Những “ông lớn” nào tham gia chiến dịch tẩy chay Facebook?

VietTimes – Nhiều công ty hùng mạnh đa quốc gia bao gồm Coca-Cola, Starbucks, Verizon và Unilever… đã hợp tác để tẩy chay quảng cáo trên Facebook.
Đã có tới trên 160 công ty hùng mạnh đa quốc gia hợp tác để tẩy chay quảng cáo trên Facebook (Ảnh: Internet)

Những công ty "ông lớn" này cho rằng doanh nghiệp vận hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các biện pháp để loại bỏ ngôn từ kích động thù địch. Danh sách các công ty đã tham gia chiến dịch Stop Hate for Profit bằng cách tuyên bố tạm dừng quảng cáo của họ trên Facebook trong tháng 7/2020 hay cá biệt hơn cho đến hết năm nay như Unilever ngày càng tăng.

Giá cổ phiếu của Facebook đã giảm 8,31% (7,2 tỷ USD Mỹ) ngay sau tuyên bố tẩy chay phát đi từ Unilever và hơn 160 công ty dự tính giảm chi tiêu ngân sách của họ cho việc quảng cáo trên Facebook, nhưng liệu điều đó đủ để buộc Facebook phải thay đổi chính sách?

Chiến dịch Stop Hate for Profit

Chiến dịch Stop Hate for Profit được các tổ chức Free Press và Common Sense, cùng với các tổ chức dân quyền Hoa Kỳ như Color of Change, Liên đoàn Chống phỉ báng, Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) tiến hành sau cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát thành phố Minneapolis.

Một trong những mục tiêu của nó là gây áp lực công khai và tài chính lên Facebook để ngăn chặn việc tạo doanh thu quảng cáo từ nội dung liên quan đến hận thù và họ tin rằng cách tốt nhất để làm điều đó là đánh vào nguồn lợi nhuận của công ty này.

Facebook kiếm được khoảng 98% doanh thu hàng năm trong tổng 70 tỷ đô la từ quảng cáo và thông báo của Unilever đã làm cổ phiếu Facebook giảm đáng kể chỉ trong một ngày.

Chiến dịch cho rằng họ đang hành động chống lại “lịch sử lâu dài của Facebook trong việc cho phép nội dung phân biệt chủng tộc, bạo lực và sai lạc có thể kiểm chứng được chạy lan tràn trên nền tảng của nó”.

Chiến dịch “The Stop Hate for Profit” này đã quy trách nhiệm cho Facebook do những hành động: Bằng cách cho phép các bài viết kích động bạo lực chống lại người biểu tình của phong trào Black Lives Matter; Đánh dấu trang web cực hữu Breitbart News trở thành "nguồn tin đáng tin cậy"; Không công nhận hoặc xóa bỏ sự kiện Holocaust (sự kiện diệt chủng người Do thái trong Thế chiến thứ 2); Cho phép nền tảng được sử dụng như một phương tiện để đàn áp việc bỏ phiếu rộng rãi, sử dụng thông tin sai lệch nhắm mục tiêu nhắm vào cử tri da đen.

Facebook kiếm được khoảng 98% doanh thu hàng năm trong tổng 70 tỷ đô la từ quảng cáo (Ảnh: Internet)


Những "ông lớn" nà
o tham gia chiến dịch?

Chiến dịch Stop Hate For Profit đã ra mắt vào tuần trước, bắt đầu với các thương hiệu thể thao nổi tiếng như The North Face và Patagonia. Sau đó, Ben&Jerry's và Magnolia Picture cũng tham gia tẩy chay Facebook. Đỉnh điểm là sự tham gia của Coca-Cola và Unilever vào tuần vừa rồi.

Stop Hate for Profit đã thu hút sự hỗ trợ rất lớn từ các công ty lớn của Mỹ và ngày càng phát triển nhanh chóng. Các nhà tổ chức hiện đang chuẩn bị thực hiện chiến dịch trên toàn cầu.

Trong số 160 công ty đang tham gia chiến dịch, có khá nhiều cái tên “đình đám” đã tạm dừng quảng cáo của họ trên nền tảng Facebook: Chuỗi cà phê Starbucks, Unilever - công ty khổng lồ về hàng tiêu dùng châu Âu; Coca-Cola; Công ty điện thoại di động Verizon; Các công ty may mặc và thiết bị ngoài trời Patagonia, Arc'teryx, North Face, JanSport, Eddie Bauer và REI Hershey; Công ty tuyển dụng Upwork; Hãng phim Magnolia Pictures; Trình quản lý mật khẩu Dashlane; Bộ phận của Công ty Honda ở Mỹ (cũng như Unilever, hãng cũng chỉ rút quảng cáo ở Mỹ); Nhà sản xuất quần jean Levi Strauss; Nhà thiết kế quần áo Eileen Fisher...

Nhiều nhãn hàng quyết liệt vào cuộc tẩy chay Facebook (Ảnh: Internet)

Facebook có lẽ đã không tạo ra cuộc khủng khoảng như vừa rồi nếu như họ tích cực hơn để ngăn chặn nó. Vào cuối tháng 5, hàng loạt thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và những hành động bạo lực của lực lượng cảnh sát Mỹ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook.

Trong giai đoạn này, Facebook từ chối đưa ra hành động cụ thể để ngăn chặn thông tin sai sự thật hoặc xử lý ngôn từ thù địch. Ngược lại, mạng xã hội Twitter mạnh tay "đánh dấu" nội dung của Tổng thống Trump là “thông tin dễ gây hiểu nhầm và kích động bạo lực”.

Tuy nhiên, lập trường của Facebook đã thay đổi. Vào thứ sáu 26/06/2020, chỉ vài giờ sau khi Unilever tuyên bố sẽ rút quảng cáo trên Facebook, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố rằng công ty sẽ bắt đầu “dán nhãn” (label) nhằm đánh dấu mức độ đáng tin cậy những nội dung vi phạm chính sách của mình trong cuộc bầu cử tháng 11 tới của Hoa Kỳ.

Mark Zuckerberg cũng cho biết sẽ “dán nhãn” tất cả các bài đăng và quảng cáo về việc bỏ phiếu với các liên kết đến thông tin chính xác.

Hôm qua, ngày chủ nhật 28/6/2020, Facebook đã thừa nhận còn có nhiều việc phải làm, và nói rằng họ đang hợp tác với các nhóm dân quyền và các chuyên gia để phát triển nhiều công cụ tốt hơn nhằm phân loại và phát hiện những ngôn từ kích động hận thù.

Facebook được cho rằng đã đầu tư nhiều vào trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence - AI), cho phép nền tảng mạng xã hội này tìm thấy 90% ngôn từ thù hận trước cả khi người dùng báo cáo cho họ. Tuy nhiên với nhiều người, điều đó vẫn là chưa đủ và họ mong muốn Facebook cần tích cực và có trách nhiệm hơn nữa.