Theo kết quả kiểm tra liên ngành về việc quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô, vừa được Bộ Tài chính công bố chiều 11/2, trong số 4 đơn vị vận tải tuyến cố định ở Hà Nội, có một nửa được yêu cầu cần giảm tiếp vì mức điều chỉnh còn hạn chế.
Cụ thể, đây là hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này, gồm chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long và Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội - một thành viên của Tổng công ty vận tải Hà Nội.
Tương tự, khi kiểm tra 2 doanh nghiệp hành khách tuyến cố định tại Đà Nẵng, cả 2 đơn vị cũng được cơ quan thanh tra đề nghị phải giảm giá tiếp và đây đều là hai cái tên khá quy mô, gồm Công ty cổ phần Xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng và Công ty Hải Vân.
Trong khi đó, đối với khối taxi, hai doanh nghiệp có mức giảm ít cũng thuộc vào hàng lớn là HTX Vận tải Nội Bài và Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài. Một cái tên quen thuộc cũng bị liệt vào danh sách cần giảm giá mạnh hơn là taxi Mai Linh miền Trung tại Đà Nẵng.
Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đợt thanh tra trong tháng 1/2015 ngoài việc bám sát diễn biến đợt giảm giá xăng dầu sâu cuối năm 2014 thì còn tập trung vào các doanh nghiệp “giảm giá hình thức” mà cuộc kiểm tra trước đó đã cho thấy.
Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp này đều cam kết sẽ giảm giá với thời hạn cụ thể. Sau thời gian này, nếu không giảm, cơ quan quản lý sẽ đề nghị các địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, trong đợt kiểm tra tháng 1 vừa qua, có một đơn vị đã bị lập biên bản vi phạm là HTX Vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương). Doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vì hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu giải trình các chi phí kèm theo hồ sơ.
Thống kê của Bộ Tài chính cho biết tính từ tháng 7/2014 đến 21/1/2015 giá xăng đã giảm 38,9% trong khi giá dầu giảm 33,1%,
Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó chánh thanh tra Bộ, có 3 loại chi phi chính trong cấu thành giá hoạt động vận tải gồm nhiêu liệu, tiền công và khấu hao xe. Trong số này, nhiên liệu là chi phí chính (taxi 20-37%, phổ biến ở mức 25%). “Do đó, quy ngược trở lại, việc cước vận tải chỉ giảm phổ biến ở mức 5-10% thời điểm cuối năm 2014 là chưa tương xứng”, ông Tuyến nói.
Theo VnExpress