Những lưu ý khi chọn mua PC

Để có được một dàn máy tính chạy êm, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng, có khả năng mở rộng và chi phí đầu tư hợp lý, bạn cần quan tâm tới một số linh kiện thành phần chủ chốt.
Để có được một dàn máy tính chạy êm, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng, có khả năng mở rộng và chi phí đầu tư hợp lý, bạn cần quan tâm tới một số linh kiện thành phần chủ chốt.

1. Nguồn máy tính đủ mạnh

Power Supply Unit (PSU) - bộ nguồn máy tính, là một linh kiện đóng vai trò chuyển đổi dòng điện xoay chiều thành điện một chiều để cung cấp năng lượng cho máy tính vận hành. Và quá trình chuyển đổi này hiệu quả hay không phụ thuộc vào “công suất thực” của bộ nguồn đó, hầu hết các bộ nguồn máy tính có chất lượng tốt đều có công suất chuyển đổi đạt trên 80% - 80 PLUS và được chia thành nhiều cấp độ các nhau.

Một bộ nguồn máy tính nên chiếm khoảng 10% giá trị máy tính bạn mua. Một bộ nguồn tốt có khả năng đưa ra dòng điện ổn định, chịu tải tốt, vận hành êm ái, giúp tăng tuổi thọ cho các linh kiện sử dụng điện trong máy tính, và giúp mở rộng thêm khả năng nâng cấp trong tương lai.

Sử dụng nguồn máy tính công suất cao (VD: RM1000i, AX1200i,…) trong khi máy tính của bạn chỉ sử dụng khoảng 50% công suất không có nghĩa là bộ nguồn đó sẽ làm máy tính bạn bị “cháy”. PSU làm việc dựa trên nhu cầu sử dụng điện của máy tính bạn, cung cấp và thay đổi sao cho đúng mức tải phù hợp. Việc sử dụng một bộ nguồn 1000W cho một dàn máy tính chỉ sử dụng 450W có nghĩa là bộ nguồn đó không cần phải làm việc quá 50% công suất, và sẽ là một sự lãng phí khi không tận dụng được hết sức mạnh của PSU.

Mặt khác, một bộ nguồn phù hợp nghĩa là phải có công suất đủ để gồng gánh chiếc máy tính làm việc ổn định, nhưng không nên quá ít công suất để giúp bạn có được khả năng nâng cấp lâu dài sau này.

2. Lựa chọn cấu hình hợp lý

PC có khả năng tùy chỉnh module rất cao, đó chính là những gì tạo dựng nên sự phổ biến của PC để bàn. Việc lựa chọn linh kiện có thể thay đổi theo nhu cầu sử dụng của bạn. Bạn muốn chơi game “khủng” mượt hơn? Bạn muốn Render nhanh hơn? Hay chỉ đơn giản bạn không muốn máy tính mình đang dùng bị đơ bất chợt? Nâng cấp chiếc máy tính đang dùng thường sẽ là giải pháp, nhưng hãy dành thời gian để xem mình thực sự cần gì, tránh đầu tư lãng phí vào những linh kiện quá cao cấp hoặc thiếu đồng bộ.

Thực tế là các sản phẩm linh kiện máy tính ngày nay có tính tương thích rất cao, chúng có thể dễ dàng hoạt động cùng nhau một cách bình thường. Ví dụ: một dàn máy tính chạy bộ xử lý Intel Core i7 6950X đi đôi với card đồ họa GT730, hay một dàn chạy Pentium G4400 cùng vài card đồ họa RX480. Là một người tiêu dùng bình thường, có thể bạn sẽ nghĩ đây là sự sai lầm khi chọn một vi xử lý 24 triệu đồng để dùng cùng với một card đồ họa chưa đến 1,5 triệu, và cho đây là cấu hình gây “bottleneck” (nghẽn cổ chai) do chênh lệch hiệu năng và giá thành của hai sản phẩm là quá lớn, và bạn sẽ có xu hướng nghĩ rằng người bán máy tính đang cố gắng “thuốc gà” khách hàng của mình, thực chất không hẳn vậy. Lý do chúng tôi sẽ nói ở phía dưới.

Điều bạn cần nhớ khi lên cấu hình PC là “Lựa chọn linh kiện theo nhu cầu sử dụng”. Bạn trước khi đi mua máy tính thì NÊN tìm hiểu trước về những phần mềm mình sẽ sử dụng trên chiếc máy tính đó. Các phần mềm đồ họa, các tựa Game, các ứng dụng phục vụ nghiên cứu khoa học, học tập, làm việc… đều có thông tin về yêu cầu hệ thống (system requirement). Người bán máy tính tuy có kiến thức chuyên môn về máy tính, nhưng họ không phải “kỹ sư cầu nối”, và vì thiếu kiến thức chuyên ngành của bạn nên khó có thể giúp bạn lựa chọn được một bộ máy tính phù hợp. Và sẽ là sai lầm nếu bạn hoàn toàn tin tưởng giao phó cho người bán từ khâu lựa chọn linh kiện cho đến cài đặt phần mềm vào máy tính bạn mới mua. Đối với một người chưa từng sử dụng phần mềm này hay ứng dụng nọ như bạn, sai sót nhiều khi sẽ xảy ra, và đem lại sự không hài lòng cho bản thân, khi chính chiếc máy tính bạn bỏ tiền ra lại không đạt được nhu cầu của mình. Bạn hãy luôn nhớ, máy tính mình mua là cho mình dùng.

Quay trở lại vấn đề về CPU cao cấp i7 6950K đi với GPU GT730 thuộc loại giá rẻ, nếu đây là một dàn máy sử dụng chủ yếu cho các phần mềm Render 2D thì lựa chọn là hợp lý, vì chỉ tận dụng hiệu năng xử lý của CPU để làm việc cho nên việc đầu tư một card đồ họa mạnh là việc không cần thiết. Chiếc card đồ họa GT730 chỉ đóng vai trò xuất hình ra màn hình máy tính. Với một cửa hàng uy tín, việc bán một card đồ họa 1,5 triệu đồng không thể lãi bằng bán một card đồ họa hơn 17 triệu đồng, người được lợi trong trường hợp này là người tiêu dùng. Lựa chọn linh kiện dựa theo System requirement của nhà sản xuất phần mềm đề ra giúp bạn tiết kiệm được khoản chi phí không cần thiết, hình dung ra được cấu hình máy, cũng như hình dung được hiệu năng bạn sẽ có với một khoản đầu tư nhất định. 

Bạn nên dành thời gian để lên cấu hình máy tính, tham khảo System Requirement của phần mềm bạn định sử dụng, hỏi thêm ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp, những người có kinh nghiệm sử dụng máy tính, và nhân viên các đại lý máy tính để điều chỉnh linh kiện sao cho hợp lý trước khi ra quyết định đặt mua.


3. Coi chừng đầu tư tản nhiệt không phù hợp

Với một máy tính có cấu hình cao, việc đầu tư một tản nhiệt tốt là điều hết sức quan trọng. Dưới một cường độ công việc nhất định, máy tính thường sinh ra nhiều nhiệt trong quá trình sử dụng. Người dùng ngoài việc chú trọng vào cấu hình mình có, cũng nên chịu chi cho một bộ tản nhiệt hợp lý. Việc sử dụng tản nhiệt giúp cho máy tính của bạn được làm việc trong môi trường tối ưu, giúp làm tăng hiệu năng và kéo dài tuổi thọ cho linh kiện. 

Khi nhiệt độ tăng cao, một số linh kiện máy tính như CPU và GPU sẽ tự động giảm xung nhịp xuống để làm mát, làm giảm hiệu suất làm việc. Và khi nhiệt độ chạm đến mức giới hạn của nhà sản xuất (khoảng 92 độ C) thì máy tính sẽ tự tắt. Mặc dù đã có cơ chế bảo vệ an toàn, nhưng chúng ta không nên để linh kiện làm việc liên tục với nhiệt độ nóng. Nhiệt độ tối ưu cho CPU khi Under Load chịu tải là khoảng trên dưới 70 độ C. Với card đồ họa rời là dưới 80 độ C, với SSD và HDD là trên dưới 30 độ C. 

Trong các loại tản nhiệt thường được dùng hiện nay thì tản nhiệt nước AIO là một trong những phương pháp làm mát hữu hiệu nhất cho máy tính, với ưu điểm vận hành êm, hiệu quả cao, không quá cồng kềnh, dễ dàng lắp đặt và giá thành tương đối tốt.

Tản nhiệt nước custom, hay còn được gọi là “độ” tản nhiệt nước, là một trong những đỉnh cao của sự tùy biến, người dùng có thể lựa chọn nhiều loại linh kiện khác nhau để sử dụng cho hệ thống tản nhiệt của mình, bao gồm bơm, ống nối, các loại fitting, tank chứa nước, két làm mát, lựa chọn loại dung dịch làm mát, loại block để gắn trên CPU hoặc GPU… Ưu điểm của tản nước custom là có hiệu năng rất tốt, thẩm mỹ, nhưng có nhược điểm là giá thành còn cao, rủi ro nhiều trong quá trình lắp đặt cũng như di chuyển, việc thay nước và bảo trì vệ sinh hàng năm vẫn còn khiến nhiều người e ngại, nên thể loại này tại Việt Nam hiện chỉ hợp với nhu cầu sở thích cá nhân.

Tản nhiệt nước – thú chơi đẳng cấp cho Gaming PC

4. Giảm thiểu độ ồn

Độ ồn của máy là vấn đề ít được quan tâm, và bạn chỉ nhận ra sau một thời gian dài sử dụng máy tính. Tiếng ồn từ máy sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đàm thoại trong khi chơi game, ảnh hưởng đến việc nghe những âm thanh phát ra từ loa – những âm thanh như tiếng bước chân của kẻ thù có thể quyết định sự thắng thua của game thủ. Một chiếc máy tính làm việc ồn ào cũng có thể gây khó chịu cho những người xung quanh trong phòng.

Đó là những lý do để bạn nên đầu tư hợp lý cho việc giảm tiếng ồn cho dàn máy của mình. Một số lưu ý dưới đây giúp bạn cải thiện tiếng ồn: 

- Chọn mua các loại quạt làm mát có độ ồn thấp, và hạn chế số quạt nếu không cần thiết. Chỉ cần lắp từ 2 đến 3 quạt để tạo luồng không khí đối lưu trong thùng máy là đủ (chưa tính quạt tản nhiệt CPU). Những thương hiệu sản xuất quạt tên tuổi sẽ đề những thông số như số vòng quay, độ ồn lên trên bìa hộp để giúp bạn lựa chọn. 

- Bạn nên chọn mua bảng mạch có nhiều chân cắm quạt để sử dụng như điều tốc. Điều này sẽ vừa tiết kiệm được chi phí mua điều tốc quạt, cũng như để việc làm mát cho bo mạch chủ quyết định. Một bo mạch chủ ATX sẽ thường có đến từ 3 chân cắm quạt trở lên, và những chân cắm quạt này hoàn toàn có thể được điều khiển thông qua phần mềm của nhà sản xuất bo mạch chủ. 

- Chọn mua một thùng máy (case) kín, có khả năng cách âm tốt cũng sẽ giúp bạn giảm được phần nào độ ồn từ trong máy thoát ra, một case tốt được gia công chắc chắn sẽ hạn chế những linh kiện bị “rung lắc” trong máy. 

5. Windows 

Đa số người sử dụng cho rằng cài phiên bản hệ điều hành thấp như Windows 7 sẽ khiến máy tính trở nên “nhanh” và “nhẹ” hơn, thực chất không phải vậy. Hệ điều hành hơn 7  năm tuổi của Microsoft đã bị khai tử từ ngày 31/10/2016, và phải đối mặt với một loạt vấn đề về lỗ hổng bảo mật cũng như khả năng tương thích với phần cứng máy tính mới. Đa  số những nền tảng kiến trúc máy tính mới nhất hiện nay (Kaby lake + Pascal + Ryzen) chỉ hỗ trợ Windows 10 phiên bản 1607 đổ lại, đây sẽ là tin buồn cho những ai đang có những tựa game, những phần mềm phải hoạt động trên Windows 7 hoặc 8. Kể cả cho dù bạn có ép để cài Windows phiên bản cũ hơn lên chiếc máy mới thì vấn đề tìm và cài đặt driver cũng rất khó để khắc phục.

Microsoft đã tối ưu Windows 10 để chạy trên những phần cứng máy tính mới nhất từ các nhà sản xuất, cho nên ta có thể thấy được hiệu năng khác biệt rõ rệt đối với thời Windows 7. Với những bản thử nghiệm preview tung ra tháng 3 gần đây, Microsoft đã bổ sung tính năng Game mode giúp cho game thủ có thể tắt hết các dịch vụ ngầm để tập trung tài nguyên cho game hoạt động, cũng như bổ sung tính năng chụp ảnh, ghi hình game. Tất cả mọi thứ đều được tích hợp sẵn trong Windows 10. Điều này cho thấy Microsoft đang rất chú ý đến thị trường giải trí điện tử bằng việc cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho game thủ. 

Theo PC World VN 
http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/song-va-cong-nghe/2017/05/1251561/nhung-luu-y-khi-chon-mua-pc/