Nổ “tưng bừng” các tranh luận xung quanh biểu tượng bánh burger

VietTimes – Biểu tượng (emoji) bánh burger đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên Internet về cách sắp xếp các thành phần bên trong một chiếc bánh burger. Cuộc tranh luận sôi nổi đến mức ngay cả CEO của Google cũng đã “nhảy” vào tham gia ý kiến.

Hôm Chủ nhật (29/10) vừa qua, một người tên là Thomas Baakdel đã gửi một tweet khơi mào cho vụ tranh luận. Ông đã đăng tải bức ảnh chứa emoji bánh burger của Apple và Google và tweet rằng: “Tôi nghĩ chúng ta cần có một cuộc thảo luận về cách sắp xếp đúng đắn các thành phần của một chiếc bánh burger, khi mà Google đặt miếng phô mai ở dưới cùng, trong khi Apple lại đặt nó gần trên đỉnh”.

Apple đã sắp xếp thứ tự các thành phần như sau: nửa bánh mỳ - cà chua – phô mai – thịt bò – rau xà lách – nửa bánh mỳ

Google thì sắp xếp như sau: nửa bánh mỳ - rau xà lách – cà chua – thịt bò – phô mai – nửa bánh mỳ.

Nổ “tưng bừng” các tranh luận xung quanh biểu tượng bánh burger ảnh 1Thứ tự sắp xếp thành phần bánh Burger của Apple và Google khác nhau (Business Insider)

Cuộc thảo luận nhanh chóng thu hút đông đảo người nhảy vào bình luận. Gần 17.000 người đã đăng lại tweet của Thomas Baakdel, và có 1.500 lời bình luận đã được đưa ra.

“Rõ ràng, phô mai phải xếp trên miếng thịt. Nhưng rau xà lách phải được xếp cạnh cà chua. Vì vậy cả hai emoji đều sai”, một người sử dụng Twitter viết.

Một người khác đăng tải một hình vẽ sắp xếp các thành phần theo thứ tự: nửa bánh mỳ - mayonaise – hành tây – rau xà lách – cà chua – phô mai – thịt – dưa chua – mù tạt – sốt cà chua – nửa bánh mỳ.

Nổ “tưng bừng” các tranh luận xung quanh biểu tượng bánh burger ảnh 2ảnh Twitter

“Tôi làm bánh burger của tôi hoàn toàn ngược lại. Phần bánh mỳ phía dưới bị sũng nước”, một người thứ ba nói. “Thứ tự của tôi là phần đáy cho lên trên, rồi đến cà chua, phô mai, thịt, rau xà lách, bánh mỳ”.

“Rau xà lách không nên cho tiếp xúc với bánh mỳ. Nó sẽ làm cho bánh mỳ bị ướt và mủn ra”, một người khác viết.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy trong cách vẽ emoji của các hãng công nghệ? Chúng ta phải xem xét nguồn gốc emoji. Chúng được tạo ra bởi Unicode Consortium – một tổ chức phi lợi nhuận tạo ra các tiêu chuẩn để đảm bảo rằng văn bản có thể đọc được trên nhiều nền tảng. Ví dụ một văn bản gửi trên iPhone vẫn đọc được trên Windows Phone.

Unicode Consortium cung cấp một vài hướng dẫn về cách hiển thị emoji, nhưng các công ty đều muốn tạo dấu ấn cho riêng họ, nên đã có nhiều phiên bản emoji bánh burger với những cách sắp xếp khác nhau ra đời. Đó là lý do vì sao Microsoft lại lựa chọn thứ tự là bánh mỳ - xà lách - cà chua – phô mai – thịt – bánh mỳ. Facebook cũng xếp như vậy. Nhưng LG lại bỏ đi cà chua, trong khi HTC lại xếp tới 2 miếng thịt.

Trang Emojipedia đã thống kê lại tất cả các biểu tượng bánh burger. Bạn có thể xem chúng ở hình dưới đây:

Nổ “tưng bừng” các tranh luận xung quanh biểu tượng bánh burger ảnh 3Biểu tượng bánh Burger trên Emojipedia

Sundar Pichai, CEO của Google, cũng đã “nhảy” vào bình luận. Ông Pichai nói hài hước rằng: “Google sẽ bỏ hết mọi thứ đang làm và sẽ giải quyết vấn đề vào thứ Hai”.

Nổ “tưng bừng” các tranh luận xung quanh biểu tượng bánh burger ảnh 4ảnh Twitter nhân vật
Nhưng tại sao các công ty lại lựa chọn sắp xếp khác nhau? Đó là vì sở thích cá nhân. Ngoài ra, bánh burger cũng không có một công thức sắp xếp theo thứ tự bắt buộc nào. Và vì vậy, cuộc tranh luận này sẽ chẳng đi đến đâu.