Tờ Nikkei Nhật Bản ngày 15/11 cho hay ngày 9/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cho biết "mong muốn cùng ông Trump nỗ lực thực hiện nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng", "quản lý, kiểm soát bất đồng theo phương thức mang tính xây dựng".
Bất kể là "xung đột" hay "bất đồng", những điều này đều là những từ ngữ "không phù hợp lắm với điện mừng". Trên thực tế, 8 năm trước trong thời điểm ông Barack Obama lần đầu tiên trúng cử Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Hồ Cẩm Đào đã gửi điện mừng và không hề xuất hiện những từ ngữ này.
Từ điện mừng gửi cho ông Donald Trump có thể nhìn ra được thái độ tích cực của ông Tập Cận Bình đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, đó là trên cơ sở thẳng thắn thừa nhận giữa Trung-Mỹ còn tồn tại bất đồng, bày tỏ hy vọng triển khai đối thoại, không muốn làm gia tăng đối đầu.
"Từ bỏ TPP" rất hợp ý Trung Quốc
Bối cảnh của nó là giữa Trung Quốc và chính quyền Barack Obama tồn tại khá nhiều bất đồng, chẳng hạn vấn đề Biển Đông, tấn công mạng, triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, bán vũ khí cho Đài Loan, vấn đề dân chủ ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Tây Tạng, các vấn đề nhân quyền...
Là trạng thái lý tưởng của quan hệ Trung-Mỹ, quan điểm "quan hệ nước lớn kiểu mới" mà ông Tập Cận Bình ra sức khởi xướng cũng hoàn toàn không được ông Barack Obama chấp nhận.
Trong tranh cử Tổng thống, bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ Mỹ cùng với ông Barack Obama, được cho là sẽ không thay đổi lớn chính sách của chính quyền Obama.
Bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Barack Obama, từng xảy ra tranh cãi gay gắt với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì về vấn đề Biển Đông (năm 2010). Nếu bà Hillary Clinton trúng cử Tổng thống thì bà có thể áp dụng thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Mặt khác, chính sách của ông Donald Trump vẫn có rất nhiều phần hầu như chưa có gì. Mặc dù có nhiều lo ngại về việc tìm hiểu chính sách của ông, nhưng Trung Quốc vẫn có rất nhiều không gian để tiến hành thuyết phục.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc cho rằng một số người Trung Quốc yêu thích Donald Trump hơn. Đối với Trung Quốc, ông Donald Trump có thể là Tổng thống Mỹ tiếp theo đáng hoan nghênh.
Ngoài ra, ông Donald Trump thể hiện rõ tư thế “coi trọng trong nước”. Ông Tập Cận Bình, người đề xuất thực hiện "phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa", đương nhiên coi đây là một cơ hội để tăng cường vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, nhất là ở châu Á.
Đặc biệt, việc ông Donald Trump cho biết sẽ rút khỏi Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất hợp ý của Trung Quốc.
Mỹ lãnh đạo xây dựng TPP thực ra là muốn xây dựng một bộ quy tắc quốc tế loại Trung Quốc ra ngoài. Ông Barack Obama từng nhấn mạnh ý nghĩa của TPP là "không thể để các nước như Trung Quốc viết ra các quy tắc kinh tế toàn cầu".
Mặt khác, ông Tập Cận Bình thông qua thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) và thúc đẩy thực hiện sáng kiến "Một vành đai, một con đường" là để thúc đẩy xây dựng cấu trúc kinh tế toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo. Nếu Mỹ rút khỏi TPP và làm cho TPP không có hiệu lực, Trung Quốc chắc chắn sẽ gấp rút xây dựng ra các quy tắc có lợi cho họ.
Trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nhiều lần đưa ra các phát ngôn mang tính kỳ thị sắc tộc và tôn giáo. Đối với Trung Quốc, điều này xem ra có thể cũng là một cơ hội. Bởi vì, cùng với việc ông Donald Trump trúng cử, như Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đã viết trên Twitter rằng "thế giới có lẽ sẽ đi theo hướng kỳ dị, khó đoán hơn". Vai trò ảnh hưởng của Mỹ - một nhà lãnh đạo của thế giới đã bị nghi ngờ.
Đối với Trung Quốc, nước cho rằng "chủ nghĩa tự do" không phù hợp với Trung Quốc, bất kể là tài liệu tuyên truyền đối ngoại hay thúc đẩy quản lý trong nước, ông Donald Trump đều "xứng đáng" là nhà lãnh đạo Mỹ được hoan nghênh.
Cùng với việc chuyển giao chính quyền, nền chính trị Mỹ sẽ xuất hiện "khoảng trống", Trung Quốc có thể cho rằng cần phải nắm lấy thời cơ này, tăng cường gây sức ép với các nước ngoài Mỹ.
Lo ngại "chủ nghĩa bảo hộ" của Donald Trump
Đương nhiên, ông Donald Trump là người ngoài cuộc trong chính giới Mỹ, nay đã trở thành Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, bộ mặt đội ngũ chính sách và nắm quyền của ông Donald Trump đều hầu như mới lạ, nhân tố không xác định vẫn rất nhiều.
Hiện nay, Trung Quốc có thể đang tiến hành nghiên cứu, điều lo ngại của họ là các phát biểu mang tính chất "chủ nghĩa bảo hộ" của ông Donald Trump.
Sau khi ông Donald Trump trúng cử không lâu, Tân Hoa xã đăng bài bình luận cho rằng: "Đối sách giải quyết vấn đề trong tương lai của ông Donald Trump nên là thực hiện tái cân bằng môi trường kinh tế xã hội trong nước, chứ không phải lấy cộng đồng quốc tế ra là 'người chịu tội thay'".
Từ bài bình luận này của Tân Hoa xã sẽ không khó để nhìn ra được sự cảnh giác của chính quyền Tập Cận Bình, đó là cho rằng Trung Quốc có thể sẽ bị biến thành "người chịu tội thay" của chính quyền Donald Trump.
Trên thực tế, trong tranh cử, ông Donald Trump đã thường xuyên lấy Trung Quốc làm đối tượng để tấn công. Ông nói: "Trung Quốc đã cướp đi rất nhiều việc làm của Mỹ", "sẽ đánh thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc", "sẽ yêu cầu Bộ trưởng Tài chính xác định Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá hối đoái"...
Mặc dù trong lòng biết rõ nếu ông Donald Trump thực sự trở thành Tổng thống thì sẽ buộc phải tìm kiếm chính sách mang tính hiện thực, nhưng Trung Quốc có lẽ vẫn cảm thấy bất an.
Kinh tế Trung Quốc hiện nay đã mất đi thế phát triển mạnh mẽ trước đây, đã bị tác động xấu nghiêm trọng bởi năng lực sản xuất dư thừa và xử lý nợ lớn. Ông Tập Cận Bình gọi đây là "trạng thái bình thường mới", cho rằng đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc trong tương lai, sáng tạo cực kỳ quan trọng.
Trung Quốc cần tới công nghệ mũi nhọn và kinh nghiệm của Mỹ. Điều đặc biệt quan trọng là, đối với Trung Quốc, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đồng thời là nước đối tác kiếm được nhiều thặng dư thương mại nhất. Nếu xét tới tình hình này, Trung Quốc thực sự mong muốn tránh va chạm với Mỹ về kinh tế.
Chính vì vậy, trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Trung Quốc chắc chắn sẽ dựa vào các thông tin thu thập được, tăng cường tiến hành thuyết phục ông Donald Trump để làm sao có lợi cho Trung Quốc.
Theo các phương tiện truyền thông tiếng Trung quốc tế, ngay trong thời gian tranh cử Tổng thống, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một phái đoàn đặc biệt đến Mỹ.