Với mỗi phiên bản iOS mới, có một vài câu hỏi thường trực luôn được người dùng đặt ra là: “hệ điều hành mới có tính năng gì hay?”, “Tôi có nên cập nhật không?”, “nó có làm chậm thiết bị của tôi không?”. Đã có một giả thiết lan truyền suốt mấy năm qua rằng Apple cố ý làm chậm các thiết bị cũ khi phát hành iOS mới, để buộc khách hàng phải mua các mẫu iPhone, iPad đời mới nhất. Ít nhất điều này đã được chứng minh khi năm ngoái Apple thừa nhận rằng bản cập nhật iOS 10.2 đã cố tình làm giảm hiệu năng của những chiếc iPhone 6.
Nhưng iOS 12 là một bản cập nhật phần mềm rất khác của Apple. Lần này, Apple không tập trung quảng cáo những tính năng hào nhoáng của hệ điều hành (những thay đổi về giao diện, widget), mà đặt trong tâm vào sự cải thiện hiệu năng và độ ổn định của thiết bị - tức là hoạt động tốt hơn thay vì nhìn đẹp hơn.
Hãy cùng xem iOS 12 đem lại những gì nhé:
Cải thiện hiệu năng
(ảnh: iphonefirmware)
|
Apple nói rằng hiệu năng là một trong những thay đổi chính của iOS 12. Tốc độ mở các app sẽ nhanh hơn 40%, thời gian mở ứng dụng camera nhanh hơn 70%. Tôi đã cập nhật iOS 12 trên chiếc iPhone X (cả khi nó được phát hành dưới bản beta và bây giờ là bản chính thức) và cảm thấy rằng iPhone X chạy nhanh và ổn định hơn, thực hiện trơn tru các tác vụ.
Thậm chí chiếc iPad Air đã cũ của tôi, vốn chạy khá chậm chạp với iOS 11, thì khi cập nhật lên iOS 12 đã có sự cải thiện đáng kể. Nó vẫn không phải là chiếc iPad chạy nhanh nhất, nhưng ít nhất nó đã quay trở lại trạng thái ban đầu khi tôi “rinh” nó về từ cửa hàng, không còn sự chậm trễ kéo dài đến gần 1 phút khi mở ứng dụng.
Việc hỗ trợ phần mềm dài hạn là một lợi thế của iOS so với Android. Thật tuyệt khi những thiết bị cũ đến 5 năm tuổi như iPad Air hay iPhone 5s vẫn có thể cài đặt được hệ điều hành mới nhất và chạy ổn định không giật lag. Tôi thấy iOS 12 chạy ổn định hơn nhiều so với iOS 11 năm ngoái.
Screen Time - Báo cáo về thời gian sáng màn hình
(ảnh: The Verge)
|
Apple đã bổ sung vào iOS 12 tính năng Screen Time. Đây có lẽ là tính năng mới, đáng chú ý nhất của iOS 12. Screen Time nằm trong menu Cài đặt, cung cấp cho người dùng thông tin chi tiết về thời gian họ sử dụng iPhone hoặc iPad (thời gian màn hình được bật sáng khi hoạt động), cũng như ứng dụng mà họ đang dùng. Người dùng cũng có thể biết được mỗi ứng dụng đã gửi cho họ bao nhiêu tin nhắn, và bao nhiêu lần họ cầm điện thoại lên (mở khóa màn hình).
Tính năng Screen Time cũng cung cấp cho người dùng một bản báo cáo hàng tuần cho phép họ biết được mình đã dùng điện thoại như thế nào trong tuần qua.
Apple nói rằng tính năng Screen Time được đưa ra để đáp ứng nhu cầu của những người muốn kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị di động. Đã có những lo ngại ngày càng tăng về con người dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động. Giới công nghệ trong vài tháng qua đã phát động phong trào “sử dụng thời gian hợp lý” nhằm kêu gọi mọi người giảm bớt thời gian cầm máy.
Tính năng này của iOS 12 cũng giống với tính năng Digital Wellbeing mà Google vừa đưa vào hệ điều hành Android 9 Pie.
Tuy nhiên, Screen Time không chỉ cung cấp cho người dùng dữ liệu về cách họ sử dụng điện thoại, nó còn cung cấp cho họ công cụ để quản lý việc sử dụng đó. Bạn có thể giới hạn thời gian sử dụng smartphone – khi quá số giờ cho phép, điện thoại sẽ ngăn không cho bạn mở ứng dụng. Người dùng cũng có thể thiết lập để điện thoại cho phép một vài ứng dụng ngoại lệ có thể hoạt động. Dù sao Screen Time vẫn là một tính năng thụ động trong máy và việc sử dụng điện thoại nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng.
(ảnh: The Verge)
|
Thông báo (Notification)
Một tính năng khác mà Apple đã cải tiến để giúp người dùng quản lý công việc tốt hơn, đó là tính năng Thông báo (Notification). Tính năng này là một điểm yếu của iOS trong mấy năm qua khi so sánh với Android.
Tin tốt là Apple đang ngày càng hoàn thiện hơn. iOS 12 đã sửa cách hiển thị thông báo lộn xộn của iOS 11 bằng một trật tự sắp xếp mới, các thông báo của cùng một ứng dụng sẽ được nhóm lại với nhau. Mặc dù đây không phải là một thay đổi lớn, nhưng nó làm cho việc tìm kiếm và xử lý thông điệp dễ dàng hơn.
Mỗi một thông báo giờ đây có thêm tùy chọn chỉnh sửa cài đặt cho ứng dụng của nó, chẳng hạn bạn có thể đặt các thông báo của Facebook Messenger ở chế độ im lặng khi nó được gửi đến máy, hoặc tắt tất cả chúng, mà không cần mò sâu vào trong menu Cài đặt như ở những đời iOS trước.
Apple cũng cập nhật chế độ “Do not Disturb” (Không làm phiền) với các cài đặt hết hạn tự động, và chế độ “Bed Time” (Giờ đi ngủ) tự động bật giờ ngủ theo lịch.
Dẫu vậy, tính năng Thông báo của iOS 12 vẫn chưa thể so sánh về độ tiện dụng và dễ quản lý khi so sánh với Android.
Hoạt hình ngộ nghĩnh (Memoji)
(ảnh: The Verge)
|
iOS 12 không chỉ mang lại những cải thiện về hiệu năng mà nó còn có một vài tính năng mới nghiêng về giải trí, chẳng hạn như là Memoji – hoạt hình ngộ nghĩnh mô phỏng khuôn mặt của người dùng.
Hơi tiếc là chỉ có iPhone X hoặc 3 mẫu iPhone mới ra mắt là iPhone Xs, Xs Max và Xr mới có thể sử dụng tính năng Memoji. Tính năng này cho phép bạn tùy chỉnh hình đại diện (avatar) để trở thành một khuôn mặt hoạt hình ngộ nghĩnh.
Ngoài ra, Apple còn cung cấp một chế độ hiệu ứng tin nhắn mới, cho phép bạn tạo ra một lớp Memoji và Animoji theo thời gian thực trong các cửa sổ hội thoại để làm cuộc trò chuyện trở nên sinh động hơn. Nó cũng giống như các lớp trang trí khi bạn sử dụng các phần mềm như Snow, B612...
(ảnh: The Verge)
|
Các ứng dụng như iBooks, Apple News, Stocks, và Voice Memos cũng được làm mới để phù hợp với phong cách thiết kế hiện đại hơn của Apple. Hai ứng dụng Stocks (Bản tin chứng khoán) và Voice Memos (Ghi âm) lần đầu tiên được đưa vào iPad.
Ứng dụng CarPlay có một sự thay đổi lớn khi Apple cho phép ứng dụng bản đồ của bên thứ ba hoạt động thay vì chỉ giới hạn ở Apple Maps. Google Maps và Waze đều có kế hoạch hỗ trợ CarPlay và đã bắt đầu thử nghiệm với các bản beta.
Apple cũng có những cải tiến về quản lý mật khẩu trên iOS 12. Những ứng dụng tạo và quản lý mật khẩu của bên thứ ba như LastPass và 1Password giờ đây có thể tích hợp trực tiếp vào các trường mật khẩu trong các ứng dụng và trình duyệt web - điều này cực kỳ hữu ích. Mật khẩu SMS được nhắn tin cho bạn bằng dịch vụ xác thực hai yếu tố giờ đây tự động bật lên dưới dạng đề xuất tự động điền, giúp bạn không phải nhập lại chúng mỗi lần.
Không chỉ ưu ái iPhone, Apple rất quan tâm đến iPad. iOS 12 cho phép người dùng iPad có các điều hướng cử chỉ như vuốt để chuyển đổi giữa hai ứng dụng, truy cập vào Trung tâm điều khiển giống hệt như iPhone X. Nó không thực sự cải tiến những thứ như chế độ chia đôi màn hình, ngoài việc làm cho toàn bộ hệ thống trở nên nhất quán hơn.
Các điều hướng cử chỉ bản thân nó rất tuyệt khi sử dụng trên iPad hiện tại. Nhưng thực chất đây là một nước cờ sâu xa của Apple khi họ tính đến việc phát hành một mẫu iPad với viền siêu mỏng (nếu những tin đồn là đúng). Khi đó, những điều hướng cử chỉ này sẽ thực sự hữu dụng.
Dành cho các nhà phát triển
Các phần khác của iOS 12 sẽ không mấy hữu dụng cho đến khi các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng cho nó. Trong phiên bản iOS 12 này, Apple đã cung cấp công cụ ARKit 2 để các nhà lập trình dễ dàng hơn khi viết các ứng dụng thực tế tăng cường.
Apple đã trình diễn một số bản demo về khả năng ARKit 2, vì thế không có gì nghi ngờ khi hàng loạt các ứng dụng Thực tế tăng cường mới cho iOS sẽ sớm xuất hiện. Chúng ta sẽ chờ đợi xem những sự bổ sung cho ARKit 2 có tạo ra điều gì đặc biệt hay không, hay nó chỉ là một thử nghiệm thú vị để khoe với bạn bè một lần và không bao giờ sử dụng lại.
(ảnh: The Verge)
|
Ngoài ra còn có phím tắt Siri mới, cho phép người dùng và nhà phát triển thêm tương tác và chuỗi lệnh của họ vào Siri. Những cải tiến đối với Siri trải dài từ việc đưa ra các đề xuất thông minh dựa trên vị trí và thời gian của người dùng, cho đến tạo ra các chuỗi lệnh tự động kết hợp nhiều ứng dụng.
Bạn có thể cài đặt Siri để thực hiện những chức năng cụ thể, chẳng hạn bạn có thể cài đặt để khi ra lệnh: “Hey, Siri, gọi tôi dậy vào sáng sớm”, Siri sẽ tự động đặt báo thức trong điện thoại.
Với ứng dụng Siri Shortcuts, bạn có thể kết hợp một chuỗi nhiều hành động. Với một câu lệnh “Hey, Siri...” duy nhất, bạn có thể yêu cầu Siri hỗ trợ toàn bộ các công việc vào buổi sáng bao gồm đánh thức, bật đèn, xác nhận lịch trình, nghe dự báo và xác định đối tác mà bạn gặp gỡ đầu tiên.
Về lý thuyết, đó là một bước tiến lớn cho Apple trong việc mở Siri cho các nhà phát triển tương tác. Nhưng những tính năng này không thực sự hiện diện, có nghĩa là chúng ta sẽ phải chờ xem các nhà phát triển chấp nhận các tính năng như thế nào, họ có phát triển chúng theo ý tưởng của Apple không, và chúng có thực sự hữu ích trong đời sống hàng ngày?
(ảnh: The Verge)
|
Kết luận
Còn hơi sớm để khẳng định iOS 12 có hoạt động ổn định và nhanh hơn so với iOS 11 hay không. Liệu nó có xuất hiện các lỗi bất thường và Apple phải tung ra các phiên bản vá lỗi mang tên iOS 12.1, iOS 12.2...
Có một lưu ý là tính năng trò chuyện nhóm FaceTime với tối đa 32 người đã không được bổ sung vào iOS 12, mặc dù nó đã được thử nghiệm thành công ở phiên bản beta. Người dùng có lẽ hơi thất vọng, nhưng nhìn xa hơn điều này nói lên thái độ chín chắn của Apple khi muốn tập trung vào hiệu năng thiết bị thay vì những thứ hào nhoáng. Người dùng cần sự ổn định của thiết bị - Apple đã nhận ra điều đó và thay đổi chiến lược của mình cho phù hợp.