|
Hầm Hải Vân 1 (Đà Nẵng). (Ảnh: Hamadeco) |
Nợ tiền vận hành hầm Hải Vân
Công ty Cổ phần QL-KT Hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) được chuyển về Công ty CP Đầu tư Đèo Cả từ tháng 12/2015, toàn bộ chi phí vận hành, quản lý, bảo dưỡng hầm Hải Vân 1 do công ty này chi trả.
Đến nay đã là tháng 10/2018, nhưng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả mới thanh toán cho Hamadeco chi phí vận hành hầm đến quý I/2018. Việc chậm trễ thanh toán này khiến Hamadeco không có nguồn để thanh toán tiền điện, và bị Công ty Điện lực xem xét đến việc cắt điện đối với hầm Hải Vân
“Để đảm bảo việc quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 thông suốt và an toàn, Hamadeco đã và đang ứng trước để trả các chi phí thường xuyên lớn như: điện vận hành, tiền lương cán bộ công nhân viên, chi phí bảo dưỡng thiết bị và rất nhiều chi phí liên quan khác” - Tổng Giám đốc Hamadaco Nguyễn Xuân Hưởng nói.
Trong khi đó, Công ty điện lực Đà Nẵng cũng đã có nhiều văn bản đòi nợ Hamadeco.
Còn Hamadeco đã có nhiều văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thanh toán chi phí vận hành còn lại của Quý 2 và 2 tháng Quý 3 năm 2018 để đảm bảo kinh phí hoạt động.
“Nếu quá thời hạn, do không có kinh phí dẫn đến không thanh toán được tiền điện, lương công nhân,..làm gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1, công ty chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm” - Tổng Giám đốc Hamadeco nhấn mạnh.
Theo Công ty Điện lực Đà Nẵng, tiền điện Hamadeco đang nợ 2,469 tỷ đồng tiền điện từ tháng 9/2018 đến tháng 10/2018, cùng với đó là dự kiến phát sinh chi phí sử dụng điện đến 25/12/2018 là 3,951 tỷ đồng. Điện lực Đà Nẵng đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết tiền điện mà Hamadeco đang nợ.
Tuy nhiên, phía Điện lực Đà Nẵng khẳng định, không có chuyện sẽ cắt điện hầm Hải Vân do Hamadeco thiếu tiền điện, vì đây là phụ tải đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông cả nước.
|
Hamadeco phát công văn đòi tiền đối với Công ty CP Đầu tư Đèo Cả
|
Chuyện gì đang xảy ra?
Liên quan việc nợ tiền quản lý, vận hành hầm Hải Vân, cũng như thông tin về việc điện lực sẽ cắt điện vận hành hầm Hải Vân do nợ tiền điện, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho biết công ty đã có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo tình hình vụ việc. Về nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân, ông Thủy cho biết sẽ có những thông tin cụ thể trong thời gian tới.
Liên quan đến việc thiếu tiền chi trả cho công tác quản lý, vận hành các hầm, theo ông Thủy, lý do là số thu ở trạm Bắc Hải Vân và mức thu phí qua hầm Đèo Cả quá thấp, dẫn đến thâm hụt nguồn thu.
Trước mắt, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết đã đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.
Thông điệp của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là khá căng thẳng. Theo đó, công ty này cho rằng, trường hợp Bộ không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, thì đó là trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT.
|
Điện lực Đà Nẵng khẳng định không có chuyện cắt điện đối với hầm Hải Vân.
|
Liên quan đến trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân, đây là khu vực không liên quan đến hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia, nhưng nhà đầu tư BOT Phước Tượng-Phú Gia vẫn được phép đặt trạm thu phí tại đây, gây bức xúc từ người dân trong khu vực khi không sử dụng hầm vẫn phải trả phí. Thực tế, sắp tới, khi Công ty CP Đầu tư Đèo Cả xây dựng xong, xây trạm thu phí để khai thác hầm Hải Vân 2, có khả năng sẽ xuất hiện liên tiếp các trạm thu phí có cự ly không đúng theo quy định trong khu vực này./. |