Chu Vĩnh Khang (sinh năm 1942), nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, từng giữ chức Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa thứ 17 và Bí thư Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Trên cương vị đó, ông ta nắm giữ các lực lượng an ninh và các cơ quan pháp luật của Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang bị “lập án điều tra” từ ngày 29/7/2014; ngày 11/6/2015, ông ta bị Tòa án thành phố Thiên Tân kết tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật nhà nước; bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ 129 triệu NDT (hơn 20 triệu USD).
Kể từ khi bị chuyển đến nhà tù Tần Thành vào ngày 5/12/2014, Chu Vĩnh Khang đã trải qua gần 7 năm trong nhà tù này ở quận Xương Bình, Bắc Kinh. Tuy nhiên, so với thời gian thụ án dài dằng dặc của ông ta thì 7 năm không phải là quá dài, nếu không xảy ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như Trần Hy Đồng năm xưa, Chu Vĩnh Khang sẽ khó có cơ hội được bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh. Ông ta sẽ phải sống nốt phần còn lại của cuộc đời mình trong tù, gần như là không thể còn nhìn thấy thế giới bên ngoài nhà tù Tần Thành một lần nữa.
Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai (phải) gặp gỡ các cán bộ cũ |
Tuy nhiên, theo một số thông tin chưa được chính thức xá nhận, so với các nhà tù khác hoặc các tù nhân cấp bậc khác, mặc dù Chu Vĩnh Khang ít có khả năng được giảm án, hoặc bảo lãnh tại ngoại chữa bệnh, nhưng ông ta thực sự được hưởng sự " ưu đãi" nhất định.
Tin cho biết, các tù nhân cấp cao trong nhà tù Tần Thành mỗi tuầncó từ 1 đến 6 cơ hội được ra ngoài hít thở không khí (gọi là “phóng phong”) một mình , mỗi lần từ 20 phút đến 60 phút. Trên khu đất bằng phẳng bên ngoài phòng giam, có những ô vuông ngăn cách nhau bằng những bức tường cao. Khi được “phóng phong”, mỗi tù nhân được di chuyển trong một ô vuông, người cảnh vệ theo dõi và quan sát họ từ một nơi trên cao.
Ngoài ra, việc ăn ở, đãi ngộ trong khu giam phạm nhân cao cấp cũng tốt hơn, được ở trong phòng giam riêng, ngày có thể ăn ba bữa gồm hai món thịt, một món chay, một canh; được mở cửa đưa cơm vào phòng chứ không đưa qua khe cửa xà lim như những phạm nhân khác. Thứ Hai hàng tuần còn có thể cấp sữa, hoa quả và các chất bổ khác.
Chu Vĩnh Khang gặp mặt cán bộ ngành dầu khí |
Tờ South China Morning Post từng nói rằng Chu Vĩnh Khang thậm chí còn sở hữu một vườn rau nhỏ gần phòng giam và ông có thể trồng hoa quả, bí ngô, v.v. Tất nhiên, môi trường sống của Chu Vĩnh Khang tốt hơn hẳn so với các tù nhân bình thường. Không chỉ ở phòng giam rộng hơn, được trang bị xí bệt, máy giặt, bàn viết; được đọc sách báo, xem các chương trình tivi có nội dung hạn chế; cũng có thể mặc quần áo của riêng thay vì luôn phải mặc quần áo tù. Thậm chí phòng giam còn có thêm một cửa sổ để được ngắm nhìn bầu trời nhiều hơn.
Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng, tất nhiên phải biết rất rõ tình hình trong nhà tù Tần Thành. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, “Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị” không còn là lá bùa hộ mệnh, nếu Chu Vĩnh Khang có thể lường trước được mọi việc thì có lẽ đã không đến gắn bó thân thiết với Bạc Hy Lai đến mức như thế.
Truyền thông Hong Kong từng tiết lộ rằng Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã có cuộc trao đổi bí mật, nội dung chủ yếu là phủ nhận hoàn toàn lý luận và thực tiễn cải cách, mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Hai người thừa nhận lý luận và thực tiễn của Mao Trạch Đông những năm cuối đời về “mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội Trung Quốc vẫn là giữa giai cấp vô sản và tư sản, giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa”, vẫn đúng và đường lối cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình cần phải được điều chỉnh.
Những nhân vật được Trung Quốc coi là "Tập đoàn tham nhũng Chu Vĩnh Khang": Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai , Quách Bá Hùng , Từ Tài Hậu , Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch (Ảnh: THX). |
Bạc Hy Lai (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh) nói rằng ông đã suy nghĩ về vấn đề này từ rất lâu, lập trường chính trị và quan niệm giá trị của hai người rất hợp nhau và họ bày tỏ muốn "làm một chuyện lớn".
Sau khi trở về Bắc Kinh, Chu Vĩnh Khang đã không báo cáo những lời nói và việc làm của Bạc Hy Lai với trung ương, thay vào đó, ông nói với "những người anh em thân thiết" rằng: "Chúng ta muốn làm được 'việc lớn' thì phải lợi dụng hững người như Bạc Hy Lai. Ông ấy có thể giúp chúng ta".
Cũng có dư luận suy đoán rằng Chu Vĩnh Khang có thể tiết lộ bí mật nhân sự của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 cho bên ngoài, bố trí nhân sự cho phù hợp và thông báo cho Bạc Hy Lai về tin Vương Lập Quân bỏ trốn vào Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô năm 2012 cho Bạc Hy Lai.
“Việc lớn” này rốt cuộc là gì, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, khi ông Tập Cận Bình tại Hội nghị nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị vào năm 2016, đã nghiêm khắc phê phán: "Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch đã kết bè phái trong đảng vì lợi ích cá nhân, chiếm đảng đoạt quyền, kiêu ngạo và dâm ô, tham nhũng và phản bội luật pháp, đã làm ô nhiễm nghiêm trọng sinh thái chính trị trong đảng, gây nên ảnh hưởng chính trị cực kỳ tồi tệ".
Sau khi Chu Vĩnh Khang bị quật ngã, hàng chục quan chức cấp cao khác đã bị thanh trừng theo (Ảnh: tư liệu). |
Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang đã lần lượt ngã ngựa trước và sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Người ta nói rằng Chu Vĩnh Khang muốn trở thành chủ tịch Quốc hội sau khi ông ta từ chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật; Bạc Hy Lai nhằm đến vị trí gì thì cũng không khó đoán ra, có thể thấy “việc lớn” mà họ đang mưu tính là gì.
Trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị duy nhất bị ngã ngựa vì tham nhũng, và việc san bằng “ngọn núi” (tức sự cát cứ, phe nhóm, Trung Quốc gọi là “sơn đầu chủ nghĩa”) của ông ta giống như một chiến dịch lớn.
Có cơ quan truyền thông đã phân tích Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải phát động "năm cuộc chiến bao vây vòng ngoài lớn" xung quanh "Tập đoàn tham nhũng Chu Vĩnh Khang". Các cuộc chiến này được mô tả tóm tắt là:
Bước một, điều tra hệ thống “quân (Tứ) Xuyên”: Từ năm 1999 đến năm 2002, Chu Vĩnh Khang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Hơn một năm sau Đại hội 18, Tứ Xuyên đã có 3 quan chức lãnh đạo tỉnh là nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy Lý Xuân Thành, nguyên Phó tỉnh trưởng Quách Vĩnh Tường và nguyên Chủ tịch Chính Hiệp Lý Sùng Hy đã bị điều tra. Sau đó, hơn 40 cán bộ cấp sở của tỉnh cũng lần lượt bị rớt.
Tưởng Khiết Mẫn, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia bị quật ngã do liên quan đến Chu Vĩnh Khang (Ảnh: Dwnews). |
Bước thứ hai là "băng dầu mỏ sụp đổ”. Kể từ tháng 8/2013, các quan chức cấp cao bị điều tra và xử lý bao gồm Tưởng Khiết Mẫn, người đã được thăng chức làm Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước và từng là Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC); Vương Vĩnh Xuân, Phó Tổng giám đốc PetroChina và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỏ dầu Đại Khánh; LTĐB: Lý Hoa Lâm, Phó Tổng Giám đốc PetroChina; Nhuế Tân Quyền Phó Tổng Giám đốc PetroChina kiêm Tổng Giám đốc Chi nhánh mỏ dầu Đại Khánh; Nhà địa chất trưởng CNPC Vương Đạo Phúc, Kế toán trưởng CNPC Ôn Thanh Sơn, v.v. .
Thứ ba là "điều tra bè đảng hệ thống công an". Một loạt nhân vật như Lý Đông Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Lương Khắc, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh; Vũ Trường Thuận, nguyên Giám đốc Sở Công an Thiên Tân; Tần Ngọc Hải, nguyên Giám đốc Sở Công an tỉnh Hà Nam; Ngô Vĩnh Văn, nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hồ Bắc...đã bị quật ngã đều có liên quan đến Chu Vĩnh Khang.
Bước thứ tư "Xóa sổ bang thư ký": Ký Văn Lâm, nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam; Dư Cương, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương; Đàm Hồng, Tham mưu (cấp trưởng sư đoàn) Cục An ninh Bộ Công an; Quách Vĩnh Tường, nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên; Lý Hoa Lâm, cựu Phó tổng giám đốc CNPC; Thẩm Định Thành, cựu Bí thư đảng ủy Công ty quan hệ quốc tế của CNPC...bị hạ gục, tất cả họ đều đã từng là Thư ký của Chu Vĩnh Khang.
Lý Đông Sinh, Thứ trưởng Bộ Công an mất chức vì liên quan đến Chu Vĩnh Khang (Ảnh: cpd). |
Bước cuối cùng là “cất vó họ hàng thân thích”: con trai cả của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân, con dâu Hoàng Uyển, thông gia Hoàng Dũ Sinh, vợ thông gia Diêm Mẫn Lợi, em trai thứ ba Chu Nguyên Thanh, em dâu thứ ba Chu Lệnh Anh và cháu trai Chu Phong, v.v lần lượt bị bắt, bị điều tra...
Khi còn phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Chu Vĩnh Khang đã mặc sức “nhiệm nhân duy thân” (dùng người theo tình thân) trong một thời gian dài. Vào thời điểm đó, trong hệ thống tòa án, kiểm sát, công an đầy rẫy sự lộng hành, các vụ án oan, sai xảy ra thường xuyên, đã phát triển thành những khối u ác tính khổng lồ trên cơ thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau Đại hội 18, ba chiến dịch chống lại hệ thống chính trị và luật pháp Trung Quốc đã được phát động, bao gồm: truy quét xã hội đen, tẩy độc, và chỉnh đốn hệ thống chính trị pháp luật; ở một mức độ nào đó là sửa chữa "di sản tồi tệ" của Chu Vĩnh Khang. Điều này lý giải từ một góc độ khác tại sao phải phá bỏ cái gọi là quy tắc ngầm bất thành văn “hình bất thướng Thường vụ” (Không xử lý hình sự với Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) để điều tra, xử lý triệt để Chu Vĩnh Khang. Sau khi bị trừng phạt, vụ án Chu Vĩnh Khang gây chấn động sẽ mãi mãi để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang khi là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị và pháp luật nắm toàn bộ hệ thống an ninh, pháp chế (Ảnh: THX). |
Trong thông báo kỷ luật Chu Vĩnh Khang của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có viết, ông ta đã “gian dâm với nhiều phụ nữ và dùng tiền đổi sắc, dùng quyền đổi sắc”. Trong thời gian giữ chức trong hệ thống Dầu khí, Chu Vĩnh Khang có biệt hiệu “Bách kê vương” (Ông vua trăm gà), nhiều lần bị tố giác cưỡng hiếp các phụ nữ thuộc quyền. Khi làm Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, ông cũng nhiều lần cưỡng hiếp phụ nữ, trong đó có cả nhân viên phục vụ nhà khách, cực kỳ dâm loạn.
Chu Vĩnh Khang có quan hệ mật thiết với nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Cả ba người này ngoài mua quan bán chức, tham ô và điên cuồng kiếm chác ra, còn có chung thị hiếu là lợi dụng chức quyền để dâm loạn. Báo chí từng nêu: Chu Vĩnh Khang có 6 “hành cung” để dâm lạc ở Bắc Kinh, bao nuôi ít nhất 29 người tình, trong đó có ca sĩ, diễn viên và sinh viên đại học; còn số phụ nữ đã qua tay ông ta thì tới hơn 400 người, trong đó có cô ca sĩ nổi tiếng Thang Sán được Bạc Hy Lai dâng cho.
Chu Vĩnh Khang và vợ hai kém 28 tuổi, nguyên Biên tập viên CCTV Giả Hiểu Diệp (Ảnh: Dwnews). |
Người vợ đầu của Chu Vĩnh Khang tên là Vương Thục Hoa, đã qua đời vì tai nạn xe hơi năm 2000 không lâu sau khi ly dị chồng. Theo truyền thông, một chiếc xe mang biển số cảnh sát vũ trang liên quan đến vụ tai nạn, điều này làm dấy lên nghi ngờ Chu Vĩnh Khang có liên quan đến cái chết của người vợ đầu.
Sau đó Chu Vĩnh Khang cưới Giả Hiểu Diệp, nữ MC Đài CCTV kém ông ta 28 tuổi. Vụ này gây xôn xao dư luận, có tin đồn Chu Vĩnh Khang đã tổ chức cho cấp dưới ám hại vợ cũ. Người con trai thứ hai là Chu Hàm tin rằng mẹ đã bị bố ám hại nên tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ cha – con với Chu Vĩnh Khang, thậm chí cấm ông ta đến thăm cháu nội.
Giả Hiểu Diệp sinh năm 1970, quê tỉnh Sơn Đông. Cô ta từng học Đại Học Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp vào làm việc trong Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc với vai trò biên tập viên kênh truyền hình CCTV-2. Do rất ít khi xuất hiện nên mãi sau khi rời khỏi CCTV vài năm, người ta mới biết cô là vợ hai của Chu Vĩnh Khang.
Ngoài hai người vợ, Chu Vĩnh Khang còn gian dâm với hàng tá người đẹp. Đầu tiên phải kể đến Diệp Nghênh Xuân, nữ MC nổi tiếng của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV).
"Bách kê vương" Chu Vĩnh Khang và một số người tình (Ảnh: apolo). |
Diệp Nghênh Xuân là biên tập viên CCTV từ năm 1998, sau đó trở thành người dẫn chương trình nổi tiếng của đài. Cô từng dẫn nhiều chương trình nổi tiếng như “Thế giới người Hoa”, “Nhịp cầu Hán ngữ”, “Chào Xuân 2012”... và liên tiếp được bình chọn là “MC xuất sắc nhất” nhiều năm liền.
Một người tình khác cũng rất nổi tiếng của Chu Vĩnh Khang là Thẩm Băng, nữ MC xinh đẹp của CCTV. Thẩm Băng sinh năm 1976, từng tốt nghiệp đại học Triết Giang. Để giúp chồng là chủ công ty địa ốc bán được các căn hộ, cô ta đã lên giường với Chu Vĩnh Khang. Thẩm Băng ly hôn với chồng rồi chuyển sang giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm thông tin của Ủy ban Chính trị pháp luật trung ương mà Chu Vĩnh Khang là Bí thư.
Một người đẹp ở CCTV nữa dính vào quan hệ với Chu Vĩnh Khang là Lưu Phương Phi. Lưu Phương Phi từng là “con cưng” của CCTV, từng được làm MC chính trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” của Trung Quốc từ 2006 đến 2008. Tuy nhiên, nghi án “tình tay ba” giữa cô với Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang đã khiến cô bị thất sủng tại CCTV.
Người đẹp thứ năm ở CCTV bị nghi có quan hệ tình ái với Chu Vĩnh Khang là Lý Tiểu Manh. Người đẹp này sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Truyền thông Trung Quốc, là phóng viên và người dẫn chương trình của CCTV.
Chu Vĩnh Khang còn có một người tình khác là Lý Hiểu Mai, báo chí cho biết người này rất được Chu Vĩnh Khang yêu chiều vì có kỹ năng phòng the siêu hạng. Nhờ mối quan hệ với Chu Vĩnh Khang mà thông qua một đệ tử của ông ta là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) Tưởng Khiết Mẫn, Công ty Hồng Cảng của Lý Hiểu Mai đã giành được những chỉ tiêu dầu khí béo bở, kinh doanh hệ thống kho dầu, cây xăng, kiếm lợi hàng trăm triệu Nhân dân tệ.
(Còn tiếp)