- Gắn bó với 3 kỳ Quốc hội, ông nhận thấy Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã làm được điều gì và chưa làm được điều gì?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Nếu nhận xét về Chính phủ dưới góc độ người làm sử thì thấy rất rõ năng lực của Chính phủ mình “ứng phó” rất giỏi, “vượt khó”, “vượt hiểm” rất tốt, đôi khi là ngoạn mục.
Tuy nhiên, nó không bền vững và thiếu đi một chiến lược lâu dài. Vì vậy, nếu chúng ta không có cái nhìn dài, toàn diện thì đôi khi đánh giá của chúng ta chưa chắc đã chính xác.
Ví dụ như kỳ họp vừa rồi (kỳ họp thứ 10) hay kỳ họp này chúng ta đang xem lại nhiệm kỳ cuối cùng của Chính phủ và Thủ tướng nhưng nếu không đặt trong bối cảnh 5 năm của một nhiệm kỳ và 10 năm của một Thủ tướng ta sẽ không thấy được chiều dài ấy, thấy được những cái thăng trầm, cái mạnh và cái yếu.
Trong khi đó Quốc hội thì cứ mỗi lần thảo luận chỉ thảo luận báo cáo của nửa năm một chứ ít khi có cơ hội nhìn cái nhìn dài hơn. Cho nên tôi rất muốn có tổng kết kể cả với hoạt động của QH.
Mặc dù, kỳ họp thứ 11 này có yếu tố tổng kết nhưng chỉ là tổng kết từng bộ phận một mà chưa có cái nhìn tổng quan. Thiếu cái nhìn ấy sẽ không tìm được những giải pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa những sự thay đổi.
ĐBQH Dương Trung Quốc. |
- Tới đây các thành viên Chính phủ sẽ có nhiều thay đổi với nhiều Bộ trưởng mới được bổ nhiệm, thậm chí cả Thủ tướng mới. Ông kỳ vọng gì ở Chính phủ khóa mới?
Ai cũng mong muốn có sự kế thừa. Nếu chỉ toàn cái cũ sẽ không ai thích mà toàn cái mới cũng lo. Sự kế thừa là rất quan trọng. Tôi cho kế thừa ở đây là con người.
Con người được đào luyện qua thực tế, phần lớn các vị là mới nhưng không phải hoàn toàn là mới, cũng không phải là nhân tố quá mới. Nhân tố đó chỉ là sự nối tiếp, kế tục. Cho nên ở đây vấn đề còn lại là phải thúc đẩy phương thức hoạt động, đặc biệt là vai trò giám sát của QH của người dân. Hay nói dưới góc độ khác là tính minh bạch vì có quá nhiều cái không minh bạch, không rõ ràng.
Tôi lấy ví dụ, như ngay trong bản báo cáo nợ công thực hư là thế nào, khi trình ra QH con số thực hư thế nào không ai có thể đoán định được. Vì thế tất cả đánh giá sự giám sát ấy còn hết sức tương đối.
- Cứ mỗi đợt có lãnh đạo mới thì trên các trang blog, mạng xã hội thường có sự xuyên tạc về những lãnh đạo nhà nước. Tại kỳ họp thứ 11 này, QH cũng đang thảo luận về Luật Báo chí sửa đổi, theo ông cần phải siết vấn đề gì để quản lý được trang mạng cá nhân?
Chúng ta mới nghĩ đến chuyện siết. Về mặt khách quan, mỗi người ở một cương vị khác nhau trong xã hội, đặc biệt là ở cương vị chính trị kể cả đại biểu QH cũng phải làm quen với đời sống này.
Nói cách khác là ta phải có bản lĩnh để vượt qua cái đó. Ta lắng nghe, không coi thường nhưng cũng đừng quá coi trọng. Điều quan trọng là tạo ra bản lĩnh của mỗi người.
Trong xã hội sự phát triển của công nghệ thông tin thì không có cách nào khác cả, anh siết cũng không thể siết được. Tuy nhiên, mình có niềm tin cuối cùng sự thật vẫn là sự thật.
- Ông vừa cho rằng, con số nợ công do Chính phủ báo cáo là khó nắm bắt được chính xác. Vậy theo ông phải làm thế nào để xác định được chính xác con số này?
Cá nhân tôi thấy không có khả năng gì ngoài việc tin vào các cơ quan có trách nhiệm và rõ ràng có lẽ không có gì bằng sự phát triển bản thân của đất nước. Tuy nhiên, có điều nó đòi hỏi phải có thời gian nhưng rõ ràng thời gian chúng ta không thể chờ đợi được.
- Thưa ông, nợ công đang vượt trần, tuy nhiên trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm tới cần rất nhiều vốn. Theo ông Chính phủ phải điều hành thế nào để giảm nợ công?
Tôi không phải là người có kinh nghiệm hành pháp nên rất khó nhưng với tư cách một người làm công việc lập pháp và cơ quan giám sát, tôi rất mong muốn có chế tài để có thể làm minh bạch tất cả mọi cái. Khi chúng ta nhận thức được thực tiễn thì chúng ta mới có hành động đúng đắn được.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Infonet