Nợ công: Lấy tiền đâu để trả nợ và xót lòng trước các khoản chi tiêu vô tội vạ

Việc Bộ Tài chính vừa công bố số liệu nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2014 lên tới 1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 80 tỷ USD) khiến dư luận một lần nữa lo lắng. Song điều nhức nhối hơn cả được đặt ra là, Việt Nam sẽ lấy tiền đâu để đầu tư, lấy tiền đâu để trả nợ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều đáng nói là, vấn đề không chỉ nằm ở con số 1,8 triệu tỷ đồng, mà là tốc độ tăng nợ công quá nhanh trong giai đoạn vừa qua. Nợ công năm 2014 đã tăng gấp đôi so với năm 2010 (ở mức hơn 889.000 tỷ đồng) và cũng tăng đáng kể so với con số 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2013.

Vay nợ nhiều thì áp lực trả nợ cũng lớn. Nếu như năm 2010, tổng trả nợ chỉ là hơn 4,7 tỷ USD (tương ứng với 87.000 tỷ đồng), thì đến cuối năm 2014, tổng trả nợ là 12,2 tỷ USD (tương ứng với 260.800 tỷ đồng). Năm 2016, con số trả nợ được tính toán là khoảng 166.000 tỷ đồng.

Năm 2015, con số nợ công tuyệt đối tuy không cao hơn nhiều so với năm trước đó, song do GDP của toàn nền kinh tế chỉ là 4,2 triệu tỷ đồng, nên nợ công của Việt Nam đã bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn ở trong ngưỡng cho phép, nhưng con số này đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là nguy cơ vượt trần nợ công trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2016 có thể không đạt mục tiêu 6,7%, trong khi vay nợ vẫn tiếp tục tăng cao. Nhức nhối hơn, Việt Nam sẽ lấy tiền đâu để đầu tư, lấy tiền đâu để trả nợ?

Hiện tại, bội chi ngân sách của Việt Nam còn rất lớn, thu không đủ chi. Trong bối cảnh đó, chi thường xuyên năm 2015 đã lên tới 65% tổng dự toán chi ngân sách, phần còn lại là để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nên muốn đầu tư thì hoàn toàn phải đi vay. Thậm chí, ngân sách còn lại sau khi chi thường xuyên cũng không đủ để trả nợ. Do vậy, Chính phủ đã phải chấp nhận đi vay để đảo nợ. Trong kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ đã được phê duyệt, Chính phủ sẽ phải vay đảo nợ 95.000 tỷ đồng, chưa kể phải vay để bù đắp bội chi, vay ODA để cho vay lại, cũng như vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để đầu tư...

Những khoản vay rất lớn, nếu không được tính toán kỹ và sử dụng hiệu quả, sẽ để lại gánh nặng nợ vô cùng lớn cho thế hệ sau, mà ngày hôm nay, dư luận xã hội đang lên tiếng. Ngay cả vay ODA ưu đãi thì đó cũng không phải là “bữa trưa miễn phí”, nên sử dụng thế nào cũng là câu chuyện không đơn giản, không thể để tồn tới 22 tỷ USD vốn ODA đã ký kết mà không thể giải ngân.

Vay hợp lý và sử dụng hiệu quả là một chuyện, chuyện khác, thậm chí quan trọng hơn rất nhiều là làm sao chi tiêu ngân sách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Chỉ nhìn vào những hè phố vừa lát không bao lâu đã phải đào lên làm lại đã thấy một sự lãng phí lớn. Chỉ nhìn vào xe công được sử dụng vô tội vạ là không khỏi xót lòng. Hay chỉ nhìn vào bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhưng hoạt động kém hiệu quả là thấy rằng, nếu cứ đà này, chi thường xuyên còn lớn, bội chi ngân sách còn cao và vay nợ càng lớn. Nếu không giảm chi thường xuyên, bằng cách chi tiêu tiết kiệm, tinh giản bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, để có thêm tiền chi cho đầu tư, thì áp lực đi vay và trả nợ còn lớn, nợ công còn cao.

Chưa kể, việc Chính phủ thực hiện bảo lãnh vay cho doanh nghiệp nhà nước cũng cần thận trọng và tính toán kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Bài học của Vinashin, Vinalines vẫn còn nguyên tính thời sự. Hiện các khoản vay của hệ thống doanh nghiệp nhà nước chưa được tính vào nợ công, nhưng đây cũng là khoản nợ cần tính tới, để đảm bảo an toàn nợ công của quốc gia.

Theo Báo đầu tư