Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, nợ công của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục tăng nhanh. Mức tăng nợ công cao hơn tốc độ tăng GDP nên tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tiếp tục tăng lên chứ chưa giảm xuống.
Hoài nghi những con số
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới thì nợ công năm 2015 của Việt Nam đang ở mức 62,2% GDP, tương đương khoảng 126,9 tỷ USD. Đây là một con số khiến không ít người giật mình, bởi nếu tính bình quân đầu người với dân số 91,7 triệu dân thì nợ công tăng tới gần mức 30 triệu đồng/ người. Số nợ này bằng tới 65% thu nhập bình quân của một người Việt Nam làm trong một năm.
T.S Lê Đăng Doanh. |
Tuy nhiên, Tiến sĩ Doanh vẫn tỏ ra hoài nghi về con số vừa công bố, cũng như các số liệu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội.
“Chưa rõ là con số nợ công công bố đã được tính chính xác và đầy đủ chưa. Thí dụ như nhiều xã đã nợ không thể trả được vì đã 'vung tay quá trán trong phong trào Xây dựng Nông thôn mới. Có xã nợ lên đến 20 tỷ, bình quân cũng nợ khoảng 2-5 tỷ/xã.
Nợ xây dựng cơ bản của các tỉnh lên đến khoảng 28.000 tỷ, số nợ của các doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh cũng chưa tính đầy đủ. Nếu cộng cả số nợ của DNNN theo thông lệ quốc tế thì số nợ đã vượt mức 105% GDP, và khả năng trả nợ là rất khó khăn”.
Nhận định của ông Doanh không phải là không có cơ sở, khi mới đây, lãnh đạo một xã ở Thừa Thiên Huế thừa nhận vì mải chạy theo các tiêu chí của Nông thôn mới mà xã đang phải gánh một khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng. Nợ nần nghiêm trọng đến mức xã này còn đang tính đến chuyện bán đất để trả nợ.
Hiện tượng “vung tay quá trán” này đang xảy ra ở không ít các địa phương. Không chỉ chương trình Xây dựng Nông thôn mới mà còn nhiều chương trình, dự án khác đang có tình trạng chi tiêu và vay nợ bừa bãi của các cơ quan nhà nước.
Nợ công và câu chuyện thu chi ngân sách
Nhận định về khả năng trả nợ của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Tình hình hiện nay là Chính phủ phải vay nợ mới để trả lãi và một phần nợ cũ. Điều quan trọng trong quản lý nợ công là khả năng trả nợ dựa trên nguồn thu ngân sách, nhưng tình hình thu ngân sách là rất khó khăn. Hiện nay, chi thường xuyên để nuôi bộ máy cồng kềnh, trùng lắp đã lên đến 70% tổng số chi ngân sách, chi trả nợ lên đến 28-31% tổng chi ngân sách tùy theo năm nên tình hình thu, chi ngân sách rất căng thẳng”.
Để có tiền trả nợ thì phụ thuộc rất nhiều đến việc thu chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cả khâu thu và chi ngân sách hiện nay đều gặp nhiều vấn đề. Thu ngân sách liên tiếp gặp khó khăn bởi sự suy giảm của giá dầu trong thời gian gần đây. Hơn nữa, theo các thỏa thuận song phương và đa phương, các khoản thuế đang ngày càng giảm, kéo theo nguồn thu chính của ngân sách nhà nước cũng giảm theo.
Cùng với đó, việc chi ngân sách đang bộc lộ những bất cập lớn. “Rõ ràng, bộ máy nhà nước đã chi quá nguồn thu và quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Kỷ luật thu, chi ngân sách rất lỏng lẻo. Không ít Ủy ban Nhân dân xã nợ quán cơm, quán nhậu, có thành phố nợ lương giáo viên trong khi tình trạng lạm dụng xe công, số đoàn đi nước ngoài lên đến 2.200 đoàn với hiệu quả không thuyết phục”, ông Doanh nói.
Rất nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột với việc chi ngân sách bừa bãi hiện nay. Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) từng phát biểu: “Tôi nghĩ quyền lực nhà nước có cao cỡ nào cũng không có gì cao nếu không kiểm soát được ngân sách”, tại phiên góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Ông cùng nhiều đại biểu khác rất băn khoăn về các khoản thu chi không hợp lý của ngân sách nhà nước. Nhiều điểm Quốc hội không thể, không biết hoặc không được quyết.
Chúng ta cũng đã từng giật mình với con số hàng nghìn đoàn đi công tác nước ngoài mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỷ của ngân sách nhà nước mà không biết có thực sự hiệu quả hay không. Hay con số vấn xe công mỗi năm tiêu tốn đến 13.000 tỷ ngân sách.
“Đã đến lúc cần cải cách mạnh mẽ bộ máy, giảm sự trùng lắp, thực hiện nghiêm kỷ luật chi, tiêu ngân sách, thực hành tiết kiệm chặt chẽ và có phương án toàn diện tái cơ cấu ngân sách và xử lý an toàn nợ công”- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo Zing