|
Internet of Things là xu hướng của thế giới công nghệ, nơi mọi thứ kết nối với nhau dễ dàng trong một thể thống nhất. |
Đồng thời với lễ ra mắt Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IOCV - IoT Open Community for Vietnam), cũng ngay trong chiều qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị G9 lần thứ nhất của cộng đồng này về chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Vị thế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”. Sự kiện có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, CNTT , thương mại và dịch vụ.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0) đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Vinh, việc ra mắt Cộng đồng Mở IoT Việt Nam mở ra một cách làm hoàn toàn mới cho việc phát triển CNTT tạo nên một làn sóng mạnh mẽ với sự đóng góp của cộng động CNTT nói chung và các doanh nghiệp CNTT nói riêng trong công cuộc phát triển đất nước.
Là cộng đồng từ nguyện và mở, được đề xuất bởi Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI-ITB), Công ty CP Phát triển nguồn mở và dịch vụ FSD, Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VIELINA), Công ty CP NetNam, Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology), Cộng đồng Mở IoT Việt Nam được thành lập với sứ mệnh “tập hợp nguồn lực xã hội trong việc phát triển IoT mở, chia sẻ tự do, miễn phí cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động trên toàn cầu”.
Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng VCCI-ITB cho biết, dù mới phát triển nhưng Cộng đồng Mở IoT Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tham gia của các công ty lớn nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là CNTT. Sau 1 tháng vận động, dưới sự bảo trợ, đồng hành của VCCI và đối tác cộng đồng là Câu lạc bộ Phầm mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cùng Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Cộng đồng Mở IoT Việt Nam đã kết nạp 21 đơn vị, công ty thành viên.
Các đơn vị, doanh nghiệp thành viên của Cộng đồng Mở IoT Việt Nam là: VCCI-ITB, Công ty CP Hạ tầng Viễn thông CMC; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Delco, Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam; Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội, Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC (CMC Software), Công ty CP Phát triển nguồn mở và dịch vụ FSD, VIELINA; Công ty CP NetNam; VNPT Technology, Công ty TNHH một thành viên Viễn thông số VTC (VTC Digicom), Công ty ePacific; Công ty CP Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L; Trung tâm Quan trắc môi trường, Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học Công nghiệp, Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty CP VNG, Công ty CP Công nghệ liên kết truyền thông COMLINK; Công ty CP tin học Bình Minh, Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghệ điện tử - tự động hóa ELATEC và Đại học trực tuyến FUNiX.
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia Cộng đồng Mở IoT Việt Nam, ông Lê Văn Lợi nhấn mạnh: “IoT là một thành phần của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu, phát triển của Việt Nam không thể đứng ngoài”. Cụ thể, với đơn vị nghiên cứu, đây là cơ hội kiểm nghiệm khả năng của đơn vị mình về IoT. Còn với các đơn vị kinh doanh, tham gia Cộng đồng, các đơn vị này sẽ có thêm cơ hội lựa chọn được công nghệ và đối tác phù hợp.
Trong kế hoạch hoạt động năm 2017, ngoài việc kêu gọi tham gia, ra mắt cộng đồng và tổ chức Hội nghị G9 lần thứ nhất, Cộng đồng Mở IoT Việt Nam dự kiến sẽ tiến hành khảo sát, điều tra khoảng 1.000 doanh nghiệp về thị trường IoT; tổ chức Talk Show về IoT; tổ chức IoT Day.
Bên cạnh đó, Cộng đồng Mở IoT Việt Nam cũng sẽ tổ chức hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và IoT; Mô phỏng 3 vấn đề IoT, tổ chức test kết quả 3 vấn đề IoT đã được mô phỏng; xây dựng Trung tâm IoT (tư vấn, hỗ trợ) và tổ chức hội nghị G9 lần thứ hai.