Tối 28/1, cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội đã không còn một chỗ trống, nhiều người phải đứng để được thưởng thức đêm thơ, nhạc: “Như tôi đã sống” của anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Đại tá Nguyễn Đăng Giáp Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng nhằm tri ân đồng đội, đối tác và thân hữu…
Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp được biết đến là một con người dám nghĩ, dám làm hết sức năng động trong thời kỳ đổi mới đã đưa Tổng công ty 36 từ chỗ “không có gì” trở thành Tổng công ty mạnh của Bộ Quốc phòng, song ít ai biết được anh còn có một tâm hồn thơ,nhạc rất phong phú và đậm tính nhân văn. Đầu năm 2017, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã cho ra mắt cuốn sách” Nguyễn Đăng Giáp “Đời là nhạc là thơ”.
Những tác phẩm trong đêm thơ nhạc “Như tôi đã sống” được lựa chọn từ 275 tác phẩm trong cuốn sách để giới thiệu với khán giả những người hâm mộ, yêu quý Nguyễn Đăng Giáp. Đêm thơ nhạc “ Như tôi đã sống” chính là hành trình thời gian của tác giả như một vở nhạc kịch xuyên suốt chương trình gồm 4 chương: Chương 1: Quê hương tuổi thơ; chương 2: Gia đình và chiến trận; chương 3: Xông pha chốn thương trường; chương 4: Nốt lặng cảm xúc. Chương trình được đầu tư khá công phu; Tổng đạo diễn chương trình: Phạm Hồng Nam, đạo diễn biên kịch múa: Trần Lyly; đạo diễn âm nhạc: Minh Đạo do Ban nhạc Thanh Phương đảm nhận. Công ty TNHH Vàng Son Một thuở sản xuất chương trình. Đêm thơ, nhạc có sự tham gia của một số ca sĩ nổi tiếng như: Tùng Dương, Thanh Thanh Hiền, Quang Linh, Bảo Khánh ( Thúy Nga Paris by night), Lê Anh Dũng, Khánh Linh,… với các nhóm Cỏ Lạ, Dòng Thời gian, Belcanto.
Đêm thơ nhạc đã thực sự gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem khi chính tác giả trình bày những bài thơ do ông sáng tác nói về chính cuộc đời gian truân trên những cung đường ác liệt với trọng trách của người chiến sĩ lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh gian khó cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước của thời kỳ đổi mới. Đêm nhạc còn thể hiện sâu sắc những tình cảm tha thiết của tác giả khi nói về gia đình, đồng đội với nhân dân, như lời tựa cuốn sách do Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết: “Đọc Nguyễn Đăng Giáp - Đời là nhạc là thơ” tôi cảm nghĩ rằng, truyền thống quê hương, dòng tộc, gia đình, lăn lộn chiến đấu trong chiến tranh và trải nghiệm trên thương trường đầy cam go, thử thách; cùng với sống hết mình, hiên ngang và thấm đẫm tình người…là cốt cách, tâm hồn và đã làm nên những vần thơ, nốt nhạc cũng như bản lĩnh, khí chất anh hùng của đại tá Nguyễn Đăng Giáp”.
Một thời binh đao chiến trận nay trả lại cho đời nốt nhạc, vần thơ như một thông điệp xuyên suốt tư tưởng sống của Nguyễn Đăng Giáp và những tác phẩm ông để lại cho đời như những quả ngọt của cuộc sống hôm nay. Ông không chỉ là tác giả của những tác phẩm thơ nhac mà còn là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhạc sĩ khi viết về ông. Khán giả thật xúc động khi nghe ca khúc: Ôi quê mẹ ân tình, nhạc của Doãn Tiến, lời thơ của Nguyễn Đăng Giáp, hay hùng tráng thiêng liêng “ Đền Diên Cờ” nhạc Doãn Tiến, thơ Mai Hồng Niên.
Đặc biệt khi nói về quê hương tuổi thơ của mình Nguyễn Đăng Giáp viết bài thơ: Năm tháng tuổi thơ tôi được nhạc sĩ Doãn Tiến phổ nhạc nghe hết sức da giết về cuộc đời của cậu bé được lớn lên trên một vùng đất địa linh nhân kiệt, được sống trong môi trường trong sáng và đẹp đẽ với bạn bè, thầy cô.
Khi viết về mẹ về cha, Nguyễn Đăng Giáp như nghẹn ngào với mỗi vần thơ như một tiếng nấc, một sự biết ơn công lao trời biển của cha mẹ qua bài "Cha tôi” nhạc của Doãn Tiến, thơ Nguyễn Đăng Giáp được ca sĩ Tùng Dương thể hiện đã làm nhiều khan giả rơi nước mắt. Hay bài Bên ngoại mẹ tôi do ca sĩ Thanh Thanh Hiền thể hiện quá xúc động. Chuyện cha con, nhạc của Trọng Lưu được Quang Linh thể hiện đã làm cả khán phòng lặng im đầy cảm xúc...
Trong những ngày lăn lộn trên tuyến đường Trường Sơn đầy ác liệt Nguyễn Đăng Giáp đã viết tác phẩm : Núi Trang đời đẹp nhất, được nhạc sĩ Minh Đạo phổ nhạc đã tái hiện một không khí hào hùng của những người chiến sĩ ra trận để lại hậu phương những ước mơ tuổi trẻ quyết dành lại độc lập tự do và thật xúc động khi nghe ca khúc Em tôi do ca sĩ Quang Linh thể hiện:tác giả nghẹn ngào khi nghe tin e mình hy sinh mặc dù được đồng đội chăm sóc cứu chữa nhưng tác giả không bi lụy trước sự mất mát lớn lao này mà biến thành sức mạnh sẵn sàng trút căm thù lên đầu địch.
Hòa bình lập lại từ người lính chiến đấu trở về với đời thường trên mặt trận xây dựng kinh tế đất nước với bao bộn bề khó khăn, nhưng thơ và nhạc luôn chắp cánh bên anh nâng bước anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ca khúc Hành trình chín năm, nhạc Doãn Tiến thơ Nguyễn Đăng Giáp đã ghi lại khí thế hừng hực trong lao động sản xuất của những người lính thợ. Họ sẵn sàng đi bất cư nơi đâu khi tổ quốc cần để dựng xây đất nước.
Đặc biệt "Hành trình xích thố" như một sự hiệu triệu một bước tiến mạnh mẽ của những người lính trên mặt trận xây dựng đất nước đầy cam go để đi tới những bến bờ vinh quang. Những tác phẩm thơ nhạc của Nguyễn Đăng Giáp toát lên tính trữ tình, tính nhân văn chân thật và mộc mạc như chính cuộc đời anh: Nốt lặng còn lại, nhạc Trọng Lưu, thơ Nguyễn Đăng Giáp, do Khánh Linh biểu diễn đã đọng lại trong mỗi người xem một cảm xúc đặc biệt. Hay Tình khúc mùa thu do ca sĩ Tùng Dương thể hiện nói lên tất cả cốt cách của tác giả, một con người giàu tình cảm sống có trách nhiệm với đời với xã hội.
Đêm thơ, nhạc của Nguyễn Đăng Giáp đã khép lại song đã để lại trong lòng bạn bè, người thân và khán giả yêu những tác phẩm của ông một cảm hứng đặc biệt , một sự mến phục về một con người sống có thủy có chung, có ý chí và nghị lực vươn lên chiến thắng. Con người sự nghiệp của ông chính là những nốt nhạc, vần thơ đã làm đẹp cho đời.