Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Nga, người từng trải qua 3 nhiệm kỳ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội Nông Dân TP Đà Nẵng, người nổi tiếng với những phản biện sắc sảo, thắng thắn và gai góc về những vấn đề tại đô thị lớn nhất miền Trung.
Với trải nghiệm nhiều năm trong vai trò của một đại biểu dân cử và cũng là một người Đà Nẵng gốc, một Đảng viên Đảng Cộng sản, ông Nga chứng kiến và cảm nhận rõ nét quá trình thay đổi, vươn lên của thành phố quê hương, từ chỗ một đô thị lạc hậu trở thành "thành phố đáng sống nhất Việt Nam".
Nhưng rồi ít năm qua, thành phố đáng sống ấy lại nổi lên như một ví dụ xấu về câu chuyện thao túng quyền lực, cánh hẩu, lợi ích nhóm. Hàng loạt quan chức Đà Nẵng và gốc Đà Nẵng bị kỷ luật, khởi tố vì những vi phạm, sai phạm trong quá trinh thực thi công vụ tại thành phố này.
Đó hẳn là một thực tế buồn với những người con Đà Nẵng, nặng tình với Đà Nẵng và yêu Đà Nẵng - như ông Nga.
VietTimes: Như ông đã biết, TP Đà Nẵng trong hơn một thập niên trước từng được coi là thành phố “đáng sống”, thành phố trẻ đầy năng động, không chỉ nhìn từ góc độ phát triển kinh tế- xã hội, mà còn ở góc độ văn hóa và bộ máy hành chính công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, TP có rất nhiều biến cố có thể nói là chưa từng có khi hàng loạt cán bộ cấp cao đương nhiệm và cả về hưu xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau; tình trạng vi phạm đất đai, quản lý xã hội có nhiều vấn đề. Và vì vậy nên có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng không còn là TP “đáng sống” ở nhiều góc độ từ từ bộ máy công quyền cho đến trật tự xã hội. Theo ông, nhận xét này như thế nào? Và đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng như hiện nay?
Ông Nguyễn Quang Nga: Theo tôi, hậu quả mà chúng ta thấy được từ 2017 đến bây giờ là chuyện không có gì lạ. Vì quá trình dẫn đến hậu quả này là từ hàng chục năm trước. Nó xuất phát từ chỗ bộ máy nhà nước ở TP Đà Nẵng từ các cấp đều không phát huy được dân chủ, thiếu đấu tranh mà dẫn đến như vậy.
Khi không có dân chủ, thiếu đấu tranh, những người lãnh đạo cao nhất của chính quyền đã lộng hành, độc đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo. Còn các tập thể thì không phát huy được tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình, không dám đấu tranh mới sinh ra vậy. Điển hình nhất ở Đà Nẵng là trong lĩnh vực đất đai.
Việc không dám đấu tranh đã dẫn đến vi phạm điều lệ Đảng ngày càng tăng lên và cuối cùng dẫn đến kết cục này. Không chỉ vậy, về công tác cán bộ ở Đà Nẵng đã có dấu hiệu ê kíp, địa phương chủ nghĩa. Trong khi các Ban tổ chức, các cơ quan chức năng đều làm theo mệnh lệnh của lãnh đạo, chứ không làm theo chức trách, nhiệm vụ được phân công nên cũng dễ hiểu khi trong thời gian qua có nhiều đồng chí trong bộ phận tham mưu chịu trách nhiệm và bị kỷ luật.
Từ đó, có bài học cần rút kinh nghiệm là người tham mưu cho chính quyền không chỉ là ngồi ghi lại mà phải có trách nhiệm ý kiến, phản biện về những việc làm sai của lãnh đạo chứ không thể chấp hành, tuân thủ với cả cái sai của vị lãnh đạo ấy.
Tại Hội nghị TƯ 8 vừa qua Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với BCH TƯ xem xét, ban hành một Quy định mới về đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu yêu cầu từng Ủy viên TƯ phải gương mẫu đi đầu thực hiện quy chế này và phải nghiêm khắc với bản thân.
Nếu chiếu vào thực tế của Đà Nẵng, chúng ta thấy rằng, mặc dù đã có Điều lệ Đảng, cũng như các quy định khác của Đảng, tất cả khá chặt chẽ. Nhưng rồi sai phạm nghiêm trọng của những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đà Nẵng như: Nguyễn Xuân Anh, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến… cho thấy những quy định như vậy là chưa đủ tính răn đe. Vậy theo ông, Quy định mới về đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên sẽ có tác động như thế nào đến cán bộ, đảng viên?
- Theo tôi, các quy định đó đều được rút ra từ thực tế lãnh đạo, điều hành. Điều lệ Đảng cũng đã có rồi, nhưng quy định cụ thể hơn để giám sát Đảng viên, từ đó có cơ sở để đánh giá. Trung ương đã có những quy định cho cán bộ cấp Bộ Chính trị, Ủy viên TƯ, nhưng cũng cần quy định cho các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt vì hầu hết các khuyết điểm từ nhỏ đến lớn đều phát sinh từ các cấp, từ cán bộ chủ chốt nên điều này rất cần thiết.
Chuyện vừa qua ở Đà Nẵng có thể nói là chưa có tiền lệ và xưa chưa có quy định thì nay đã có quy định thì các vị ấy phải chấp hành, phải tuân thủ. Nhưng theo tôi cần làm rõ chế tài đối với những người không nêu gương, cần quyết liệt hơn, mạnh hơn để có hiệu quả thực thi. Bởi trong thực tế thời gian qua, chúng ta đã buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát và không có chế tài cụ thể nên cũng sẽ khó đảm bảo thực hiện nghiêm nếu không rõ về chế tài và thực thi.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an khám xét nhà cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh vì những sai phạm liên quan đến công tác quản ly nhà nước về đất đai liên quan đến Vụ án Vũ "nhôm"
|
Vậy theo ông để Nghị quyết TƯ 8 đi vào thực tế, các cấp ủy đảng cần làm gì?
- Theo tôi, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ràng buộc được các cán bộ, Đảng viên chấp hành quy định thì cần nhất là phải quán triệt, phải thông suốt từ trên xuống dưới, đồng thuận, dân chủ. Và tiếp đó là tất cả bộ máy vào cuộc giám sát các hành vi của cán bộ chủ chốt các cấp từ Trung ương đến địa phương, từ cấp thành phố đến quận, huyện. Khi làm tốt sẽ chuyển động toàn hệ thống.
Chứ trên không gương mẫu thì bên dưới cũng khó có thể làm mạnh. Và chuyện xảy ra ở Đà Nẵng cũng có một phần do cấp trên không gương mẫu. Chuyện làm đúng là khó, mà làm sai lại có lợi ích, lại dễ làm hơn nên cán bộ cứ vậy làm sai. Chính vì vậy cần có kỷ luật mạnh, rõ ràng, công khai. Cần nhất là giám sát, kiểm tra, trách nhiệm của địa phương cũng có mà trách nhiệm của Trung ương cũng có trong công tác quản lý cán bộ, buông lỏng quản lý từ đó mới có chuyện cán bộ lãnh đạo tự tung tự tác và sai phạm đến như vậy.
Đối với những sai phạm về các công tác cán bộ và quản lý đất đai ở Đà Nẵng, chính các cơ quan Ban Đảng Trung ương tại khu vực biết, nhưng lại không chỉ ra sai phạm, không báo cáo cấp trên, không có ý kiến mà dung túng, cho đến khi sai phạm ngày càng trở nên trầm trọng và hậu quả là một Bí thư Thành ủy và hai cựu Chủ tịch UBND TP bị kỷ luật, khởi tố.
Quay lại chuyện của Đà Nẵng thì có thể nói Vũ “nhôm” là “điển hình” của hiện tượng quyền lực bị thao túng được không thưa ông? Và có thì theo ông, vì sao một bộ máy nhà nước như Đà Nẵng chưa từng có tiền lệ khi một loạt các cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng như: Nguyễn Xuân Anh, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến… vẫn bị người này thao túng?
- Lý do nằm ở chỗ những người lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật. Các quyết định chủ yếu là lợi ích nhóm, làm lợi, làm giàu cho cá nhân mình. Và điều này đã làm các cán bộ lãnh đạo mất phẩm chất, tư tưởng ăn chia,… Khi những cán bộ này sa vào "quỹ đạo" này thì không thoát ra được do không bị đấu tranh, phê bình. Cứ như vậy, những cán bộ này ngày càng lâm vào vòng xoáy đó, để rồi ngày càng lún sâu vào vi phạm nghiêm trọng hơn và kết cục là như chúng ta đã thấy.
Tuy nhiên cũng phải nói, để làm được điều này, đã có sự dung túng, chống lung nên mới có chuyện lộng hành, ngạo mạn… Và với những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy chính Vũ “nhôm” đã thao túng chính quyền. Và kết cục là ông Minh, ông Chiến, ông Xuân Anh lâm vào sai phạm và kết cục là không chỉ những vị này mà kéo theo nhiều cán bộ cấp Sở, tham mưu cũng dính theo,…
Từ câu chuyện của Vũ “nhôm” cho chúng ta thấy rằng, quyền lực nếu không được giám sát chặt chẽ thì rất dễ bị tha hóa, không chỉ làm hư hỏng cán bộ mà còn gây ra những hậu quả khôn lường. Vậy theo ông thì quyền lực ở TP chúng ta nên được giám sát như thế nào, hay nói một cách khác là làm thế nào để giám sát được việc làm của cán bộ, nhất là những lãnh đạo cấp cao của TP?
- Theo tôi, nguyên nhân của cán bộ hư hỏng là do việc bố trí cán bộ sai, dẫn đến sai phạm của cán bộ là sai phạm của không chỉ của cấp địa phương mà của cả cấp trung ương.
Bây giờ chúng ta phải xáp vô, sắp xếp lại công tác cán bộ, đẩy mạnh quy chế phát huy dân chủ, tập trung dân chủ, giám sát, đánh giá Đảng viên. Mọi Nghị quyết của cấp ủy phải được thống nhất, công khai, lấy ý kiến đồng thuận trên cơ sở dân chủ từ cấp Thành ủy, UBND,.. có như vậy mới giám sát được
Còn nếu độc đoán chuyên quyền sẽ phải mắc tiếp sai lầm. Khi đã chuyển biến được dân chủ trong tổ chức thì sẽ tạo ra sức mạnh, cá nhân muốn lộng quyền, lộng hành cũng không thể làm được.
Thêm nữa, lãnh đạo cấp cao phải được giám sát, chấn chỉnh ngay từ đầu khi manh nha sai sót, có tư tưởng sai lệch,.. chứ không nên để khi xảy ra sai phạm rồi đi xử lý, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình chung, ảnh hưởng đến quản lý điều hành và nhất là ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Chúng ta phải ngăn chặn ngay từ đầu, chuyện đã xảy ra ở Đà nẵng là bài học xương máu rồi, nên điều cần nhất là phải phát huy dân chủ, khi đó mới phát huy được trí tuệ, khi đó mới ngăn chặn được “đại lưu manh” chi phối, khi đó mới ngăn chặn được lãnh đạo lạm quyền. Và khi đó các nghị quyết của tổ chức mới có tính thực thi tốt hơn và hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông!