Những người cứu trẻ

Trong hồi ức cuộc chiến, ông luôn dùng cụm từ “người lính phía bên kia”. Ngồi vỉa hè Hà Nội chiều cuối tháng 4.2016, ông cười: “Người chiến thắng phải là người đại nghĩa. Huống chi cùng máu đỏ da vàng”.
Nhóm trinh sát của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, ông Luân là người đầu tiên bên phải Ảnh: Khuất Quang Thụy
Nhóm trinh sát của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, ông Luân là người đầu tiên bên phải Ảnh: Khuất Quang Thụy

Ông là Nguyễn Trọng Luân, cựu chiến binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 hiện đang nghỉ hưu tại Mỹ Đình, TP.Hà Nội.

Tờ giấy chứng nhận ở Phú Yên

“Đứa bé ấy nếu còn sống, giờ đã 41 tuổi và tôi rất muốn gặp lại hai bố con”, ông Luân thầm thì như vậy với tôi, trước khi chầm chậm mở lại ký ức về ngày 28.3.1975 ở ven nhánh sông lấy nước từ sông Ba vào đập Đồng Cam (Phú Yên): Khoảng 5 giờ chiều, nhóm trinh sát của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, gồm 5 người do trung đội trưởng Luật (quê Phổ Yên, Thái Nguyên) đang ngồi nghỉ, bỗng khoảnh ruộng sát chân cựa quậy, cả nhóm chồm dậy chĩa súng. Tổ trưởng Luật giương súng AK bắn một loạt chỉ thiên, quát: “Ai!”. Từ ruộng rùng rùng đứng dậy người thanh niên khoảng 27 - 28 tuổi, lòng khòng trong bộ quần áo rằn ri lấm lem bùn đất và hai tay ôm chiếc làn nhựa màu đỏ, lót kín xung quanh bằng những mảnh ni lông màu xám, giọng run rẩy: “Thưa ông! Con xin các ông…”.

 
 
Trong mịt mù lửa đạn chiến tranh, chúng tôi ai cũng muốn bảo toàn mạng sống để về với gia đình người thân, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ngoảnh mặt trước mạng sống con trẻ, người dân

Trong mịt mù lửa đạn chiến tranh, chúng tôi ai cũng muốn bảo toàn mạng sống để về với gia đình người thân, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ngoảnh mặt trước mạng sống con trẻ, người dân

Trong mịt mù lửa đạn chiến tranh, chúng tôi ai cũng muốn bảo toàn mạng sống để về với gia đình người thân, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ngoảnh mặt trước mạng sống con trẻ, người dân

Cả nhóm nhào xuống ruộng và cùng giật mình lùi lại: Trong làn một hài nhi rất bé, mắt vẫn còn chưa mở, tay chân cựa quậy, miệng ọ ẹ.

Người thanh niên sụp xuống: “Thưa các ông! Con đưa vợ con chạy từ Quân khu 2 (thuộc VNCH, đóng quân và tác chiến tại Tây nguyên - PV) vợ con ngang đường bị xổ dạ rồi chết ngay. Các ông có bắt thì con xin chịu, nhưng xin gửi đứa bé, để nó được làm người”.“Chúng tôi nhìn nhau rồi quay đi chỗ khác, không thằng nào muốn mọi người thấy mình ứa nước mắt”, ông Luân nghèn nghẹn và lắc đầu: “Tôi nhớ nhất là lúc đạn pháo vút qua đầu, người lính kia (chàng thanh niên - PV) ôm chặt chiếc làn đỏ vào ngực, bật lên tức tưởi: Ối con ơi”.

 Kiểm tra đồ đạc, thấy toàn mảnh vải áo lính xé nhỏ lót thành chăn, gối, tã và 2 hộp sữa Con Chim. Trung đội trưởng Luật nổi tiếng là người cộc cằn, nhát gừng: “Thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương” và quát khẽ cả nhóm: “Thằng nào có cái gì thì đưa ra cho trẻ con”.

Thực ra, không cần phải lệnh, những người lính đã mở ba lô, góp mỗi người hộp sữa, chiếc khăn, thêm vào “gia tài” của bố con đứa bé vốn chỉ 2 hộp sữa Con Chim và mớ vải áo xám xé vụn làm thành chăn, gối, tã... Ông Luân bây giờ vẫn nhớ rành rọt những chữ ông đã viết vào tờ giấy, đưa cho người lính VNCH: “Chúng tôi là Quân giải phóng Trung đoàn 64 xác nhận người lính này do chúng tôi thả và nhờ bà con địa phương nuôi dưỡng đứa bé”. Sau đó, ông Luân còn nhận nhiệm vụ dẫn hai bố con vào ấp dân cư trong rừng dừa cách đó gần 100 m.

“Lúc ấy mình chỉ nghĩ du kích trong đó thấy mình thì sẽ không bắn hai bố con. Nghĩ lại mới thấy liều vì nếu trong đó có tàn quân địch thì sao”, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân kể vậy và trầm giọng: “Hình ảnh người bố ôm đứa con trong làn nhựa, đờ đẫn bước trên ruộng lúa đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tôi. Tôi cầu mong họ còn sống. Nếu còn, đứa bé ấy giờ đã 41 tuổi và người bố cũng gần 70”…


Những người cứu trẻ ảnh 3

Ông Nguyễn Trọng Luân kể lại hồi ức về những ngày tháng 4.1975 Ảnh: Mai Thanh Hải

Đứa bé dưới chân đèo cheo reo

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân sinh năm 1952 ở Phú Thọ. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Chế tạo máy, Đại học Cơ điện Bắc Thái (phân hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội), ông nhập ngũ và sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, hành quân vào nam chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Ngày 30.4.1975, ông cùng đồng đội giải phóng Sài Gòn và phục viên cuối năm 1975.

Bị thất bại ở Tây nguyên, ngày 14.3.1975, Tổng thống VNCH khi ấy ra lệnh triệt thoái cao nguyên, rút quân về co cụm ở đồng bằng duyên hải, khiến số quân còn lại ở Tây nguyên lũ lượt chạy về Tuy Hòa qua Cheo Reo (nay thuộc TX.Ayun Pa, Gia Lai). Sáng 18.3.1975, Trung đoàn bộ binh 64, 48 thuộc Sư đoàn 320 hình thành thế bao vây TX.Cheo Reo và trưa 19.3.1975, Cheo Reo thất thủ, Ayun Pa được giải phóng.

Chiều 19.3.1975, chiến sĩ Nguyễn Trọng Luân (lúc này là Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64) cùng đơn vị đóng quân ở đầu cầu Cây Sung (cách TX.Ayun Pa khoảng 3 km) và được cử xuống sông Bờ lấy nước nấu cơm. Vừa xuống mặt sông, chiến sĩ Luân nghe tiếng trẻ con khóc trong thùng xe chở quân dưới lòng sông nên lao đến, bới trong đống đổ nát tìm thấy bé gái khoảng hơn 1 tuổi, chỉ mặc một chiếc áo, trên người đầy máu và vết bỏng. Bế xốc đứa bé lên điểm trú quân, cả đơn vị bỏ việc nấu nướng, xúm lại chữa trị.

“Tôi vẫn nhớ cảnh anh Nguyễn Quang Chới (quê Chương Mỹ, Hà Tây) vừa khóc vừa lấy bông băng lau từng vết bỏng, đốm máu cho đứa bé”, chiến sĩ Nguyễn Trọng Luân, giờ đã 64 tuổi, nặng nhọc hồi tưởng và rít hơi thuốc: “Anh Chới khi ấy hơn 30 tuổi, có vợ con nhưng năm 1967 vẫn phải đi bộ đội. Đánh nhau gần 10 năm nên gan lì, cộc cằn, chẳng bao giờ bộc lộ cảm xúc. Chỉ lúc ấy, chúng tôi mới nhận ra anh là người tình cảm”.

Ông Luân kể tiếp: Khi vừa lau rửa xong cho cháu bé thì chúng tôi được lệnh hành quân. Do không thể đưa theo hoặc tìm người dân để gửi nên chúng tôi yêu cầu một tù binh là đại úy tâm lý chiến bế đứa bé đi vào khu vực hậu cứ của Trung đoàn 64, nằm cách đó không xa, trao cho bộ đội hoặc những người dân tản cư cũng trú nhờ trong đó. Cẩn thận, anh Chới cử một chiến sĩ bí mật theo sau quan sát động tĩnh và y rằng, phát hiện tên đại úy vứt em bé xuống đường, định bỏ trốn. Bộ đội ta nghe tiếng quát, ùa đến định đánh tên tù binh cho hả giận nhưng anh Chới ngăn lại: “Con đồng đội họ mà họ nỡ vứt thì họ không phải lính, chúng ta đừng chấp” và dẫn tù binh, bế em bé về hậu cứ.

“Tôi không chắc bé gái đó có tìm được cha mẹ, người thân hay không, nhưng tôi chắc chắn em bé đó sẽ được bộ đội cứu sống. Trong mịt mù lửa đạn chiến tranh, chúng tôi ai cũng muốn bảo toàn mạng sống để về với gia đình người thân, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ngoảnh mặt trước mạng sống con trẻ, người dân” - cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân rành rọt vậy và nghiêm nghị: “Chúng tôi là những người lính”.

Ông Lê Chí Thanh, cựu chiến binh Sư đoàn 320, hiện đang nghỉ hưu tại TP.Cao Bằng, kể: Tối 19.3.1975, ta làm chủ Cheo Reo. Anh Đinh Hữu Tấn, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) được giao Trưởng ban Quân quản thị xã. Vừa nhận nhiệm vụ, bỗng anh Tấn thấy một người đàn ông mặc quân phục VNCH dắt tay một phụ nữ chạy đến trước mặt vái lạy: “Trăm lạy các ông sĩ quan giải phóng, vợ tôi sắp sanh, xin hãy cứu vợ, con tôi!”. Lập tức, anh Tấn nhờ đến sự hỗ trợ của nữ y sĩ Lan (người Bắc Ninh), cán bộ đoàn công tác của Khu ủy Gia Lai - Kon Tum cùng tiếp quản Cheo Reo. Sáng 21.3, người lính VNCH quay lại cám ơn bộ đội đã giúp mẹ tròn con vuông và cho biết tên là Nguyễn Hữu Nghĩa, mới đi quân dịch, làm lái xe. Anh Nghĩa cũng xin phép được đặt tên con là Nguyễn Giải Phóng. Tiếp quản Cheo Reo được 3 ngày, trung đoàn lại hành quân theo đường 7 giải phóng Củng Sơn, thấy bộ đội giải phóng thiếu lái xe, anh Nghĩa mặc nguyên quần áo lính VNCH tình nguyện lái xe Jeep cho Chính ủy trung đoàn và người cần vụ Nguyễn Văn Niên (sau này là tiến sĩ luật, Chủ tịch HĐQT Trung tâm thương mại Sông Hồng tại Moscow, Nga), cho đến ngày giải phóng Củng Sơn (1.4.1975).

Mấy ngày ở Cheo Reo, biết có nhiều trẻ em thất lạc đang đói khát, bệnh tật, anh Tấn lệnh cho bộ đội mang cơm nắm, bình nước vào rừng cứu trẻ và đưa các em lên xe GMC chiến lợi phẩm về giao cho anh Ama Thương (Khu ủy viên Gia Lai - Kon Tum, người sau đó thay anh Tấn làm Trưởng ban Quân quản). Hàng trăm em đã được cứu thoát.

Theo Thanh niên