Những người đứng đầu các công ty công nghệ như Facebook, YouTube, Snapchat có thể bị bêu tên để họ cảm thấy xấu hổ

VietTimes – Thông tin từ The Guardian cho biết chính phủ Anh đang có kế hoạch bắt giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm hoặc bị bêu tên nếu không kiểm soát được các nội dung độc hại trên nền tảng mạng xã hội của họ.
Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg (ảnh: Drew Angerer/Staff)

Các Giám đốc điều hành của Facebook, YouTube và Snapchat và các công ty công nghệ lớn khác có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân về những nội dung độc hại trên các dịch vụ của họ. Đây là một kế hoạch của chính phủ Anh mà tờ The Guardian đã nghe ngóng được.

Mặc dù thông tin xoay quanh vấn đề này còn chưa nhiều, nhưng nguồn tin mà The Guardian có được cho thấy các Giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu công ty của họ không xóa nội dung liên quan đến khủng bố, lạm dụng trẻ em, tự gây thương tích và tự tử.

Chính phủ Anh đang xem xét hình phạt cho các vi phạm, không loại trừ khả năng kết án hình sự. “Chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn có thể cho hình phạt”, Jeremy Wright, Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Vương quốc Anh nói với phóng viên BBC hồi tháng 2.

Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố điều luật mới của mình vào ngày thứ Hai tới (8/4). Điều luật này sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các công ty công nghệ tại Anh. Tờ Business Insider cho biết điều luật vẫn đang ở dạng bản thảo và chỉ hoàn thiện vào tuần tới.

Bộ trưởng Kỹ thuật số của Anh Margot James nói với Business Insider vào cuối tháng 2 rằng chính phủ sẽ thành lập một cơ quan quản lý công nghệ mới, có quyền áp đặt tiền phạt khổng lồ đối với các công ty như Facebook và Google nếu họ không loại bỏ các nội dung độc hại trên nền tảng của họ.

Bà Margot James cho biết số tiền phạt có thể lên tới 4% doanh thu toàn cầu của một công ty, nghĩa là có thể lên đến hàng tỷ USD trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Theo tờ The Guardian, ban đầu chính phủ Anh sẽ yêu cầu cơ quan Ofcom giám sát các công ty công nghệ. Về lâu dài, họ sẽ thành lập một cơ quan độc lập, hoạt động dựa trên nguồn tài chính thu được từ việc đánh thuế các công ty công nghệ.

Không chỉ các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook mà ngay cả các dịch vụ nhắn tin trực tuyến và các trang web lưu trữ tệp cũng phải chịu sự giám sát.

Động thái của chính phủ Anh diễn ra trong thời điểm nhiều chính phủ trên khắp thế giới đang phải vật lộn đối phó với sự phát triển của các nội dung độc hại và ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội. Điều này đã thúc đẩy các chính phủ phải có các chế tài mạnh mẽ hơn đối với các công ty công nghệ. Có mấy vấn đề cần phải giải quyết:

Thứ nhất, quyền lực thông tin hiện đang tập trung vào tay một số công ty của Mỹ là Facebook, Google, Amazon, Twitter và Snapchat. Các công ty này chỉ là số ít nhưng lại nắm quyền lực thông tin rất khủng khiếp. Bất cứ sự lỏng lẻo nào của họ cũng gây ra hậu quả rất tai hại.

Thứ hai, là các nội dung xấu độc và cách người trẻ tuổi sử dụng Internet. Facebook và một số công ty khác đã bị chỉ trích mạnh mẽ khi họ để cho một video truyền trực tiếp vụ tàn sát ở Christchurch, New Zealand phát tán trên nền tảng của mình. Một thiếu nữ người Anh đã tự giết mình sau khi xem các video trên mạng xã hội. Cha mẹ cô gái này nói rằng cô đã nhiều lần tự rạch tay gây tổn thương cho cơ thể sau khi xem các nội dung độc hại trên Instagram.

Chính phủ Úc cũng đang cân nhắc các quy định nghiêm ngặt, kể cả hình phạt bỏ tù đối với các giám đốc công nghệ nếu công ty của họ không xóa các nội dung độc hại.

Người phát ngôn của Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ sớm xuất bản Sách trắng, trong đó sẽ nêu ra trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến, cách đáp ứng các trách nhiệm này và các hình phạt nếu họ không tuân thủ. Chúng tôi đã nhận được nhiều lời kêu gọi phải thành lập một cơ quan chuyên trách, và chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này”.