Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến 1.9, toàn thành phố đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014). Dịch đã phân bố ở 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Phúc Thọ). Số mắc cao ghi nhận tại các quận, huyện: Thanh Trì (248 ca), Hoàng Mai (241 ca), Hai Bà Trưng (182 ca), Hà Đông (149 ca).
Đáng lưu ý, số mắc liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8, riêng tháng 8 ghi nhận 633 ca mắc mới (chiếm 49,4% tổng số ca mắc từ đầu năm).
Nhận định về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh lo ngại, số ca mắc có thể tăng cao trong 4 tháng cuối năm. Đặc biệt, thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Bệnh chưa có vắc xin nên công tác phòng chống dịch bùng phát vẫn là diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi truyền bệnh trên diện rộng. Hiện đã có 61.000 hộ được phun hóa chấtngăn chặn sốt xuất huyết lây lan.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, sốt xuất huyết đang gia tăng tại nhiều tỉnh thành với hơn 25.000 ca mắc trong 8 tháng đầu năm nay (tăng 50% so với cùng kỳ 2014), trong đó có 16 trường hợp tử vong. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng biểu dương Hà Nội quyết liệt trong phòng chống sốt xuất huyết nhưng cũng lo ngại dịch còn gia tăng do sốt xuất huyết tại Thủ đô đang xảy ra trên diện rộng, quận, huyện nào cũng có ổ bệnh.
Sở Y tế Hà Nội cũng cảnh báo về các dịch bệnh nguy hiểm khác, trong đó đã ghi nhận 682 ca mắc tay chân miệng, 253 ca sốt phát ban, 14 trường hợp viêm não Nhật Bản, 148 trường hợp ho gà và 12 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Trước diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh nguy hiểm, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ, với diễn biến như hiện nay, sốt xuất huyết không còn ở cấp độ phòng mà phải ở cấp độdập dịch. Ông Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo ngành y tế Hà Nội đảm bảo đủ số thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động trong dự báo để ứng phó có hiệu quả.
Ngoài ra, các đơn vị điều trị phải thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân; chủ động phương án phân tuyến điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong.
Theo Thanh Niên