Đoạn Trailor giới thiệu mini seri phim Chernobyl của HBO (Nguồn: Youtube)
Câu chuyện về vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngày 26/4/1986 đã giúp cho hãng truyền hình HBO của Mỹ nhận được tỷ lệ rating cao nhất từ trước đến nay trên IMDB. Nhà viết kịch bản cho seri phim này, Craig Mazin, đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen vì để ý đến những chi tiết cực nhỏ trong phim - từ những chiếc dây giày cho tới điện thoại - và sử dụng lời kể của các nhân chứng sống để tái hiện thảm họa xảy ra vào những năm 1980.
Ông Oleksiy Breus - một cựu kỹ sư làm việc tại nhà máy điện hạt nhân yểu mệnh nọ - cũng thừa nhận rằng nhiều sự kiện xung quanh vụ nổ và các tác động của phóng xạ đối với cơ thể con người đã được mô tả một cách rất thực tế trong bộ phim. Tuy nhiên, ông nói cũng có nhiều điều không chính xác về cách mô tả 3 nhân vật chính trong câu chuyện - Giám đốc Viktor Bryukhanov, Kỹ sư trưởng Nikolai Fomin và Kỹ sư phó Anatoly Dyatlov.
Sau khi thảm họa hạt nhân xảy ra, cả 3 người đàn ông này đều bị đem ra xét xử và kết án 10 năm lao động khổ sai. Ông Breus cho hay: "Hình tượng của họ đã bị bóp méo và làm sai sự thực, cứ như thể họ là những kẻ tội đồ vậy. Trong khi không phải như thế".
"Có thể, Anatoly Dyatlov trở thành nhân vật phản diện trong phim là bởi cách mà nhân viên trong trong nhà máy, đồng nghiệp và ban quản lý cấp cao nhìn nhận về ông ta từ lúc bắt đầu. Nhưng sau đó, sự nhìn nhận này đã thay đổi" - ông Breus nói với BBC - "Các nhà điều hành từng rất sợ ông ta. Khi ông ta xuất hiện, nó khiến mọi người căng thẳng. Nhưng dù ông ta có nghiêm khắc đến mức nào, ông ấy vẫn là người có chuyên môn nhất".
Ông Oleksiy Ananenko - từng là kỹ sư trưởng của một trong số những lò phản ứng bên trong nhà máy điện Chernobyl - là 1 trong 3 nhân viên được HBO mô tả trong seri phim của họ. Trong phim có cảnh ông Ananenko đang đi vào một đường hầm dưới lòng đất để mở chiếc van hút nước, ngăn chặn vụ nổ thứ hai.
Tuy nhiên, thực tế là bộ 3 kỹ sư này không hề chết vì nhiễm phóng xạ hay được vỗ tay tán dương sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả này, như trong phim mô tả. Nói về điều này, nhân vật Ananenko ngoài đời thực nói rằng: "Đó chỉ là công việc của chúng tôi. Ai lại đi tán dương điều đó chứ?".
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nơi từng là khu vui chơi ở thị trấn Pripyat năm 2017 (Ảnh: Newsweek)
|
Một điểm khác gây tranh cãi trong mini seri phim này là khi người dân của thị trấn Pripyat - nơi mà nhà máy điện được đặt - được trông thấy đang chạy về phía một cây cầu đường sắt có tên gọi là "Cây cầu tử thần" để chứng kiến gần hơn đám cháy, bất chấp mối nguy hiểm về phóng xạ. Nhưng theo ông Breus, vào thời điểm đó, phần lớn cư dân thị trấn này còn đang yên giấc.
Ông Breus cũng nói rằng, dù seri phim có điểm đáng khen là tập trung nhiều hơn vào thảm họa hạt nhân và bí mật của Liên Xô, nhưng ông cảm thấy phim vẫn đi theo một lối mòn là có cái nhìn sai lệch về Liên Xô.
"Có rất nhiều điểm cũ kỹ được phô ra, như cách mô tả thường thấy của các nước phương Tây về Liên Xô. Một cái ca đầy ắp rượu vodka, đặc vụ KGB ở khắp mọi nơi" - ông Breus nói với BBC.
Seri phim về Chernobyl rất nổi tiếng ở các nước phương Tây hiện nay, nhưng lại bị nhiều hãng truyền thông Nga chỉ trích kịch liệt, trong đó một số mô tả nó như một công cụ tuyên truyền của các bên thân phương Tây. Tờ Argumenty o Fakty của Nga nói rằng bộ phim này là "một bức tranh biếm họa và không phải sự thực".
Trong khi đó, người dẫn chương trình Stanislav Natanzon của kênh Russia 24 nói rằng: "Thứ duy nhất còn thiếu trong phim chính là những con gấu và đàn Accordion".
Về phần mình, Bộ Văn hóa Nga đã chi khoảng 500.000 USD để sản xuất một phiên bản phim khác cũng về đề tài Chernobyl để đáp trả phía Mỹ. Đài truyền hình Nga NTV đã giao nhiệm vụ chỉ đạo loạt phim này cho đạo diễn Alexei Muradov.
"Có một giả thuyết cho rằng người Mỹ đã thâm nhập vào nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, trong khi nhiều sử gia không bác bỏ giả thuyết này, vào ngày xảy ra vụ nổ. Một đặc vụ thuộc cơ quan tình báo Mỹ cũng hiện diện ở nhà máy này lúc đó" - Tờ The Moscow Times dẫn lời đạo diễn Muradov nói.