Ngày 17-3, HĐND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết thẳng thắn phân tích những mặt còn hạn chế trong đời sống văn hóa tại TPHCM.
40 năm giải phóng, TPHCM xây dựng được biểu trưng văn hóa nào?
Phó giáo sư tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy, chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu phát triển TP cho biết ông cảm thấy chua xót khi đã bao nhiệm kỳ ra nghị quyết, chủ trương để xây dựng một số thiết chế văn hóa thiết yếu, trọng tâm nhưng rồi đến nay vẫn chưa thấy hình hài các thiết chế này ra sao.
Trong khi nhà hàng khách sạn, cao ốc, tòa tháp chọc trời mọc lên mỗi ngày, nhất là ở khu trung tâm. Thực tế đó làm cho nhiều người chua chát đặt câu hỏi: “40 năm kể từ khi giải phóng, TPHCM đã xây dựng được biểu trưng, biểu tượng văn hóa nào?”.
Ông Phan Xuân Biên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Mai Hương |
Đi tìm câu trả lời, ông Phan Xuân Biên dẫn chứng mới đây, Thành ủy TPHCM đề ra mục tiêu tập trung xây dựng một số công trình trọng điểm thiết chế văn hóa thiết yếu… trong đó có Nhà hát giao hưởng Nhạc, vũ kịch; Nhà hát tổng hợp nghệ thuật đa năng ; Nhà hát tạp kỹ đa năng Phú thọ; Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và một số sân khấu kịch, cải lương xã hội hóa. Đây là những công trình đã được bàn khá lâu.
TP đầu tư mấy chục tỷ đồng mua nhạc cụ hiện đại cho giàn nhạc giao hưởng nhưng nơi chứa và sử dụng nó lại chưa có nên hiệu quả chưa cao và cũng nảy sinh nhiều dư luận trái chiều. TP bàn thảo, cất nhắc vị trí để xây nhà hát giao hưởng thật hiện đại nhưng rồi vẫn chưa chốt được.
Ông Biên nhận định: Với thực lực của một TP đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng năm xấp xỉ 30%, có GDP luôn ở mức 20% của cả nước vậy mà hệ thống văn hóa TP phát triển rất chậm, chưa đồng bộ, vừa thiếu, vừa yếu”.
Ông Trần Ngọc Thêm tại hội thảo ngày 17-3 - Ảnh: Mai Hương |
Làm văn hóa theo kiểu của Liên Xô mấy chục năm về trước
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nhận định căn bệnh chính hiện nay trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa của chúng ta là đầu tư dàn trải, bao cấp, hời hợt làm mà không quan tâm đến nhu cầu thật sự của người dân.
“Bởi thế nên mới có những công trình như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa có xác mà không có hồn; xây vỏ mà không xây ruột, có khi xây ruột rồi lại không phân người quản lý coi sóc. Rồi thì nhà nước cấp đất để xây nhưng xây trúng nhằm chỗ người dân không tiện đến, không ai muốn đến”- ông Thêm thẳng thắn.
Theo ông Thêm, bao nhiêu năm rồi mà chúng ta vẫn cứ xây nhà văn hóa, xây trung tâm văn hóa theo cái kiểu mà Liên Xô làm mấy chục năm về trước. Nhà nước cứ nghĩ những việc như thế là có ích cho dân rồi cứ thế mà làm, không chịu điều tra, khảo sát coi dân thật sự cần gì.
Dẫn chứng bằng những con số cụ thể, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng hệ thống bảo tàng hiện có của TPHCM vẫn chưa thu hút được nhiều người dân đến thăm. Theo kết quả một cuộc khảo sát, Trung bình, mỗi ngày các bảo tàng chỉ đón khoảng 80 lượt khách.
Bảo tàng đông khách nhất thì được mỗi ngày trên một trăm người, bảo tàng ít khách thì chỉ được tầm 35 khách.
“Chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao những công trình, dự án do tư nhân đầu tư, quản lý thì đông khách như Suối Tiên, Đầm Sen. Còn cái gì của nhà nước đầu tư thì không hiệu quả?”- ông Trần Ngọc Thêm đặt vấn đề.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM)được xây dựng lại từ nền của rạp Hưng Ðạo cũ với số vốn huy động 132 tỉ đồng, khai trươn g tháng 4-2015- Ảnh tư liệu. |
Phó giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP đồng quan điểm: “Đi các nước, bạn tự hào mời mình đi bảo tàng, đi thư viện. Còn mình - bạn đến chỉ mời đi siêu thị, nhà hàng. Đó là một thực tế đáng suy nghĩ”.
Đi vào phân tích nguyên nhân, ông Hòa cho rằng bên cạnh cơ sở vật chất, điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật của chương trình.
“Cứ nhìn vào nhà hát lớn TP hiện có của chúng ta đã có được bao nhiêu suất diễn thu hút người dân? Tôi cho rằng cơ sở vật chất cái gì thiếu thì xây, nhưng quan trọng phải tận dụng khai thác cho tốt những cơ sở đã có”- ông Hòa đề xuất.
Bàn thêm về giải pháp, giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất Nhà nước chỉ nên nhúng tay đầu tư thật căn cơ để làm những công trình quan trọng, khả năng thu lợi nhuận ít, tư nhân không mặn mà nhưng không thể không làm, chẳng hạn như các bảo tàng. Còn lại các thiết chế văn hóa hướng đến nhu cầu giải trí, có lợi nhuận thì nên để tư nhân tham gia đầu tư.
Theo Tuổi trẻ