|
Những tác hại của điện thoại đối với đôi mắt trẻ em |
Nghiên cứu của các bác sĩ tại bệnh viện của Đại học Quốc gia Chonnam ở Seoul, Hàn Quốc vừa chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều và tật lác mắt ở trẻ em.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 12 trẻ em ở độ tuổi từ 7 đến 16 và thường sử dụng điện thoại từ 4 đến 8 tiếng một ngày. Những đứa trẻ này có thói quen nhìn vào màn hình điện thoại ở khoảng cách khoảng 20 đến 30cm so với mắt. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ em bị lé mắt.
Phát biểu trên tờ Yonhap News, các nhà nghiên cứu cho biết trường hợp trẻ nhỏ mắc tật lé mắt trước đây là rất hiếm đối với trẻ em Hàn Quốc. Tuy nhiên thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra ngày càng phổ biến. Sau khi bác sĩ yêu cầu 9 trong số 12 đứa trẻ này ngừng sử dụng điện thoại trong vòng hai tháng, tật mắt lé dần biến mất. Từ đó có thể khẳng định mối liên hệ giữa tật mắt lé và việc sử dụng điện thoại.
Các nhà nhiên cứu khuyên những người sử dụng điện thoại nói chung không nên nhìn vào màn hình điện thoại liên tục trong 30 phút và nếu trẻ em có biểu hiện lệch hướng nhìn cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức.
Một cuộc khảo sát của các sinh viên Hàn Quốc vào năm ngoái cho thấy có tới 72% trẻ em sỡ hữu một chiếc điện thoại thông minh từ khi lên 11 tuổi và chúng sử dụng điện thoại trung bình 5,4 tiếng một ngày. Hậu quả là, có tới 25% trẻ em bị mắc bệnh “nghiện” điện thoại thông minh.
Tật mắt lé chỉ là một trong những phát hiện gần đây nhất của các nhà khoa học liên quan tới tác hại của điện thoại đối với người sử dụng. Trước đó, các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về các bệnh khác gây ra bởi điện thoại di động:
Gù lưng: Trẻ em có thể bị gù lưng và vẹo xương sống vì sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng nhiều giờ đồng hồ liên tiếp, bác sĩ chuyên điều trị các bệnh về xương khớp cho biết năm 2015.
Mắt lé: Theo nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2016, sử dụng điện thoại di động quá nhiều khiến trẻ em mắc tật mắt lé. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị không nên cho trẻ dùng điện thoại hoặc máy tính bảng liên tục trong 30 phút.
“Nướng chín” tinh trùng: Trong năm 2016, các chuyên gia nghiên cứu về sinh sản cảnh báo rằng nam giới sử dụng điện thoại nhiều hơn một tiếng một ngày là đang tự “nướng chín” tinh trùng của mình. Ngoài ra tinh trùng của những người này cũng sẽ bị yếu đi và khó có khả năng thụ thai.
Dị ứng: Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy các chất nikel, crom, và coban có trong hầu hết cấu tạo của điện thoại thông thường đều có thể gây kích ứng da. Có ít nhất 37 chất hóa học trong một chiếc điện thoại có liên quan tới các bệnh viêm da.
Suy nhược tinh thần: Vào năm 2015, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về tâm lý trẻ em cho biết “máy tính, internet và điện thoại thông minh” có thể gây ra những chấn thương tâm lý cho những người sử dụng trẻ tuổi.
Theo Ngày Nay