Là một người sống trong môi trường ẩm ướt, ông Nguyễn Văn Trung (65 tuổi, ngụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Cơ thể sốt cao đột ngột, mệt mỏi. Tưởng là sốt cảm cúm bình thường, tôi đã tự mua thuốc hạ sốt uống. Sau 6 ngày, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm, mới đến khám tại bệnh viện địa phương. Kết quả xét nghiệm là dương tính với sốt xuất huyết.
Sáng 22/7, tôi nhập viện trong tình trạng xuất huyết dưới da, lỡ loét, mụn nhọt quanh vùng miệng vì chủ quan tự mua thuốc chữa bệnh. Thời gian nằm viện được các bác sĩ điều trị tích cực. Sức khỏe hiện ổn định so với trước nhưng vẫn hơi nhức mỏi, đau khớp.”
Theo BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM - cho biết, bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi sau một tuần. Trường hợp nặng, bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng vẫn diễn tiến xấu và tử vong.
Triệu chứng sốt xuất huyết có thể nhận biết như: sốt cao, đau đầu, ói mửa, da niêm sung huyết (da nổi ửng đỏ), lạnh run, nhức mỏi... Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay tỷ lệ người lớn cũng mắc bệnh và tử vong khá cao.
“Những triệu chứng sốt xuất huyết có thể dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm, sốt phát ban nên bệnh nhân thường chủ quan tự điều trị tại nhà. Khi bệnh trở nặng, mới đến bệnh viện thì đã muộn. Điều quan trọng nhất phải xác định nguyên nhân gây sốt. Với các bệnh truyền nhiễmkhác hết sốt là mừng, riêng sốt xuất huyết thì hết sốt bệnh sẽ diễn tiến nặng” – BS. Thanh Phong cho hay.
Việc tự ý dùng thuốc không đúng trong điều trị sốt xuất huyết có thể đưa đến bệnh diễn tiến nặng. Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ cách dùng các loại thuốc để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Thuốc hạ sốt, giảm đau
Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân chỉ được dùng paracetamol (tylenol, panadol) để hạ sốt, giảm đau. Những ngày đầu, tình trạng sốt cao thường khó hạ, một số người bệnh tự ý uống hoặc uống nhiều thuốc dẫn đến quá liều.
“Với loại thuốc này chỉ dùng cho 1-2 liều đầu tiên theohướng dẫn: 10-15mg/kg/lần, uống 4-6 lần/ ngày. Tuyệt đối không tự ý tăng liều. Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị, nhưng uống thuốc số lượng lớn sẽ gây tổn thương gan: suy giảm chức năng gan, ngộ độc gan,…” – BS. Phong phân tích.
Người bệnh sốt xuất huyết không được dùng aspirin và nhóm không steroid để hạ sốt. Khi dùng hai loại thuốc trên để điều trị sốt xuất huyết sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu và đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể găp tác dụng phụ của thuốc như: ợ nóng, buồn nôn, khó tiêu, viêm loét dạ dày…
BS. Phong nhấn mạnh, bệnh nhân phải hiểu rõ mục đích dùng thuốc chỉ giúp hạ cơn sốt tức thời, không thể hết bệnh. Khi có các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân nên làm xét nghiệm máu để chẩn đoán. Trường hợp có chảy máu cam; chảy máu ở nướu, dưới da; ói ra máu; đi ngoài phân đen, bệnh nhân phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Thuốc kháng sinh
Sốt xuất huyết là sốt do vi rút nên tuyệt đối không dùng kháng sinh để điều trị vì kháng sinh không có tác dụng diệt được vi rút. Bệnh nhân chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện của nhiễm trùng và lưu ý phải được bác sĩ khám, chỉ định dùng.
Việc dùng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định không có tác dụng mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm.”
Truyền dịch
Bệnh nhân sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể dẫn đến dư dịch, suy hô hấp, khó điều trị khi bệnh diễn tiến nặng. Bệnh nhân không dung nạp được bằng đường uống (nôn mửa, không thể ăn uống) hay sốt xuất huyết kèm tiêu chảy nhiều, mất nước thì mới bù nước bằng đường truyền dịch.
Để điều trị sốt xuất huyết, BS. Phong khuyến cáo, bệnh nhân cần uống nhiều nước: oresol, nước trái cây… Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, người bệnh cần uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng, mặc quần áo mỏng, chườm khăn có thấm nước ấm, không hạ sốt bằng nước đá lạnh.
Khi phát hiện có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời điều trị, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, người dân nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân như: nằm màn khi ngủ, mặc quần áo dài, mang tất, dùng các chất có tác dụng đuổi muỗi dạng kem xoa, bình xịt… Người dân cần lưu ý, lựa chọn sản phẩm xua muỗi được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực và hạn sử dụng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm.
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay cả nước có 96.002 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.Trong đó, TP.HCM là nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước. Hiện đã có 27.153 ca mắc sốt xuất huyết, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 5 trường hợp tử vong.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tính từ giữa tháng 7 đến nay, Khoa Nhiễm D đã tiếp nhận khoảng75-85 bệnh nhân đến khám và nhập viện do mắc sốt xuất huyết. Hiện nay, Khoa cũng bố trí thêm 40 giường và số giường bệnh điều trị sốt xuất huyết chiếm hơn 100% .