Đó là một trong số những nhận định mà ông Daniel Coats – Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ - đưa ra trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 5 vừa qua.
Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ vận dụng các khả năng chiến tranh mạng, tình báo mạng của họ để thách thức nước Mỹ trong tương lai có thể thấy trước. Cả hai quốc gia này để sở hữu các lực lượng có đủ khả năng để đánh cắp thông tin hoặc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Mỹ. Trên thực tế một số trường hợp, dữ liệu mật về một số thiết bị quân sự tối tân bậc nhất của Mỹ - trong đó có tiêm kích F-22 Raptor, F-35 của Lockheed Martin, mẫu V-22 Osprey của Bell-Boeing – giờ đang nằm trong tay của những bên thù địch nước ngoài do hậu quả của hoạt động gián điệp mạng.
“Các mối đe dọa trên không gian mạng đang thách thức niềm tin của cộng đồng đối với các thể chế, nhà quản lý, quy tắc toàn cầu; cùng lúc gây ra tồn thất về chi phí cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu” – Daniel Coats, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, nói trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 11/5 – “Các mối đe dọa này cũng làm tăng rủi ro đối với sức khỏe, sự an toàn và sự thịnh vượng của người dân, bởi các công nghệ không gian mạng tích hợp với cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực quan trọng”.
Nga hiện là quốc gia có tiềm lực lớn nhất xét về không gian mạng. “Moscow có một chương trình tấn công mạng cực kỳ hiện đại, và trong những năm gần đây, Điện Kremlin đã thể hiện thái độ hung hăng hơn nhiều trên không gian mạng” – ông Coats nói – “Sự hung hăng này là bằng chứng cho thấy các nỗ lực của Nga trong việc gieo tầm ảnh hưởng tới kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và chúng tôi đánh giá rằng chỉ có những quan chức cấp cao nhất của Nga mới có quyền chỉ đạo đánh cắp dữ liệu kỳ bầu cử năm 2016 và tiết lộ chúng, dựa trên sự nhạy cảm và giá trị của các mục tiêu này”.
Mối đe dọa sẽ chỉ tiếp tục gia tăng khi mà Điện Kremlin tăng cường khả năng của họ. “Chúng tôi nhận định rằng các chiến dịch mạng của Nga sẽ tiếp tục nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh để thu thập thông tin tình báo, hỗ trợ Nga trong việc đưa ra quyết định, thực hiện các chiến dịch ảnh hưởng để phục vụ các lợi ích chính trị, quân sự của Nga, và chuẩn bị môi trường mạng cho các tình huống trong tương lai” – ông Coats nói.
Bắc Kinh, trong khi đó, cố gắng giảm nhẹ giọng điệu về các hoạt động do thám và chiến tranh không gian mạng – nhưng họ rõ ràng là một bên hoạt động tích cực. “Chúng tôi đánh giá rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nhằm vào Chính phủ Mỹ, các đồng minh của Mỹ, các công ty Mỹ trong hoạt động do thám không gian mạng” – ông Coats nói – “Giới chuyên gia an ninh thuộc khu vực tư nhân tiếp tục nhận định về các hoạt động mạng của Trung Quốc, dù quy mô giảm đi nhiều so với thời điểm trước khi có các cam kết không gian mạng song phương Mỹ-Trung hồi tháng 9/2015. Bắc Kinh cũng sử dụng các chiến dịch tấn công mạng có lựa chọn nhằm vào nhiều mục tiêu nước ngoài mà họ tin rằng sẽ đe dọa sự ổn định hay tính hợp pháp của chính quyền Trung Quốc”.
Theo nhiều cách, Mỹ đã hứng chịu tổn thất rồi. Bắc Kinh đã thu được hàng tá thông tin kỹ thuật về nhiều hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ như F-22 và F-35.
“Các bên thù địch sẽ tiếp tục sử dụng chiến dịch mạng để làm suy yếu quân đội và lợi thế thương mại của Mỹ, bằng cách tấn công vào ngành công nghiệp quốc phòng và các doanh nghiệp Mỹ để thu về thông tin khoa học, kỹ thuật và kinh doanh” – ông Coats nói – “Những ví dụ điển hình có thể kể ra như, việc đánh cắp dữ liệu của tiêm kích tàng hình F-35, phi cơ chiến đấu F-22 Raptor, và mẫu MV-22 Osprey.
Thêm vào đó, các bên thù địch thường nhắm vào dữ liệu cá nhân của quan chức trong Chính phủ cùng các đối tác trong khu vực tư nhân của họ. Hoạt động do thám này giúp giảm chi phí và thúc đẩy việc phát triển các hệ thống vũ khí của một nước bên ngoài, cho phép họ phát triển các biện pháp đánh chặn, và làm suy yếu các lợi thế về quân sự, ky thuật, thương mại của Mỹ”.
Lầu Năm Góc từ lâu đã nhìn ra hậu quả của các hoạt động đánh cắp dữ liệu như vậy, trong bối cảnh mà Trung Quốc đã ra sức phát triển các hệ thống vũ khí tối tân mà dường như là dựa trên công nghệ của Mỹ. Nhiều ví cụ cho thấy các vũ khí tối tân của Trung Quốc nhìn không khác gì của Mỹ, như các mẫu tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 hay Shenyang J-31, và các hệ thống phóng điện từ sẽ được lắp đặt trên các hàng không mẫu hạm thế hệ tiếp theo của Bắc Kinh. Thực tế là vấn đề sẽ chỉ trở nên càng tồi tệ hơn, trừ khi Mỹ tăng cường trấn áp mối đe dọa này.