Tại sao Xiaomi có thể vượt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Không chỉ vượt Apple, Xiaomi đang có kế hoạch để lật đổ cả Samsung trong tương lai không xa.
Ảnh: NepatiTelecom
Ảnh: NepatiTelecom

Trong năm qua, những biến số lớn nhất trên thị trường điện thoại di động toàn cầu là Huawei và Xiaomi.

Vào ngày 15/7, công ty nghiên cứu Canalys Research đã đưa ra một báo cáo cho quý 2. Đáng chú ý nhất là các lô hàng của Xiaomi đã tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua Apple để trở thành công ty lớn thứ hai thế giới, trong khi nguồn cung và doanh số bán hàng của Huawei giảm từ thứ nhất thế giới xuống thứ sáu.

Trên thực tế, sự tăng trưởng của Xiaomi đã sớm bắt đầu. Kể từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2020, thị trường nước ngoài là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của Xiaomi. Trong số 83% lượng hàng tăng đột biến, 70% đến từ nước ngoài. Trong đó, thị trường Mỹ Latinh, châu Phi và Tây Âu lần lượt đóng góp 300%, 150% và 50% mức tăng trưởng.

Sự phát triển nhanh chóng của Xiaomi ở nước ngoài không thể tách rời tác động các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Huawei. Ngoài ra, dịch bệnh đã định hình lại lối sống và cách tiêu dùng của người dân ở một số quốc gia, tạo ra nhu cầu khắt khe đối với điện thoại thông minh. Tuy nhiên, tại sao Xiaomi lại nắm bắt được cơ hội thay vì các thương hiệu điện thoại di động khác?

Báo cáo của Canalys cho thấy thị phần điện thoại di động toàn cầu của Xiaomi đã tăng lên vị trí thứ hai. Ảnh: Canalys
Báo cáo của Canalys cho thấy thị phần điện thoại di động toàn cầu của Xiaomi đã tăng lên vị trí thứ hai. Ảnh: Canalys

Tại sao lại là Xiaomi?

Kể từ ngày 17/8/2020, Huawei đã bị chính phủ Mỹ hạn chế hoàn toàn, Huawei không thể sử dụng hệ thống Android của Google, đồng thời cũng không có chip cao cấp, khó xuất xưởng và doanh số giảm mạnh. Samsung, Apple, Xiaomi, Vivo và OPPO đã ít nhiều chiếm thị phần của Huawei.

Bà Nicole Peng, Phó Chủ tịch Bộ phận Di động Toàn cầu tại Canalys, nói với Geek Park: "Nếu nói rằng sự ra đi của Huawei dẫn đến sự phát triển của Xiaomi thì đây chỉ là quan điểm một chiều. Các nhà phân phối từng hợp tác với Huawei không chỉ chọn mỗi Xiaomi. Mối quan hệ giữa Samsung, Apple và các thương hiệu khác với các nhà phân phối luôn rất ổn định. Họ sẽ không bao giờ bỏ tất cả trứng cùng một giỏ".

Sự tăng trưởng toàn cầu về nhu cầu đối với điện thoại thông minh phải bắt đầu từ sự bùng phát của đại dịch.

Thứ nhất, đại dịch đã phổ biến việc sử dụng điện thoại thông minh giá rẻ ở các thị trường Internet mới nổi. Về vấn đề này, nhận thức của người tiêu dùng tại nước đã phần nào kiểm soát dịch như Trung Quốc không sâu sắc như ở nước khác. Hầu hết các khu vực vẫn nằm trong "bóng đen" của coronavirus. Ví dụ, tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, các chủng virus mới đột biến có khả năng lây nhiễm cao vẫn đang hoành hành.

Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, bà Nicole nhận xét, "Nhiều trẻ em ở Indonesia đang sử dụng điện thoại thông minh màn hình lớn cho các bài học trực tuyến, bởi vì máy tính quá đắt, hơn nữa chúng cần được kết nối với WiFi, và người dân địa phương không có điều kiện để lắp đặt WiFi trong nhà của họ". Một số trẻ em sẽ mang điện thoại di động đến các đền thờ Hồi giáo để tham dự các lớp học, vì WiFi ở đó miễn phí cho học sinh.

Tương tự như Indonesia, tại các thị trường Internet mới nổi với các nền kinh tế kém phát triển như Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, nhu cầu sử dụng điện thoại di động của nhiều tầng lớp do dịch bệnh đã đóng góp một phần không nhỏ vào doanh số điện thoại giá rẻ.

Thứ hai, dịch bệnh đã khiến một số người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng "suy thoái tiêu dùng". Ngay cả trong một thị trường đang trong giai đoạn "nâng cấp tiêu dùng", người dân vẫn cần điện thoại di động giá rẻ, tiết kiệm chi phí.

Tại Brazil, mua sắm trả góp chiếm khoảng 80% tổng lượng giao dịch. "Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của mọi người, từ có việc làm trở thành không có việc làm. Nếu bạn có khả năng chi hơn 200 USD, bạn phải chọn dưới 200 USD. Dịch bệnh đã thay đổi thói quen tiêu dùng. Ví dụ, Ấn Độ, được cho là đang trong giai đoạn nâng cấp tiêu dùng, cũng đang phải đối mặt với "suy thoái tiêu dùng".

Về mặt này, Apple luôn giữ vững vị trí trong thị trường cao cấp và các sản phẩm của họ không đáp ứng được nhu cầu về giá cả. "Dịch bệnh không làm thay đổi người tiêu dùng chính của các thiết bị cao cấp. Công nhân cổ cồn trắng vẫn đi làm và thu nhập của họ sẽ không giảm". Đây cũng là một trong những lý do khiến Apple bị vượt mặt lần này.

Và các sản phẩm giá rẻ và tầm trung chính là điểm mạnh của Xiaomi. Theo dữ liệu, trong quý 2 năm 2019, Xiaomi đã bán được 4,3 triệu chiếc ở châu Âu, với 9,6% thị phần, đứng thứ 4; sau khi dịch bệnh bùng phát, trong quý 2 năm 2020, doanh số bán hàng của Xiaomi ở châu Âu đạt 7,1 triệu chiếc với thị phần 17%, đứng thứ ba, với mức tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu tiên của năm 2021, thị phần của Xiaomi ở châu Âu là 22,7%, đứng thứ hai và trong quý thứ hai của năm 2021, con số này tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, lực lượng chính trong cuộc đổ bộ tấn công của Xiaomi là điện thoại di động Redmi giá rẻ, chiếm khoảng 70% tổng số lô hàng của Xiaomi. So với Samsung và Apple, giá bán trung bình của điện thoại di động Xiaomi rẻ hơn lần lượt khoảng 40% và 75%.

Giá của Redmi phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người dùng nước ngoài trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Xiaomi
Giá của Redmi phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người dùng nước ngoài trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Xiaomi

Thứ ba, mặc dù dịch bệnh đã gia tăng thêm nhu cầu về điện thoại di động giá rẻ và trung bình ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á và các khu vực khác, nhưng liệu các nhà sản xuất điện thoại di động có thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ này hay không mới là chìa khóa. Rõ ràng, phần thị trường này chủ yếu do Xiaomi nắm bắt chứ không phải Vivo, OPPO, Samsung,... Để có thể giành chiến thắng trong trận chiến này, các hãng cần phải bố trí trước ít nhất một năm.

Quá trình Internet ở nước ngoài khác với Trung Quốc. Ở Mỹ Latinh, quy mô thương mại điện tử chỉ chiếm 4,4% tổng doanh thu bán lẻ, trong khi Trung Quốc hiện là gần 30%. Việc chuyển phát nhanh trong vòng 20-40 ngày là điều người dân địa phương có thể chấp nhận nhưng điều này là không thể chấp nhận được ở Trung Quốc.

Nhiều thị trường trước đây chủ yếu dựa vào các kênh ngoại tuyến. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến nhiều cửa hàng ngoại tuyến phải đóng cửa trong một thời gian dài và mọi người phải bắt đầu mua điện thoại di động trực tuyến.

"Mô hình kinh doanh của Xiaomi có những lợi thế lớn trong thời kỳ dịch bệnh. Cơ cấu tổ chức của hãng tinh gọn, hiệu quả và phản ứng nhanh". Bà Nicole cho biết khi dịch bệnh mới bắt đầu, bà đã trao đổi với giám đốc điều hành cấp cao của Xiaomi. Bên kia đã hứa rằng họ sẽ hỗ trợ các nhà bán lẻ ngoại tuyến chuyển sang trực tuyến và việc chuyển đổi đã hoàn thành chỉ sau sáu tuần.

Trên thực tế, Xiaomi đã bắt đầu triển khai bán lẻ trực tuyến ở nước ngoài từ rất sớm. Từ khi gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 2014 đến khi mở cửa thị trường châu Âu vào năm 2017, Xiaomi đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực thương mại điện tử trực tuyến với các nhà khai thác và các kênh tiêu thụ.

Ngược lại, mãi đến đầu năm 2020, OPPO mới đặt trụ sở ở Tây Âu. "Việc xây dựng các kênh trực tuyến không thể thực hiện trong một hoặc hai tuần. Có thể mất một hoặc hai quý".

Do đó, khi đại dịch xảy ra, hiệu quả chuyển đổi nhanh hơn của Xiaomi và cách bố trí mà hãng đã bắt đầu trước đó có thế mạnh cạnh tranh trước các đối thủ và chiếm lấy nhu cầu của người tiêu dùng cấp thấp.

Lei Jun phát hành điện thoại di động dòng Mi 11 cao cấp. Ảnh: Xiaomi
Lei Jun phát hành điện thoại di động dòng Mi 11 cao cấp. Ảnh: Xiaomi

Tiếp theo đây, thử thách sẽ càng khó hơn

Giống như tại thị trường nội địa Trung Quốc, Xiaomi cũng đóng vai trò "kẻ hủy diệt flagship" ở thị trường nước ngoài. "Hiệu quả về chi phí" và việc sử dụng các kênh trực tuyến là những chiến lược quan trọng của Xiaomi.

Tuy nhiên, dù lượng hàng đã thăng hạng lên vị trí thứ hai nhưng không thể khẳng định sức mạnh và vị thế của Xiaomi cũng vươn lên vị trí thứ hai. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, trong năm 2018, Apple thu được 73% lợi nhuận của thị trường điện thoại di động toàn cầu, Samsung chiếm 13% lợi nhuận, hai công ty chia nhau gần 90% lợi nhuận của thị trường điện thoại di động toàn cầu.

Nicole đánh giá: "Dịch bệnh ít ảnh hưởng đến nhu cầu từ trung cấp đến cao cấp. Phần nhu cầu trung cấp đến cao cấp mà Huawei bỏ trống chủ yếu do Samsung và Apple tiếp nhận".

Các nhà sản xuất Trung Quốc không có cách nào làm lung lay vị thế của Samsung và Apple trên thị trường cao cấp. Xiaomi đặt giá điện thoại di động cao cấp từ 3.000 NDT hoặc 300 euro trở lên vào năm 2020 và doanh số toàn cầu sẽ đạt gần 10 triệu chiếc. Nhưng nhìn vào iPhone, trong quý 4 năm 2020, chỉ riêng tại Trung Quốc, Apple đã có 18 triệu chiếc iPhone được bán ra, khoảng cách là rất lớn.

Ai cũng muốn sở hữu thiết bị cao cấp. Nhưng giá cao không có nghĩa là cao cấp mà dựa phải vào sự đầu tư vào công nghệ cốt lõi.

Ảnh: GSMArena

Ảnh: GSMArena

Kể từ khi Xiaomi ra mắt dòng điện thoại Mi 10 cao cấp đầu tiên của mình, hãng đã liên tục đổi mới trong các lĩnh vực quan trọng, như hình ảnh, màn hình, sạc, hệ thống sản xuất thông minh và nhiều hơn thế nữa. Xiaomi đầu tư với mục tiêu đạt được sự đột phá trong thị trường cao cấp, mang công nghệ tiên tiến hàng đầu cho người tiêu dùng và giúp định hình hướng đi của ngành.

Tuy nhiên, so với các ông lớn khác, Xiami có tuổi đời quá trẻ. Samsung Electronics được thành lập vào năm 1969, Apple được thành lập vào năm 1976 và Huawei được thành lập vào năm 1987. Xiaomi vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn bắt kịp tích lũy công nghệ. Nếu muốn đánh vào phân khúc cao cấp, Xiaomi phải chi nhiều hơn trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ.

CEO Xiaomi - Lei Jun cũng thừa nhận, "Chúng tôi vẫn còn trẻ, và tích lũy vẫn chưa đủ. Chúng tôi phải giữ bình tĩnh trong cuộc chiến sắp tới".

Theo Geek Park