|
Apple đạt kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng bất chấp dịch bệnh hoành hành. |
Theo TidBITS, Apple đã trở thành một công ty có khả năng cải thiện nghịch cảnh (Antifragile) thông qua các chuỗi cung ứng mạnh mẽ và các sản phẩm dịch vụ đa dạng. Nhưng báo cáo cũng cho biết Apple phải đối mặt với rủi ro về quy định của chính phủ Mỹ và năng lực sản xuất chip không ổn định.
Bằng cách nghiên cứu và phát triển chip độc lập, đồng thời xây dựng danh mục sản phẩm đa dạng, Apple đã sớm hình thành khả năng cải thiện nghịch cảnh và chịu được các tác động rủi ro từ bên ngoài.
Khả năng cải thiện nghịch cảnh là một khái niệm được đề xuất đầu tiên bởi Nicholas Nassim Taleb trong tác phẩm "Học Gì Từ Anti-Fragile: Thăng Hoa Trong Hỗn Loạn - Kháng Thương Trước Nghịch Cảnh" (Antifragile: Things That Gain from Disorder). Ông tin rằng khả năng chống lại nghịch cảnh đề cập đến khả năng của một số công ty được hưởng lợi từ các điều kiện thị trường hỗn loạn và thúc đẩy sự phát triển của chính họ.
Theo TidBITS, Apple đã thu được rất nhiều lợi ích từ cú sốc "thiên nga đen" của đại dịch, do đó, Apple có một mức đề kháng tổn thương nhất định, tức là khả năng chống rủi ro.
Trước đợt thử nghiệm kép "dịch bệnh + thiếu chip" vào năm 2020, Apple có lợi thế ở lĩnh vực nào? Apple cải thiện khả năng chống lại rủi ro bằng những cách nào? Bên cạnh đó, Apple đang phải đối mặt với những thách thức nào?
1. Apple có ba lợi thế lớn: quyền cung cấp ưu tiên, chip tự phát triển và khả năng cạnh tranh trên thị trường
|
Doanh thu của Apple theo sản phẩm trong quý 2 giai đoạn 2018-2021. Ảnh: TidBITS |
Trước đó, Apple đã chi hàng tỉ USD để đảm bảo an toàn cho các bộ phận trong chuỗi cung ứng, vì vậy Apple sẽ không xuất hiện tình trạng sụt giảm mạnh các lô hàng sản phẩm hoặc thậm chí ngừng sản xuất do thiếu chip.
Apple thông báo rằng họ sẽ đầu tư 38 tỉ USD vào các công ty sản xuất chip trong quý 3 năm 2021, tăng 26% so với quý trước. Ben Bajarin, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Creative Strategies, cho rằng Apple đang muốn "tạo vòng vây" quanh các nhà cung cấp chip và hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài để giành quyền ưu tiên từ các nhà cung cấp. Do đó, khi các nhà sản xuất khác đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan vì thiếu chip, Apple đã đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng của chính mình.
|
Nhà phân tích Ben Bajarin tin rằng Apple sử dụng các đơn đặt hàng dài hạn để giành được sự ưu tiên của các nhà cung cấp.
Việc Apple lựa chọn nghiên cứu và phát triển chip độc lập cũng giành được lợi thế nhất định trong thử nghiệm kép này. Vào tháng 11/2020, Apple chính thức ra mắt chip M1 tự phát triển tại hội nghị ra mắt sản phẩm mới để thay thế bộ vi xử lý Intel trong máy tính Mac.
Điều này có nghĩa là Apple không cần tranh giành đơn đặt hàng CPU Intel với các nhà sản xuất khác và có thể trực tiếp giao thiết kế chip cho TSMC và các xưởng đúc khác để sản xuất và giành quyền ưu tiên từ các xưởng đúc chip. Ngoài ra, chip M1 vượt trội so với vi xử lý Intel về hiệu năng và mức tiêu thụ năng lượng cũng thúc đẩy doanh số thị trường máy tính Mac tăng trưởng, lập kỷ lục doanh số cao nhất trong quý 2 năm 2021 với 80,1 triệu máy.
Đồng thời, TidBITS báo cáo rằng không có đối thủ cạnh tranh nào có thể thay thế tầm ảnh hưởng toàn cầu của Apple, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Do đó, khi Trung Quốc trở thành thị trường phục hồi nhanh nhất thế giới dưới tác động của đại dịch, cú sốc "thiên nga đen" đối với Apple đã được giảm thiểu ở một mức độ nhất định.
Đa dạng hóa sản phẩm + dịch vụ, Apple chuẩn bị trước kế hoạch B
|
Hệ sinh thái của Apple. |
TidBITS tin rằng khi các nhà phân tích hỏi về tác động của dịch bệnh đối với Apple trong cuộc họp hội nghị quý 3 của Apple, câu trả lời của giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple đã chứng minh rằng khả năng chống lại rủi ro của Apple là rất mạnh.
Giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple cho biết dịch bệnh này đã buộc Apple phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng bán lẻ và người dùng khó có thể nhận được dịch vụ sửa chữa ngoại tuyến. Doanh số của iPhone và Apple Watch cũng bị ảnh hưởng. Nhưng cũng vì công tác phòng chống dịch, người dân có nhu cầu làm việc và học tập tại nhà, nhu cầu thiết bị điện tử tăng mạnh, doanh số bán iPad và máy tính Mac tăng nhanh.
Về dịch vụ sản phẩm, việc đóng cửa các trung tâm mua sắm ngoại tuyến cũng khiến hoạt động kinh doanh sản phẩm Apple Care của Apple bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng mảng kinh doanh quảng cáo cũng dần chậm lại. Tuy nhiên, do một số tụ điểm vui chơi giải trí đóng cửa trong thời gian kiểm soát dịch bệnh nên các dịch vụ giải trí như Apple Music, Apple TV + cũng được đông đảo người dùng yêu thích.
Ngoài ra, Apple không chỉ có danh mục sản phẩm đa dạng mà còn có hai phương thức mua sắm từ cửa hàng ngoại tuyến và cửa hàng trực tuyến. Vì Apple có kênh bán hàng cho các cửa hàng trực tuyến nên so với các nhà sản xuất khác, Apple ít bị ảnh hưởng hơn bởi việc đóng cửa các cửa hàng ngoại tuyến.
Không chỉ vậy, báo cáo cho rằng sự sụt giảm doanh số của các sản phẩm dòng iPhone sẽ không làm gián đoạn xu hướng tăng trưởng của toàn bộ chuỗi cung ứng của Apple. Như trong quý 2 năm 2020, khi doanh thu của các sản phẩm dòng iPhone sụt giảm thì doanh thu của mảng kinh doanh dịch vụ và thiết bị đeo lại có dấu hiệu tăng lên. Ngoài ra, Apple có thể kiếm tiền từ iPhone thông qua các dịch vụ và phụ kiện để tăng doanh thu thông qua các sản phẩm khác như máy tính Mac và iPad.
Với sự giám sát ngày càng tăng của chính phủ, sự phát triển của Apple phải đối mặt với ba thách thức lớn
TidBITS báo cáo rằng Apple gần đây đang mâu thuẫn với các cơ quan quản lý của chính phủ trong một số khía cạnh kinh doanh của mình, đặc biệt là App Store, nhưng các sản phẩm và dịch vụ đa dạng của Apple có thể giảm tác động tiêu cực từ quy định của chính phủ.
Báo cáo của TidBITS cũng đề cập rằng do tuổi tác, Tim Cook (hiện 60 tuổi) có thể từ chức trong vòng 5 đến 10 năm tới, và CEO tiếp theo của Apple cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của Apple.
Về sản xuất sản phẩm, vì nhiều xưởng đúc chip trên thế giới đặt tại Đài Loan, bao gồm cả TSMC - đối tác của Apple, năng lực sản xuất chip không ổn định của TSMC có thể làm giảm đơn đặt hàng của Apple và ảnh hưởng đến các lô hàng của Apple.
Kết luận: Với nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng cải thiện nghịch cảnh, Apple đã trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất
Báo cáo của TidBITS cho rằng Apple đã từng bước nâng cao khả năng chống lại rủi ro bằng cách tăng cường đầu tư vào hệ thống chuỗi cung ứng, nghiên cứu và phát triển chip độc lập, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sản phẩm đa dạng.
Theo báo cáo của Forbes đầu tuần này, Apple đứng đầu trong số các công ty toàn cầu với lợi nhuận cao 57,4 tỉ USD, trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Năm ngoái, Apple cũng vượt qua "ông lớn" ngành dầu mỏ Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út, trở thành công ty đạt được lợi nhuận cao nhất trong năm 2020.
Sự cố "thiên nga đen" bùng phát toàn cầu cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho sự phát triển của các công ty toàn cầu, khi các công ty nhanh chóng tăng tốc độ phát triển kinh doanh thì phải có khả năng chống chọi với rủi ro để không bị thiệt hại lớn trước những cú sốc thị trường.
Theo QQ