Dùng smartphone trước khi đi ngủ
Dù đã được nhiều chuyên gia khuyến cáo, song không ít người vẫn giữ thói quen xem điện thoại trước khi đi ngủ, như đọc báo, lướt Facebook, chơi game... mà không hề biết tác hại của nó. Theo IBTimes, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc xem thiết bị di động ban đêm sẽ phát ra ánh sáng xanh gây hại mắt, rối loạn cơ thể, mất ngủ...
Nếu buộc phải sử dụng điện thoại ban đêm, người dùng nên bật chế độ Night Shift (nếu dùng iPhone, iPad) hoặc tải về các phần mềm ngăn chặn ánh sáng xanh gây hại mắt (nếu dùng Android hoặc các nền tảng khác). Tuy vậy, việc sử dụng nên được thực hiện trong thời gian rất ngắn và đi ngủ ngay khi công việc hoàn thành.
Kiểm tra email ở nhà
Buổi tối hoặc cuối tuần thường là thời gian để nghỉ ngơi, do đó không nên mang công việc vào những thời gian này. Thay vào đó, nên dành chúng để nấu một bữa ăn ngon, làm công việc vườn nhà hoặc đơn giản là chơi đùa với người thân, tụ tập bạn bè.
Tất nhiên, bạn cũng có thể xem email hoặc giải quyết công việc vào thời gian trên nếu việc đó cần giải quyết gấp. Và sau khi giải quyết xong, không nên tiếp tục với chiếc smartphone hay laptop nữa.
Chụp ảnh bằng máy tính bảng
Bạn có thể chụp ảnh với smartphone hoặc máy ảnh, nhưng nếu sử dụng một chiếc máy tính bảng để "tự sướng" giữa chốn đông người thì thật buồn cười. Nếu đang trong một buổi hòa nhạc hoặc biểu diễn nghệ thuật, điều đó sẽ gây phiền nhiễu cho những người xung quanh.
Dùng Wi-fi công cộng
Ngày nay, việc kết nối Internet thông qua Wi-fi miễn phí là điều cực kỳ dễ dàng. Bạn có thể kết nối khi ở quán cà phê, nhà hàng, quán ăn... thậm chí là đi ngoài đường (đối với các thành phố phủ sóng Wi-Ffi miễn phí). Tuy nhiên, Wi-fi công cộng luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bảo mật, hacker có thể đột nhập vào thiết bị của bạn bất cứ lúc nào.
Do đó, cách tốt nhất là sử dụng mạng 3G/4G của chính mình, hoặc kết nối nhưng không thao tác các dịch vụ nhạy cảm như giao dịch tài chính, trao đổi công việc quan trọng... Khi kết nối cần để ý đến mạng đó bảo vệ bằng phương thức mã hóa gì, ví dụ WEP hoặc WPA2 sẽ có độ an toàn cao hơn. Ngoài ra, nên duyệt web bằng chế độ ẩn danh, sử dụng VPN để mã hóa, ẩn địa chỉ IP...
Để chuông điện thoại lớn
Việc để tiếng chuông điện thoại hoặc chuông thông báo lớn vô tình khiến người khác khó chịu bởi tiếng ồn mà nó gây ra. Nó có thể "phá" giấc ngủ trưa của một ai đó, hoặc khiến người khác cảm thấy làm phiền nếu họ đang tập trung công việc. Do đó, nếu ở chỗ đông người, việc trang bị một chiếc tai nghe là giải pháp tốt nhất. Còn nếu ở khung cảnh yên tĩnh, bạn nên để chế độ rung cho máy.
Không cài mật khẩu cho điện thoại
Thói quen này cực kỳ nguy hiểm, bởi nếu trong smartphone có tin nhắn quan trọng, hình ảnh "nhạy cảm" hay các video riêng tư... nó dễ dàng bị người khác đánh cắp và lợi dụng. Do đó, việc đặt mật khẩu cho điện thoại là điều đầu tiên và hết sức quan trọng. Hiện nay, ngoài mã PIN, còn có các phương thức bảo mật tân tiên hơn, như cảm biến vân tay, nhận dạng khuôn mặt hay nhận dạng mống mắt...
Vừa sạc điện thoại vừa sử dụng
Không chỉ làm máy nhanh nóng, nhanh hư hỏng, việc vừa sạc vừa sử dụng có thể khiến smartphone phát nổ bất cứ lúc nào. Trên thế giới, không ít trường hợp bị trọng thương, thậm chí tử vong vì thói quen này. Ngoài ra, thói quen sạc điện thoại qua đêm cũng không tốt.
Theo VnExpress
http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/kinh-nghiem/nhung-thoi-quen-nen-bo-ngay-lap-tuc-3571814.html