Nhóm người tự xưng từ Đài Loan cố tình làm chậm phán quyết về Biển Đông

Reuters không cho biết những người Đài Loan này thuộc tổ chức nào. Đài Loan đang chiếm đóng Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng. Ảnh: Reuters
Đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng. Ảnh: Reuters

Một nhóm người Đài Loan đã đệ trình một số chứng cứ liên quan đến vụ kiện Biển Đông cho Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) và nhấn mạnh rằng Đài Bắc cũng có quyền được hưởng đặc quyền kinh tế đối với một vùng ở Biển Đông (?), Reuters cho hay ngày 10.5.

Reuters không cho biết những người Đài Loan này thuộc tổ chức nào. Đài Loan đang chiếm đóng Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hồi tháng 4.2016, tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc cho phép Đài Loan trình những chứng cứ liên quan đến vụ Biển Đông mà Philippines kiện Trung Quốc, dù Đài Loan không có liên quan trong vụ kiện cũng như không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Đài Loan cũng không tham gia ký kết UNCLOS, cơ sở pháp lý để tòa giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Dẫn các nguồn tin ngoại giao và pháp lý, Reuters cho biết tòa ở The Hague đang xem xét những chứng cứ của Đài Loan, đồng thời sẽ thẩm vấn thêm từ phía Philippines và cả Trung Quốc dù Bắc Kinh tuyên bố tẩy chay và từ chối tham gia phản biện trước tòa.

Theo Reuters, việc can thiệp của Đài Loan sẽ làm chậm thời gian đưa ra phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, tức vào tháng 7 thay vì cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.2016 như dự kiến và cũng có thể làm thay đổi nội dung của phán quyết.

Trong đơn kiện chống lại Trung Quốc, Philippines nói rằng những bãi đá, đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa không thể được xem là đảo, vì vậy không thể công nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Manila xem Ba Bình là “hòn đá”, không phải đảo.

Tuy nhiên, Đài Bắc phản biện Manila, nói rằng “Ba Bình có sự sống và được xem như một hòn đảo theo UNCLOS”. Từ đó, Đài Loan cho rằng Ba Bình phải được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý như bất kỳ hòn đảo nào có sự sống.

Chưa có phản hồi nào từ tòa trọng tài đối với yêu cầu của Đài Loan. Trung Quốc cho biết ủng hộ Đài Loan với “đòi hỏi đặc quyền kinh tế 200 hải lý” và xem đó là “tài sản của tổ tiên mà nhân dân ở 2 bờ eo biển có nhiệm vụ phải gìn giữ" (!).

Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore nói rằng việc  toà án xem xét yêu cầu của Đài Loan có ý nghĩa quan trọng. "Nó cho thấy rằng tòa đang cố gắng không thiên vị và xem xét quan điểm, yêu cầu của tất cả các bên liên quan, kể cả Trung Quốc, phía luôn từ chối tham gia, và Đài Loan vốn không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc", ông Storey nói Reuters.

Dù không thích tòa án cho Đài Loan cơ hội thể hiện quan điểm, yêu cầu trong "không gian quốc tế", nhưng đối với vấn đề Biển Đông này "Bắc Kinh có thể sẽ nhìn nó dưới góc độ khác", ông Storey nói thêm.

Theo Thanh Niên