Người dân sắp có hồ sơ sức khỏe điện tử được kết nối bảo hiểm y tế

VietTimes – Tại cuộc họp bàn về việc xây dựng nền tảng công nghệ thông tin trong tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được tổ chức vào sáng nay (29/6), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây, toàn bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ áp dụng cho tất cả người dân trên toàn quốc thông qua hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Minh Thúy)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Minh Thúy)

Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ bao phủ toàn quốc trong tháng 8

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây các cơ sở y tế đều sử dụng nền tảng công nghệ thông tin từ nước ngoài trong quá trình chia sẻ dữ liệu, thông tin y tế từ xa, hỗ trợ bệnh viện, kết nối bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới. Vì thế, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử với một nền tảng công nghệ thông tin "Made in Vietnam" đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, hồ sơ sức khỏe điện tử đã được nhiều công ty công nghệ thông tin phát triển. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ sức khỏe điện tử vẫn đang được tiếp cận với tư cách của người dâ,n nên khó sử dụng trong hệ thống y tế bởi hầu hết dữ liệu trong hồ sơ đều là dữ liệu hành chính, chưa có dữ liệu y học.

Do đó, ông Long nhấn mạnh: “Toàn bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ áp dụng cho tất cả người dân trên toàn quốc bằng hệ thống BHYT.”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Minh Thúy)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Minh Thúy) 

Trước đây, hồ sơ sức khỏe điện tử chưa được sử dụng nhiều ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, khi hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai sẽ được các cơ sở y tế quản lý. “Tới đây, tất cả người bệnh khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú sẽ không dùng giấy để khám bệnh. Bộ Y tế quyết tâm tới tháng 8 sẽ sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc, phối hợp với BHXH để thực hiện. Hồ sơ sức khỏe điện tử phải được mã hóa một cách tốt nhất” – ông Long nói. 

Ngoài ra, việc khám, chữa bệnh từ xa đang tiếp cận chưa được rộng rãi. Trước đây, hội chẩn ca bệnh chỉ thực hiện với 1 cơ sở y tế tuyến trên và 1 cơ sở y tế tuyến dưới, không công khai nên Bộ Y tế mong muốn có thể chia sẻ quá trình hội chẩn với nhiều cơ sở y tế chứ không chỉ với những đơn vị tham gia hội chẩn.

Hệ thống y tế còn thiếu sự kết nối

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - mục tiêu của hồ sơ sức khỏe điện tử là xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe cho người dân, theo dõi, chăm sóc sức khỏe trọn đời, đồng thời, giám định BHYT và cải tiến chất lượng lâm sàng.

Thực tế, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên được kể đến là về tính pháp lý. Đến nay, hồ sơ sức khỏe điện tử vẫn chưa được quy định trong Luật Khám, chữa bệnh và các văn bản dưới luật. Ngoài ra, hệ thống y tế còn thiếu sự kết nối trong chăm sóc sức khỏe, chưa có dịch vụ bác sĩ gia đình và kê đơn thuốc điện tử, việc chuẩn thông tin chủ yếu phục vụ hồ sơ bệnh án giấy.

Theo ông Khoa, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, các đơn vị sẽ bổ sung kết quả cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh; thông tin sử dụng thuốc, đơn thuốc điện tử, tóm tắt hồ sơ bệnh án ra viện. Cùng với đó, chuẩn bị các chuẩn thông tin, chuẩn cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; chuẩn trao đổi thông tin cho hồ sơ sức khỏe điện tử hoàn chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật Khám, chữa bệnh, luật BHYT.

Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn chính (Ảnh: Minh Thúy)
Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn chính (Ảnh: Minh Thúy) 

Trong giai đoạn 2, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ ban hành thông tin, chuẩn cơ sở dữ liệu và cấu trúc hồ sơ sức khỏe, chuẩn trao đổi dữ liệu, xây dựng công cụ hỗ trợ, xây dựng hướng dẫn, chương trình đào tạo; hạch toán chi và lập hồ sơ sức khỏe.

Ở giai đoạn cuối, các cơ sở sẽ phát triển ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân – người dân tự quản lý hồ sơ sức khỏe của mình và hộ gia đình. Từ đó, rà soát các quy định về bảo mật thông tin, riêng tư của người bệnh; xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, kiểm định lâm sàng, khai thác xây dựng thông tin.

Sẵn sàng ứng dụng công nghệ made in Viet Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước mắt, Bộ Y tế rất cần 2 nền tảng kết nối công nghệ thông tin giữa cơ sở y tế với cơ sở y tế và giữa bác sĩ với bác sĩ. Với y tế tuyến xã, Bộ Y tế đã làm việc để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.

Về việc liên kết giữa bác sĩ với người bệnh, Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị triển khai, nhưng mọi dữ liệu về quá trình thăm khám của bác sĩ, bệnh nhân phải được chuyển về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Vừa qua, Bộ Y tế đã sử dụng một lượng dữ liệu lớn để lưu trữ thông tin.

Để chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho hay: Nền tảng khám, chữa bệnh từ xa có 2 loại đối tượng cần hướng tới, là nhà cung cấp dịch vụ với người dân và cơ sở y tế với người dân. Viettel sẵn sàng cung cấp công nghệ made in Viet Nam và hoàn toàn có thể thực hiện, triển khai ngay trong thực tế. Về hồ sơ sức khỏe điện tử, đại diện này cho rằng cần có quy định rõ ràng để triển khai ở 22 tỉnh, thành phố theo kế hoạch. Hiện, nhiều công ty nhỏ có thể phối hợp với những công ty lớn để phát triển.

Thông tin về ứng dụng VOV Bacsi24, Đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, ứng dụng VOV Bacsi24 với nền tảng khám, chữa bệnh trực tuyến đã được triển khai tại nhiều bệnh viện, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Ứng dụng giúp người dân gặp bác sĩ mọi lúc mọi nơi, qua video call, lưu lại quá trình thăm khám để người dân và các bác sĩ có thể xem lại bất cứ lúc nào.

Ông Trương Quốc Hùng – Tổng Giám đốc VinBrain – cho hay, trong tương lai các bác sĩ sẽ chẩn đoán khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng VinBrain DrAi. Ứng dụng này có thể hỗ trợ bác sĩ làm việc hiệu quả, chính xác trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. DrAi sẵn sàng triển khai trên toàn quốc trong khám, chữa bệnh từ xa, dựa trên công nghệ AI và Cloud, giúp bác sĩ tránh để sót bệnh nhân, tăng độ chính xác trong chẩn đoán. Cùng với đó, giảm quá tải thông qua sàng lọc, ưu tiên các trường hợp có bất thường, tự động phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 trong trường hợp không có triệu chứng.

Ứng dụng VinBrain DrAi. (Ảnh: Minh Thúy)
Ứng dụng VinBrain DrAi. (Ảnh: Minh Thúy)

Ông Trần Anh - Đại diện VNPT – chia sẻ: VNPT đã xây dựng hệ thống dữ liệu trên cloud, thực hiện chia sẻ theo nhu cầu của Bệnh viện và các cơ sở y tế. Giải pháp kết nối giữa người dân và bác sĩ thông qua hệ thống tập trung, sử dụng app của VNPT để khám bệnh, đặt lịch khám, các cơ sở y tế có thể dụng chung phần mềm.