lập hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội.

Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được. Dư nợ cho vay tiêu dùng không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỉ đồng).

le quoc ninh mcredit.jpg
Ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc MCredit

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), đại diện Câu lạc bộ các Công ty tài chính, nhấn mạnh nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân Việt Nam hiện nay là rất lớn.

Các khoản cho vay tiêu dùng giúp người dân nâng cao chất lượng đời sống, giúp hệ thống ngân hàng giữ đà tăng trưởng, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Ninh cho biết, năm 2022, tín dụng tiêu dùng ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 16,7%. Tuy nhiên, từ quý 3/2022 đến nay, động lực tăng trưởng phân khúc tài chính tiêu dùng tại các ngân hàng bị cản trở rất lớn do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Trong nửa đầu năm 2023, dư nợ cho vay tại các công ty tài chính tiêu dùng đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Dẫn số liệu của FiinGroup, ông Ninh cho biết, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% vào cuối năm 2022 lên 12,5% vào thời điểm cuối tháng 6/2023.

Khách hàng rủ nhau “bùng nợ”

CEO Mcredit cho biết, nguyên nhân tín dụng tiêu dùng giảm và nợ xấu tăng chủ yếu là do kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng giảm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp, với GDP 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24% - mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 tới nay.

Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng của người lao động giảm do suy giảm thu nhập, công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen dẫn tới tình trạng khách hàng cố tình “bùng nợ”, rủ nhau “bùng nợ”.

ms Nguyet FE Credit.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Quyền Tổng giám đốc FE Credit (ngoài cùng bên phải)

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Quyền Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho rằng nguyên nhân của việc “bùng nợ” là do khách hàng chưa nhận thức rõ về hậu quả mang lại.

Theo bà Nguyệt, việc hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến nhân viên của các công ty tài chính gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ, thậm chí là bị khách hàng đe dọa, sử dụng bạo lực.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – cho rằng nguyên nhân chính của việc “bùng nợ” là do nhận thức của người đi vay, mức độ hiểu biết về tài chính tiêu dùng thấp, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về cho vay và cho vay tiêu dùng chưa đồng bộ. Ông Lực đề xuất, thứ nhất, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới hiệu cầm đồ - bản chất cũng là hoạt động tín dụng, song chủ yếu là tín dụng đen.

Thứ hai, ông Lực nhấn mạnh, ngoài kênh tín dụng ngân hàng truyền thống, cơ quan quản lý cần có cơ chế thử nghiệm vận hành các công ty fintech, cho vay online, đã được cấp phép theo Thông tư 06 của NHNN.

Một số đề xuất khác cũng được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo gồm: Cơ quan chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý răn đe nhóm khách hàng không trả nợ; xây dựng hành pháp lý hoạt động xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu blacklist./.