|
Sản phẩm trà hoa vàng được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, hơn 1 năm trước, tháng 8/2022, tại Hội chợ thương mại Việt - Lào 2022 diễn ra ở Thủ đô Viêng Chăn - Lào, những đơn hàng đầu tiên của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã đến với thị trường Lào.
Với khoảng 200 sản phẩm bao gồm: Trà giảo cổ lam, trà ích huyết minh não, trà bổ gan, viên dạ dày, viên an đường, viên xương khớp... trị giá khoảng 30 triệu đồng đã được các doanh nghiệp tại Lào thu mua.
Nhắc đến sự kiện này, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng Phòng kinh doanh, Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc - cho biết đây là những đơn hàng để doanh nghiệp nước bạn trải nghiệm và giới thiệu đến khách hàng. Đến nay, sản phẩm nhận được những phản hồi tích cực. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, đưa dược liệu Quảng Ninh đến các thị trường trong khu vực Đông Nam Á thông qua kênh mua bán online và truyền thống.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, một số thị trường như: Lào, Indonesia, Malaysia, Phillippine rất ưa chuộng sản phẩm dược liệu. Những thị trường này mới được doanh nghiệp Việt Nam sang khai thác nên còn nhiều tiềm năng, không phải cạnh tranh gay gắt như thị trường trong nước.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm dược liệu sang các quốc gia này cũng phải tìm hiểu kỹ thị hiếu của khách hàng. Đơn cử như ở Lào, người dân có nhu cầu sử dụng trà thảo mộc nhiều hơn thực phẩm chức năng. Còn ở các quốc gia như Indonesia, Malaysia hay Phillippine, họ quan tâm nhiều đến chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, việc ứng dụng mua bán online, thương mại điện tử các sản phẩm chất lượng cao sẽ được ưa chuộng hơn.
Không chỉ các sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, một số sản phẩm dược liệu khác của tỉnh Quảng Ninh cũng hướng đến xuất khẩu, đáp ứng những nhu cầu khắt khe của thị trường châu Âu. Tiêu biểu nhất là các sản phẩm quế hữu cơ của huyện Đầm Hà, Tiên Yên đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) chứng nhận và đạt điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.
Với định hướng trở thành trung tâm dược liệu của các tỉnh Đông Bắc nói riêng và của cả nước nói chung, Quảng Ninh đã chủ động bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu phong phú, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, xây dựng thương hiệu, từng bước vươn tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Quảng Ninh hiện có hơn 900 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ dược liệu, trong đó có 23 sản phẩm đã được gắn sao./.