Những thách thức buộc phải vượt qua với hồ sơ sức khỏe điện tử

VietTimes – Quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử là xu thế tất yếu của bất cứ hệ thống y tế nào. Cả bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân buộc phải cùng nhau vượt qua những thách thức của y tế thời 4.0.
Quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử là xu thế tất yếu của y tế thời 4.0. (Ảnh: Internet)

“Quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân là công việc rất mới và phải triển khai đồng bộ trên diện rộng, đòi hỏi sự đầu tư và chuẩn bị rất kỹ, từ phần mềm ứng dụng, thống nhất chuẩn dữ liệu đầu ra, mẫu hồ sơ sức khỏe, những quy định mang tính pháp lý đòi hỏi sự tuân thủ của mỗi cơ sở y tế. Công việc chuẩn bị không chỉ ở tầm vĩ mô của Bộ Y tế, còn đòi hỏi mỗi cơ sở phải chuẩn bị nguồn lực và phương án, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của từng loại hình cơ sở y tế” – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương trao đổi với VietTimes.

Mặc dù Thông tư 46 Quy định về hồ sơ bệnh án điện tử đã được Bộ Y tế ban hành từ năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1/3/2019, được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; nhưng đến giờ, việc số hóa bệnh án vẫn còn rất nhiều khó khăn, rào cản.

Được biết, tại BV Hùng Vương cũng chưa thể triển khai quản lý người bệnh bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. “BV Hùng Vương đang trong quá trình xây dựng hệ thống, dự kiến khoảng tháng 12/2020 thì có thể chạy được chương trình quản lý người bệnh bằng hồ sơ sức khỏe điện tử” – BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.

Cả bệnh viện, bác sĩ và người bệnh đều phải vượt qua các rào cản bởi quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử là xu thế tất yếu (Ảnh: Internet)

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết phân tích: “Bên cạnh việc phải đầu tư nguồn lực để xây dựng phần mềm ứng dụng cho công tác lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân với đầy đủ tiện ích, còn nhiều vấn đề khác đòi hỏi phải được nhận diện và có sự chuẩn bị đồng bộ đảm bảo cho sự thành công khi triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử”.

Sự thực là, với tâm lý chung còn chưa quen với xã hội 4.0, nhiều người bệnh sẽ lo lắng không biết BV có đảm bảo mã số nhận dạng chính xác người bệnh và các căn bệnh hay không, trong khi đây lại là yêu cầu bắt buộc cần được giải quyết khi triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử.

Hơn nữa, không phải tất cả nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khác nhau, không phải tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh ở nhiều loại hình khác nhau đều sẵn sàng cho việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, một số cơ sở vẫn chưa thích ứng với sự chuyển đổi từ ghi chép trên hồ sơ giấy sang nhập dữ liệu trên hồ sơ sức khỏe điện tử khi cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Mặc dù việc gia nhập xã hội 4.0 là xu thế tấy yếu nhưng cả BS lẫn bệnh nhân và cộng đồng nói chung đều lo lắng về quyền riêng tư, bảo mật thông tin, chất lượng và độ chính xác của thông tin được tạo ra bằng hồ sơ điện tử.