Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dài hạn từ quý II/2016
Tại hội nghị “Toàn cảnh thị trường tài chính – bất động sản 2015 và dự báo 2016” diễn ra chiều ngày 2/12, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định về thị trường tài chính hiện nay ngày càng khó dự đoán và dễ bị tổn thương.
Ông Nghĩa đưa ra dẫn chứng, nếu trước đây, Nhật Bản 30 năm tăng trưởng 10% và từ năm 1990 đến giờ không tăng trưởng phần trăm nào thì không có ai "sốc". Nhưng gần đây, Trung Quốc cũng 30 năm tăng trưởng 10% mà vừa tụt xuống 6-7% thì cả thị trường bị "sốc".
TS.Nghĩa nhận định, khủng bố ở Paris, nhập cư ở Châu Âu cũng không gây hoang mang bằng việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và thông tin Trung Quốc suy giảm kinh tế. Quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực kinh tế ít có bản lĩnh hơn. "Sốc" kinh tế mạnh hơn "sốc" chính trị.
Khi thị trường tài chính bất ổn, nơi trú ngụ vững chắc nhất là thị trường bất động sản. Đồng USD tăng giá và đồng nhân dân tệ phá giá liên tục là lý do vì sao thị trường bất động sản toàn cầu đang phục hồi rất nhanh và đều.
“Khảo sát của chúng tôi ở Hong Kong, Pháp thì số người đầu tư vào bất động sản ngày càng lớn, quy mô thị trường bất động sản thế giới đang lớn lên. Ở Việt Nam của chúng ta cũng đang có xu hướng như vậy”, ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, chỉ số tài chính, chỉ số giá nhập khẩu đầu vào cuối 2015 của chúng ta đều suy giảm cho thấy Việt Nam vừa trải qua một chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn và đang trên đường suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh đây chỉ là sự suy giảm ngắn hạn trong giai đoạn từ quý II/2015 đến hết quý I/2016. Nhưng xu thế tăng trưởng của chúng ta vẫn là dài hạn, thêm nữa hàng loạt hiệp định thương mại tự do như TPP sẽ giúp cho xu thế tăng trưởng dài hạn này thêm vững chắc.
Theo ông Nghĩa, khi Việt Nam tham gia vào TPP, sẽ có khoảng 2,5 – 3 triệu người dịch chuyển từ nông thôn ra đô thị, làn sóng đô thị hóa lần thứ 2 xuất hiện, cải thiện tình hình năng suất lao động quá thấp trong thời gian vừa qua.
Làn sóng đô thị hóa lần thứ nhất đã tạo ra năng suất lao động tăng lên đến 50 – 60%. Làn sóng đô thị hóa lần thứ 2 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột biến như thế.
TPP mở ra cơ hội cho dệt may rất lớn, cứ 1 tỷ USD từ ngành sẽ tạo ra thêm 250.000 lao động mới, ông Nghĩa dự kiến trong 1 năm như vậy sẽ tạo thêm khoảng 10 tỷ USD. Năng suất lao động của Việt Nam nhờ thế sẽ ngày càng tăng lên.
“Bắt đầu quý II/2016 chúng ta mới tăng trưởng. Và kể cả loại bỏ yếu tố mùa vụ mọi chỉ số vẫn cho thấy Việt Nam đang bước vào quá trình tăng trưởng dài hạn”, ông Nghĩa dự báo.
Lo ngại vỡ nợ quốc gia
Mặc dù khẳng định sự tăng trưởng chắc chắn của Việt Nam nhưng theo ông Nghĩa, có 2 vấn đề đáng lo ngại là lãi suất có xu hướng tăng và tình hình tỷ giá hối đoái.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn (%/năm). Nguồn: TS. Lê Xuân Nghĩa
Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam có lạm phát ngang nhau đều dưới 1% nhưng lãi suất cao nhất của Mỹ là 4,5%, Trung Quốc là 4,3% còn của Việt Nam là 11%. Điều này là do lợi suất trái phiếu Chính phủ ngày càng tăng lên, Chính phủ đang thu hút 1 lượng lớn trái phiếu.
“Túi tiền trong toàn bộ nền kinh tế có hạn, Chính phủ hút quá nhiều thì doanh nghiệp tất nhiên phải ít đi”, ông Nghĩa nhận định.
Tuy nhiên, trái phiếu Chính chủ của chúng ta có lợi suất cao như thế vẫn không huy động được, điều này là do lòng tin của nhà đầu tư đang bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) của chúng ta ngày càng cao.
“CDS của Hy Lạp 320 điểm đã khủng hoảng, mà Việt Nam đã đến 270 điểm có những lúc lên tới 300 điểm, cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại về nợ công ngày càng tăng quá nhanh và nguy cơ vỡ nợ quốc gia”, TS. Nghĩa bình luận.
CDS trái phiếu Chính phủ kì hạn 5 năm (điểm). Nguồn: TS. Lê Xuân Nghĩa
Thêm vào đó, ông Nghĩa cũng nhận định nợ xấu quá lớn làm cho chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngân hàng Việt Nam rất cao, chỉ số này của các nước là 11%, còn Việt Nam lên đến 20%, trích lập dự phòng quá lớn đang đẩy lãi suất tăng.
Mặt khác, năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Điều này đang tạo áp lực tăng tỷ giá hối đoái.
“Hơn nữa, Mỹ có thể điều chỉnh lãi suất và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục phá giá nhẹ đồng Nhân dân tệ. Chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái 3 – 5% trong năm 2016”, ông Nghĩa nhận định.
Theo Bizlive