Những bức ảnh chụp cảnh tượng bên trong “Thành phố chết Chernobyl”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong chuyến đến thăm thành phố Pripyat lần đầu tiên của nhiếp ảnh gia David McMillan vào năm 1994, việc tiếp cận bị hạn chế do sự cố nổ lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cách đó 8 năm.
Khu vực 1.000 dặm vuông xung quanh Vùng loại trừ Chernobyl vẫn không có người ở (Ảnh: CNN)
Khu vực 1.000 dặm vuông xung quanh Vùng loại trừ Chernobyl vẫn không có người ở (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia không chỉ được tự do đi lang thang trong Vùng Loại trừ Chernobyl rộng 1.000 dặm vuông - nơi hầu như không có người ở cho đến ngày nay - mà ông còn có thể đi lại được trong bán kính vài mét từ lò phản ứng bị hư hỏng.

Ông hồi tưởng lại trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Thử thách đặt ra là tìm ra những người có thể đưa tôi vào," "Tôi không biết phải đi đâu, tôi cảm thấy như đang phụ lòng tốt của tài xế và thông dịch viên của mình.

"Tôi không có cảm giác thực sự về sự nguy hiểm," ông nói thêm. "Mọi người chỉ khuyên tôi rằng một số khu vực bị ô nhiễm nặng, và có lẽ tôi chỉ nên mất một hoặc hai phút để chụp ảnh ở đó."

Bên trong một tòa nhà bị bỏ hoang (Ảnh: CNN)

Bên trong một tòa nhà bị bỏ hoang (Ảnh: CNN)

Chuyến đi ban đầu này đã cho ra đời loạt hình ảnh kỳ lạ chụp lại các tòa nhà vô chủ, sân chơi cỏ mọc um tùm và xe cộ bị bỏ hoang sau khi dọn dẹp. Sau đó, nhiếp ảnh gia người Canada đã quay trở lại khu vực này hơn 20 lần trong suốt 25 năm.

Kể từ đó, ông đã xuất bản 200 bức ảnh của mình trong cuốn sách mang tên "Tăng trưởng và suy tàn: Pripyat và Vùng loại trừ Chernobyl." Những bức ảnh không những mang đến một cái nhìn đáng kinh ngạc về một “thành phố ma” hầu như không bị ảnh hưởng gì kể từ sau thảm họa, mà còn khám phá sức mạnh bền bỉ của tự nhiên và khả năng suy tàn không thể tránh khỏi.

Dấu tích của một thành phố 'trưng bày'

Pripyat, thuộc Ukraine ngày nay, là một phần của Liên Xô vào thời điểm xảy ra thảm họa vào tháng 4/1986. Thành phố được xây dựng vào thập kỷ trước và là nơi sinh sống của khoảng 50.000 công nhân làm việc cho nhà máy điện.

Bên trong một nhà thở bỏ hoang (Ảnh: CNN)

Bên trong một nhà thở bỏ hoang (Ảnh: CNN)

McMillan, người đã nghiên cứu các hình ảnh lưu trữ về khu vực này cho biết: “Nó hẳn là rất đẹp. Vào thời điểm đó, nó được coi là một trong những thành phố đáng sống nhất ở Liên Xô. Có rất nhiều trường học và bệnh viện, và các cơ sở cho thể thao và văn hóa, vì vậy nó giống như một thành phố chỉ để trưng bày".

Bên trong một lớp học (Ảnh: CNN)

Bên trong một lớp học (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, những tiện nghi này hiện đang bị bỏ hoang và ngày càng trở nên mục nát, rỉ sét và chịu nạn hôi của. Nhiều bức ảnh của McMillan - cho dù là những bể bơi trống không hay những nhà thờ vắng vẻ - đều tái hiện cảnh thành phố đã được sơ tán đột ngột như thế nào trong quá khứ.

Ông nói: “Ở các trường học, sẽ có cảm giác như thể học sinh mới tan học vào buổi chiều. Vẫn còn có sổ ghi chép của giáo viên, sách giáo khoa, tác phẩm nghệ thuật của học sinh và những thứ tương tự."

Do đó, các tòa nhà đóng vai trò như những viên nang thời gian. Những ảnh chụp chân dung đã mờ nhạt của Marx và Engels, hay tượng bán thân của Lenin trong một sân nhà nhếch nhác, tất cả đều ghi lại một khoảnh khắc đặc biệt nào đó trong lịch sử chính trị.

Bên cạnh đó, những bức ảnh cũng minh chứng cho sức mạnh của thời gian. Trong một số trường hợp, McMillan đã chụp ảnh cùng một điểm nhiều lần trong suốt nhiều năm, để làm nổi bật sự xuống cấp của môi trường xây dựng.

Một trong những ví dụ rõ nét nhất là một loạt các hình ảnh được chụp trong cầu thang của một trường mẫu giáo. Bức ảnh đầu tiên được chụp vào năm 1994, mô tả những lá cờ rực rỡ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được dán trên một bức tường bong tróc. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối cùng được chụp vào tháng 11/2018, bức ảnh chỉ còn lại một phần - đã bị hư hỏng và đổi màu đến mức không thể nhìn ra.

"Nếu bạn bắt gặp nó, bạn sẽ không biết nó là gì; bạn thậm chí sẽ không thấy rằng nó có thể là đại diện của một lá cờ," McMillan nói. "Đối với tôi, nó dường như tượng trưng cho thời kỳ Xô Viết đang biến mất vào lịch sử trong ký ức của chúng ta."

Hình ảnh sân chơi và cầu trượt cũng cũng là minh chứng cho thời gian trôi qua. Những đứa trẻ đã từng chơi ở đó bây giờ sẽ ở độ tuổi ba mươi hoặc bốn mươi.

"Đi vào một số trường mẫu giáo, nơi có rất nhiều trẻ em còn sót lại – có một loại phản ứng cảm xúc khác dâng trào khi biết rằng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến giáp đã tăng đột biến vì tai nạn”.

Sự trở lại của thiên nhiên

Như tiêu đề cuốn sách của ông "Tăng trưởng và suy tàn", McMillan quan tâm đến cả sự rút lui của loài người cũng như sự xuất hiện trở lại của tự nhiên. Phong cảnh trong các bức ảnh của ông đa phần là những cây cối đang nở hoa và đâm chồi nảy lộc qua các cấu trúc nhân tạo, giữa khung cảnh ảm đạm.

Cây cỏ mọc đầy bên trong tòa nhà mục nát (Ảnh: CNN)

Cây cỏ mọc đầy bên trong tòa nhà mục nát (Ảnh: CNN)

Nhiếp ảnh gia cho biết: “Không có con người ở xung quanh, và khi thiên nhiên không bị chặt phá và canh tác, nó chỉ mọc hoang và tự khai hoang. "Tôi đoán thật vui khi thấy loại cây này mọc lại, và không thể tránh khỏi việc nhìn thấy văn hóa biến mất."

"Đã có sự tái sinh của các loài động vật, và có người còn nói với tôi rằng trò chơi birding (ngắm chim) ở đó là một trong những trò chơi hay nhất ở châu Âu."

Ngoài ra, McMillan cũng chụp những bức chân dung của những người ông gặp trong Khu vực Loại trừ, trong đó có các kỹ sư, người lao động và nhà khoa học săn bắt động vật hoang dã để đo bức xạ trong nội tạng của chúng. Một hình ảnh, được chụp vào năm 1995, cho thấy một người phụ nữ trở về làng của mình để dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.

McMillan đã gặp rất nhiều người trở về từ vùng loại trừ nên ông tương đối thoải mái về những tác động có thể có đối với sức khỏe của mình. Bây giờ ở tuổi 70, ông thường đến thăm nơi này mỗi lần một tuần, có nghĩa là ông đã dành hàng tháng trời để ẩn dật bên trong Vùng loại trừ Chernobyl.

Một trong những người hướng dẫn ban đầu của ông đã mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết kể từ khi rời Ukraine đến Canada, tuy nhiên, nhiếp ảnh gia cho biết không rõ liệu bức xạ có phải là nguyên nhân hay không.

McMillan nói: “Vấn đề về bức xạ là nó vô hình. Khi tôi mang theo một liều kế trong một lần đến thăm, mức độ bức xạ rất bất thường. Chúng không giống nhau trong suốt Vùng Loại trừ."

Nhiếp ảnh gia giải thích khi sự ô nhiễm giảm dần theo từng năm, rủi ro cũng giảm theo. Hiện nay, một "khoang an toàn" mới (gọi là Chernobyl New Safe Confinement) cũng đang được xây dựng bao bọc quanh lò phản ứng, nhằm thay thế lớp bao bọc bằng bê tông tạm thời được dựng lên lần đầu tiên vào năm 1986 để chứa bụi phóng xạ.

Theo McMillan, lượng khách du lịch đến thành phố Pripyat ngày càng nhiều, đôi khi có thể bắt gặp xe buýt trong các chuyến đi trong ngày từ thủ đô Kiev của Ukraine. Năm ngoái, một nhóm nghệ sĩ thậm chí đã tổ chức một màn biểu dương ở Pripyat, và địa điểm này nhanh chóng trở thành nơi mà các nhiếp ảnh gia gọi là "Disneyland đen."

Ông nói: “Có những người sống ở một số khu vực (gần đó) ít bị ô nhiễm hơn, vì vậy tôi chưa bao giờ lo lắng. Bây giờ, một nguy cơ thực sự hơn là các tòa nhà đang sụp đổ. Đôi khi chúng có vẻ mỏng manh, (và) khi bạn đi qua chúng, bạn chỉ không biết điều gì có thể xảy ra."