Những kỷ vật “biết nói” trở về từ chiến trường hoa lửa

VietTimes -- Những kỷ vật chiến trường tuy không có giá trị cao vì chỉ đơn giản chỉ là những tấm ảnh ghi lại những hoạt động của đơn vị hồi ở rừng Trường Sơn nhưng với tôi nó thực sự quý giá đến mức mà tôi gọi nó là: Những kỷ vật “biết nói”.
Mũ sắt, áo giáp là trang phục lính xe của tôi trong những ngày đầu tiên được biên chế về Trung đoàn 13 ô tô vận tải Anh hùng Bộ đội Trường Sơn.

Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống đời thường của những người lính với bao nhiêu bộn bề, truân chuyên nhưng trong lòng ai cũng đọng lại bao ký ức của một thời “Hoa lửa hào hùng” Cùng với ký ức còn có những kỷ vật rất đỗi gần gũi thân quen của những năm tháng gian lao nơi chiến trường khốc liệt và chính những thứ đó cộng lại với nhau để mãi “giữ lửa trái tim” của người lính, anh bộ đội Cụ Hồ.

Với nhiều người, kỷ vật kháng chiến rất xúc động khi mà giờ đây nó đã trở nên những thứ vô giá đáng trân trọng cho dù đó chỉ là những chiếc khăn dù, một cái tăng võng nilon, cái khay ấm chén làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, cuốn sổ ghi chép giao ban tác chiến, cái hòm đạn cũ hay chiếc bi đông đựng nước uống v.v.

Cuộc Chiến tranh Việt Nam đã qua đi hàng chục năm, nhưng những kỷ vật ấy đã từng trải qua một thời bom đạn đó vẫn còn tồn tại và đặc biệt hơn vẫn còn có nhiều thứ có thể sử dụng tốt trong thời bình này. Với tôi, kỷ vật chiến trường tuy không có giá trị cao vì nó chỉ đơn giản chỉ là những tấm ảnh ghi lại những hoạt động của đơn vị tôi hồi ở Trường Sơn nhưng với tôi nó thực sự quý giá mà tôi gọi nó là những kỷ vật “biết nói”.

Vũ khí giản dị mà chiến thắng vẻ vang

Nhớ hồi năm 1971 tôi nhập ngũ và chỉ sau chưa đầy tháng khoác áo lính tôi lên đường đi B và được điều động ngay vào một trung đoàn mới được thành lập của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (559): Trung đoàn ôtô vận tải 13.

Sau lần bắn đạn thật kiểm tra ở Ba Vì, tôi được về tranh thủ 3 ngày để tạm biệt gia đình, người thân và bạn bè để đi B. Dạo đó chiến tranh phá hoại, Mỹ dùng máy bay đánh phá nên mọi người hầu như phải xa nhà đi sơ tán hết. Cuộc chia tay ngắn ngủi, chóng vánh qua nhanh và thế là tôi lên đuờng. Chúng tôi hành quân vào chiến trường hồi đó gian khổ lắm. Đường vào khu 4, Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt các trọng điểm dọc đường số 1. Chúng tôi hành quân bằng ô tô ban đêm, bật đèn gầm mà đi, chỗ không đi được ô tô thì hành quân bộ. Đường từ Nghệ An vào Quảng Bình khá vất vả, rừng rậm, có chỗ dốc cao, suối sâu, nhiều chỗ phải khó khăn lắm mới đi được, mặt mũi, mình mẩy mồ hôi chảy ròng ròng. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy hay, Mỹ nguỵ sử dụng các loại phương tiện tối tân, xe tăng, máy bay đổ quân hùng hổ là thế mà lại thua. Quân đội nhân dân Việt Nam giản dị mà oai hùng đã chiến thắng vẻ vang.

Đội hình xe vượt qua trọng điểm máy bay địch đánh phá ác liệt ở Trường Sơn đưa hàng ra tiền tuyến

Vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, lớp lính trẻ chúng tôi hồi đó đã phải chịu đựng nhiều khó khăn vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhất là mưa bom, bão đạn của giặc cộng với những gian truân khi phải chịu đựng những mùa mưa, mùa khô khắc nghiệt của núi rừng nhiệt đới Trường Sơn.

Nhiều lúc giữa sự sống và cái chết chỉ là một ranh giới mong manh. Cuộc hành quân ra tiền tuyến trường kỳ và gian khổ suốt đêm thâu với ngày dài. Đường chúng tôi đi chủ yếu là đèo dốc quanh co, hiểm trở. Cứ lên đến đỉnh núi trập trùng rồi lại tụt xuống thung sâu. Những chỗ bằng phẳng hay trống trải đều không được đi hoặc dừng nghỉ. Chỗ nào khe suối, đường mòn cũng vậy bởi đó là những nơi địch canh chừng và thường xuyên đánh phá. Rừng Trường Sơn âm u, rậm rạp là thế nhưng chưa bao giờ có đêm. Vì cứ chiều xuống là địch đã thả pháo sáng. Rừng đêm bị xé rách bởi những quầng lửa và tiếng bom dội ầm ì.

Những trọng điểm liên hoàn tan hoang, trơ trụi bởi bom đạn, chất độc hóa học. Những đỉnh đèo trọc lốc, cháy đen, cây cối gần như không còn cho dù đó là rừng rậm nhiệt đới. Rồi những ngầm sông cũng bị đánh bật lên đào xuống đến nỗi biến dạng. Bây giờ nhiều lúc nghĩ lại những chặng đường chiến tranh mà mình đã đi qua, lúc đó chỉ thấy một tinh thần, một khát khao giải phóng quê hương đất nước, giải phóng dân tộc rất lớn. Bởi cái khát khao giải phóng và tình cảm người lính trong chiến đấu, giữa sự sống và cái chết không thể đùn đầy cho ai được. Thậm trí cả những người đau ốm, bị thương vẫn cố gắng cao nhất dù có thể phải bò lết hay chống gậy để theo được đoàn quân tiến ra phía trước.

Ra đời và chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược vô cùng ác liệt – nơi thường xuyên thử thách ý chí, trí tuệ, lòng quả cảm trước vũ khí tối tân của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, mỗi con người về với Trung đoàn 13 đều khát khao cháy bỏng quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần yêu nước đó đã tạo nên sức mạnh lớn lao để Trung đoàn liên tiếp lập được nhiều chiến công rất đáng tự hào trong nhiệm vụ vận chuyển chi viện miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từng bước xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với những thành tích đó, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã trao tặng cho Trung đoàn danh hiệu “Quả đấm thép Trường Sơn; “Cánh Đại bàng từ Bắc vào Nam”. Đặc biệt ngày 31/12/1973 Trung đoàn thân yêu của tôi vinh dự lớn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những kỷ niệm thời hoa lửa

Cái “vũ khí” đời binh nghiệp của tôi có xuất xứ thật giản đơn. Đó là sau mùa khô vận chuyển đầu tiên, trong lần chuẩn bị cho Hội nghị mừng công, với ngón nghề hội hoạ sẵn có, tôi được dịp trổ tài trình bày, vẽ trang trí thể hiện các bảng biểu minh hoạ cho những thành tích mà đơn vị đạt được. Chỉ ngần ấy thôi, tôi đã lọt vào “tầm ngắm” của thủ trưởng cơ quan chính trị Trung đoàn và thế là một quyết định nhanh chóng đuợc đưa xuống điều động tôi từ Tiểu đoàn 74 lên nhận công tác tại cơ quan chính trị Trung đoàn 13, bởi những công việc “Cờ, đèn, kèn, trống” như thế thì ở cơ quan chính trị mới là “Đất dụng võ” phù hợp với tôi. Có chiếc máy ảnh trang bị lại chưa có ai biết sử dụng, thủ trưởng hỏi tôi: “Lính Hà Nội nhiều tài lẻ, chắc là cũng biết sử dụng máy ảnh đấy chứ?”. Thế là cái vốn có trong tôi lại được dịp tung ra, cuối cùng thì tôi đuợc trang bị “vũ khí” chính thức trong cuộc chiến từ đây là: Chiếc máy ảnh.

Chiếc máy ảnh EXAKTA RTL 1000 – Vũ khí đời binh nghiệp của tôi

Với chiếc máy ảnh Exakta của Đức, tôi đã có nhiều hình ảnh chụp về mọi hoạt động của Trung đoàn trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn và dĩ nhiên tôi cũng có nhiều may mắn hơn bất cứ người lính nào được ghi lại hình ảnh của chính mình trong cuộc đời quân ngũ ở Trường Sơn.

Trong mỗi một chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Trung đoàn, với “vũ khí” đời binh nghiệp của tôi, tôi đã cố gắng ghi lại được những hoạt động của đơn vị. Những tấm ảnh được chụp ở bãi tập kết xe, ở bếp quay đầu sau một cung đường, một nhánh đường tránh, rồi có cả những nơi đèo dốc, ngầm sâu hay ngay tại những trọng điểm máy bay Mỹ thường  xuyên đánh phá ác liệt.. Có cả những ảnh chụp chiến sĩ lái xe khắc phục sự cố trên đường, buộc thêm nhành lá ngụy trang, ảnh thủ trưởng động viên các chiến sĩ, hình ảnh bộ đội ta sinh hoạt văn hóa tinh thần, đọc thư báo từ hậu phương gửi vào, rồi có cả những lễ ra quân xuất kích rầm rộ khi đơn vị vào chiến dịch vận chuyển tham gia Tổng công kích, những hình ảnh quý giá khi có cả những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vào thăm đơn vị. Đặc biệt là ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi vào thị sát chiến trường đã đến thăm đơn vị tôi.

Chẳng mấy thời gian ở vị trí cơ quan chính trị Trung đoàn ô tô vận tải 13, tôi lại đuợc điều động lên cơ quan chính trị cấp trên khi đó là Phòng tuyên huấn Sư đoàn ô tô vận tải 571 khi Sư đoàn đuợc thành lập và Trung đoàn 13 trở thành một trong năm đơn vị thành viên của Sư đoàn vào năm 1973.

Đội hình xe Trung đoàn 13 hoạt động trên tuyến phía Tây Trường Sơn. Mùa khô 1971 – 1972

Lại một may mắn nữa đến với tôi, do nhiệm vụ của tôi khi đó và tình hình nhiệm vụ yêu cầu, đòi hỏi tôi phải được tập huấn thêm nghiệp vụ để đảm nhận thêm nhiệm vụ. Thế là tôi lại có đuợc cơ hội học hỏi nghề báo. Một lớp tập huấn ngay tại cơ quan Đoàn bộ 559 (Bộ tư lệnh Trường Sơn) do các nhà báo, phóng viên kỳ cựu của các lớp đàn anh trực tiếp kèm cặp. Chính báo “Chiến sĩ Trường Sơn” là chỗ để mọi người thử sức và cống hiến trong dịp này.

Những ngày ấy, các phóng viên chiến trường phải vượt lên cả sự thiếu thốn khó khăn về phương tiện để tạo nên những bức ảnh có giá trị. Ban ngày tham gia hoạt động cùng các đơn vị trên tuyến, đến tối về làm ảnh và sáng hôm sau mọi người đã được xem triển lãm ảnh nóng hổi tính thời sự. Không những thế, tờ báo “Chiến sĩ Trường Sơn” của Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh luôn là “đất diễn” của cánh phóng viên chiến trường chúng tôi..

Ý nghĩa lớn hơn nữa là những tấm ảnh từ chiến trường hồi đó đã được đưa ra ngoài Bắc bằng con đường giao liên và đến với báo chí hậu phương miền Bắc, thậm trí còn bay đi khắp thế giới và cho đến bây giờ thì chúng đã có vị trí xứng đáng của nó. Tất cả hiện đang được lưu trữ trong Bảo tàng Lịch sử các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và Bảo tàng ngành hậu cần Quân đội NDVN.

Bìa cuốn sách ảnh: “Trung đoàn 13 ô tô vận tải – Những năm tháng hào hùng”

Nghĩ lại cái thời “hoa lửa hào hùng” của dân tộc, cái nghiệp của mình với một “thứ vũ khí thô sơ” trong cuộc chiến. Tôi thầm tự hào đã có những đóng góp nhỏ bé ghi lại những hình ảnh sống động về những người lính Trường Sơn “Gan vàng, dạ ngọc”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” .. bằng chính tay máy non trẻ của mình. Tôi cũng không ngờ rằng những kỷ vật ấy sau này lại có cơ hội “lên tiêng” bởi Ban liên lạc Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng mà tôi là một ủy viên thường trực đã chính thức tập hợp và in cuốn sách ảnh: “Trung đoàn 13 ô tô vận tải – Những năm tháng hào hùng”. Đây là cuốn sách ảnh tư liệu được chọn lọc, sắp xếp tái hiện lại "Những khoảnh khắc lịch sử" của Trung đoàn trong chiến đấu, trong tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc cũng như những hoạt động tình nghĩa của Ban liên lạc Trung đoàn ôtô vận tải 13 Anh hùng Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, mà chính tôi là tác giả. Cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2008 và là Công trình kỷ niệm ngày truyền thống 50 năm thành lập Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2009).

Giấy chứng nhận “Hiến tặng kỷ vật kháng chiến” do Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam cấp cho tôi trong lần tặng kỷ vật cho Bảo tàng ngày 28/4/2016.

Ngày 11/7/2012,  Tổng cục Hậu cần đã phát động phong trào “Hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành Hậu cần Quân đội” trong toàn quân, toàn ngành và đông đảo nhân dân, các nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh trong cả nước để sưu tầm, hiến tặng những kỷ vật về hậu cần quân đội, hậu cần nhân dân trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Để hưởng ứng phong trào tôi cũng đã có những sưu tập ảnh tặng lại cho Bảo tàng.

Nhiếp ảnh. Đó chính là thứ vũ khí trong đời binh nghiệp của tôi và chính những hình ảnh đó đã là thứ kỷ vật quý giá nhất của tôi thời đánh Mỹ, thứ kỷ vật mà tôi gọi nó là “biết nói” bởi tự nó đã nói lên được tất cả giá trị lịch sử của một thời hào hùng.

(*) Tác giả Trần Trung Thành là CCB Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.