Những vụ “sang tay” BĐS khủng ở Đà Nẵng

VietTimes -- Hyatt Regency, Montgomerie Links, One Poera Danang, Danang Golf Club, Indochina Riverside,... là những tên tuổi từng làm nên thương hiệu BĐS ở Đà Nẵng, thì nay gắn liền với những thương vụ mua bán "khủng".
Khu phức hợp World Trade Centre Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư tại thời điểm công bố lên đến 325 triệu USD hiện hữu với tòa nhà AZURA và được chuyển nhượng cho đối tác khác

Thị trường bất động sản Đà Nẵng từng lên "cơn sốt" suốt thời gian dài của 10 năm trước. Sau thời gian đó, không ít dự án đã... trùm mềm, chỉ một ít đủ tiềm lực mới bật lên như: Hyatt Regency, Montgomerie Links, One Poera Danang, Danang Golf Club, Indochina Riverside,...

Thời gian gần đây, không ít những thương vụ mua bán đình đám dự án tại Đà Nẵng đã diễn ra giữa những tên tuổi lớn như:  Indochina Land, Hoàng Anh Gia lai, Gaw Capital, Vinacapital...

Khu resort 5 sao Hyatt Regency với quy mô 400 biệt thự, phòng khách sạn và căn hộ được Indochina Land bán cho Gaw Capital với giá hàng chục triệu USD

Theo số liệu nghiên cứu 6 tháng năm 2016 của CBRE, chỉ từ từ tháng 1/2015 đến nay, thị trường BĐS Đà Nẵng và lân cận Đà Nẵng đã chứng kiến 9 thương vụ mua bán BĐS "khủng" khi những tên tuổi như: Hyatt Regency, Montgomerie Links, One Poera Danang, Danang Golf Club, Indochina Riverside, Marina Complex, Golden Square hay Khu phức hợp Hoàng Anh Gia lai... được các nhà đầu tư "sang tay".

Cụ thể: Khu resort 5 sao Hyatt Regency với quy mô 400 biệt thự, phòng khách sạn và căn hộ được Tập đoàn Indochina Land bán cho Gaw Capital, Sân golf 10 lỗ tiêu chuẩn Montgomerie Links cùng 66 khu biệt thự cao cấp cũng được Tập đoàn Indochina Land bán cho tập đoàn TBC với giá lên đến 25,5 triệu USD, Khách sạn 5 sao phố quy mô hơn 200 phòng tiêu chuẩn One Poera Danang được cá nhân mua lại từ Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa bán cho nhà đầu tư Success Dragon với giá lên đến 31,4 triệu USD;...

Hay một loạt các thương vụ mua bán dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp như: Dự án Tổ hợp Ánh Dương tọa lạc tại khu đất có vị trí đắc địa bên bờ biển Đà Nẵng cũng vừa được chuyển chủ mới diễn ra vào cuối tháng 2/2016 mới được khởi động trở lại.

Khu phức hợp World Trade Centre Đà Nẵng với mỗi đơn nguyên AZURA nằm chờ suốt thời gian qua đã được Vinacapital chuyển nhượng cho đối tác khác

Đáng kể nhất là một loạt cú "sang tay" ở các dự án khủng của tập đoàn Vinacapital tại Đà Nẵng như: Sân golf 18 lỗ Danang Golf Club được bán cho nhà đầu tư BRG với giá hơn 12 triệu USD ; Dự án bến du thuyền và bất động sản Marina Complex ở bờ Đông sông Hàn có quy mô 17,6 ha được bán cho Quốc Cường Gia Lai với mức giá chưa công bố.

Trong số những thương vụ được giới bất động sản quan tâm nhất là Khu phức hợp World Trade Centre Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư tại thời điểm công bố lên đến 325 triệu USD, tọa lạc trên diện tích 90.000m2 tại bờ đông Sông Hàn cũng được xẻ ra bán dần sau gần chục năm nắm giữ.

Bên cạnh những tên tuổi lớn và những thương vụ thành công thì không ít nhưng giao dịch bất thành và xảy ra kiện tụng khiến dự án trở nên èo uột và "ngủ yên" như dự án Toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers do Công ty Cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm chủ đầu tư, hay dự án Tổ hợp thương mại tại Sân vận động Chi Lăng của Tập đoàn Thiên Thanh. 

Dự án Toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers do Công ty Cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm chủ đầu tư với quy mô đầu tư công bố gần 200 triệu USD tọa lạc trung tâm Đà Nẵng đã xảy ra tranh chấp trong chuyển nhượng giữa các cổ đông Cty CP địa ốc Viễn Đông Việt Nam, dự án đã "treo" từ năm 2008 đến ngày hôm nay, và chưa biết khi nào mới khởi động trở lại.

Thương vụ sang nhượng đình đám liên quan đến Dự án Toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers do Công ty Cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm chủ đầu tư khiến dự án này treo suốt thời gian qua

Còn dự án Tổ hợp thương mại tại Sân vận động Chi Lăng do Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư với quy hoạch là khu trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất Đà Nẵng cùng mức kinh phí công bố lên đến hơn 4.000 tỷ. Dự án thực hiện trên diện tích khoảng 60.000 m2 tại trung tâm thành phố, gồm toàn bộ Sân vận động Chi Lăng và khu vực lân cận tiếp giáp với các mặt đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương- Chi Lăng. 

Tuy nhiên, ngay sau khi chi trả gần 1.500 tỷ đồng chuyển quyền sử dụng đất và được TP Đà Nẵng cấp phép đầu tư (năm 2010) thì Tập đoàn này đã xé lẻ khu đất, đem thế chấp rút từ các ngân hàng lấy hơn 4.000 tỷ đồng. Cho đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai được, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng.