Từ việc thoái vốn của VNR tại khách sạn thương mại Sài Gòn
Hôm 9-6-2015, Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR), yêu cầu Hội đồng thành viên (HĐTV) VNR tạm dừng triển khai việc thoái 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn tại 80 Lý Thường Kiệt và 11 Phan Bội Châu (Hà Nội). Đồng thời, bộ yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của HĐTV VNR và các cá nhân có liên quan trong vấn đề để công ty này thua lỗ, không bảo toàn được vốn nhà nước.
Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn có vốn điều lệ 60 tỉ đồng, do VNR và Công ty TNHH Hà Thành góp vốn với tỷ lệ mỗi bên 50%, đi vào hoạt động từ tháng 7-2013. Thẩm quyền quyết định thoái vốn tại công ty nay thuộc VNR vì Bộ GTVT chỉ quyết định thoái hay không thoái vốn ở công ty mẹ - VNR. Vậy tại sao bộ lại phải can thiệp vào việc không cho thoái vốn ở công ty con thuộc VNR, nhất là khi khoản vốn đầu tư trong lĩnh vực khách sạn này được coi là ngoài ngành đối với VNR?
Khách sạn thương mại Sài Gòn nằm tại vị trí đắc địa tại Hà Nội, trên một diện tích đất 1.000 mét vuông. Sau khi Saigontourist - đối tác ban đầu rút lui, năm 2013, VNR và Công ty Hà Thành ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xây dựng và quản lý khách sạn. VNR- bên được phép lựa chọn đơn vị thẩm định giá đã chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE) thẩm định lợi thế thương mại và giá trị tài sản khách sạn. Tại thời điểm tháng 6-2013, VAE định giá là 67,4 tỉ đồng. Đây được xem là cơ sở góp vốn cho pháp nhân mới.
Tuy nhiên, khi ra nghị quyết về việc góp vốn thì VNR lại định giá xuống còn 47 tỉ đồng, thấp hơn 20 tỉ đồng so với kết quả trước đó của VAE mà không có văn bản nào nói rõ vì sao lại chọn mức giá này. Sau đó, VNR dùng nguyên giá trị tài sản trên đất và lợi thế thương mại 47 tỉ (tương đương 50%) góp vốn với Hà Thành để lập công ty TNHH hai thành viên nói trên. Mục đích liên doanh là để xây dựng khách sạn mới 4 sao, với vốn đầu tư 180 tỉ đồng.
Tại thời điểm định giá, nếu loại trừ giá trị tài sản hữu hình bao gồm khách sạn và các tài sản khác (18,7 tỉ đồng) thì phần giá trị lợi thế thương mại của 1.000 mét vuông đất thuê của Nhà nước được VNR “định giá lại” chỉ 28 tỉ đồng, một mức rất thấp so với trong khu vực. Hai năm qua, công ty mới - Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn ở trong tình trạng thua lỗ. Năm 2013 lỗ 588 triệu đồng. Năm 2014 lỗ 2,7 tỉ đồng.
Với lý do cần thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại liên doanh thua lỗ này, VNR đề xuất chuyển nhượng 50% vốn còn lại với giá 30 tỉ đồng.
Bộ GTVT đã ra văn bản tạm dừng việc thoái hết vốn nhà nước tại đây với lý do Thanh tra Chính phủ đang thanh tra toàn diện tại VNR, trong đó có việc hợp tác liên doanh với Công ty Hà Thành. Bộ này nhắc rằng, dù việc liên doanh lập công ty mới được bộ đồng ý về chủ trương cách đây hai năm nhưng VNR không báo cáo quy trình thực hiện, đặc biệt định giá thấp khách sạn này mà không rõ cơ sở pháp lý là trái Nghị định 99/CP/2012 về phân công, phân cấp quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Công thức tạo kẽ hở
Chuyện những khu đất “vàng” của Nhà nước được định giá thấp và rơi vào tay tư nhân trong quá trình cổ phần hóa không phải là hiếm. Dư luận vẫn còn rất nhớ chuyện khu đất rộng 1.500 mét vuông của Công ty Kem Tràng Tiền tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) đã về tay tập đoàn Đại Dương (OCG) sau hơn 10 năm lòng vòng dưới tên gọi mua lại số cổ phần của cán bộ, công nhân viên tại đó.
Do Kem Tràng Tiền cổ phần hóa sớm, từ năm 2000, giá trị lợi thế đất đai không tính vào giá trị doanh nghiệp nên công ty này được định giá chỉ 3,2 tỉ đồng và chia ra mỗi cổ phần giá 100.000 đồng bán cho cán bộ, nhân viên công ty. Tuy nhiên, sau đó, gần như toàn bộ số cổ phần giá rẻ này được mua gom lại với giá cao hơn gấp 7-10 lần bởi một vài cá nhân. Mới đây, Công ty cổ phần Khách sạn dịch vụ Đại Dương (OCH) - công ty con của OCG công bố đã giành quyền kiểm soát 99,17% số vốn ở đây với giá 500 tỉ đồng, gấp 156 lần giá trị của Kem Tràng Tiền khi cổ phần hóa mà không phải nhờ kết quả kinh doanh nhảy vọt. Mục đích của OCG cũng là xây tổ hợp khách sạn và căn hộ hạng sang cho dù đến nay chưa thực hiện được vì ông chủ OCG đã bị bắt.
Các quy định về cổ phần hóa ngày nay đã chặt chẽ hơn 15 năm trước, khi Kem Tràng Tiền được cổ phần hóa, song không phải không còn những kẽ hở làm “rơi” vốn nhà nước.
Trao đổi với TBKTSG, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư/thoái vốn nhà nước nhận định rằng, hiện vẫn có tình trạng một số lãnh đạo/người đại diện tại doanh nghiệp có vốn nhà nước tìm cách tác động đến việc xác định giá trị doanh nghiệp theo hướng thấp hơn thực tế, qua một số hình thức như xây dựng kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận thấp hơn tiềm năng doanh nghiệp, không tích cực trong việc chỉ đạo điều hành doanh nghiệp dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh trở nên kém đi trong mắt nhà đầu tư và làm ảnh hưởng đến kết quả xác định giá trị doanh nghiệp cũng như số tiền mà cổ đông nhà nước có thể thu hồi từ việc thoái vốn. Việc làm giảm giá trị doanh nghiệp thực ra chỉ là cái cớ để có thể bán rẻ vốn nhà nước tại đây, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty có mối quan hệ hoặc công ty “sân sau” vào thôn tính.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - nơi đang quản lý 700 doanh nghiệp có vốn nhà nước đã áp dụng quy định: kể cả tại các doanh nghiệp chưa niêm yết, việc bán cổ phần trước hết phải thực hiện thông qua đấu giá công khai để giảm cơ hội trực tiếp quyết định giá cổ phiếu của doanh nghiệp theo ý chí chủ quan của người đứng đầu hoặc ban lãnh đạo. Cũng không khó để tránh tình trạng “dìm giá” cổ phiếu của doanh nghiệp nếu thật quyết liệt trong việc quy trách nhiệm người đứng đầu, nhất là trong việc gây thất thoát vốn nhà nước dưới các hình thức khác nhau. Trường hợp thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường vật chất.
Theo TBKTSG